Nợ nghiệp phải hoàn trả: Oan nghiệt sinh mụn nhọt [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người có kiếp trước, không chỉ trong một đời một kiếp mà kết thúc, những việc tốt và xấu đã từng làm trong đời này không thể chết là hết, sẽ có những biểu hiện báo ứng. Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng lục đạo luân hồi, đời này của con người kết thúc rồi, sẽ có thể chuyển sinh thành người, động vật, thực vật, v.v. Căn cứ để chuyển sinh chính là sự lựa chọn thiện và ác của con người tại thế gian.

Câu chuyện về hòa thượng Hàm Huy

Trong Phật giáo có lưu truyền về một câu chuyện như sau: Chùa Quán Âm ở huyện Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, trước kia có vị hòa thượng pháp hiệu Hàm Huy, đã hơn 40 tuổi, là người nghiêm trì giới luật.

Một hôm, hòa thượng đang đi trên đường đi khất thực, ngang qua một quán bán thịt chó. Do nghiệp lực chiêu cảm, làm cho vị hòa thượng giới luật tinh nghiêm đó bỗng dưng cảm thấy mùi hương của thịt chó rất thơm ngon, đột nhiên nước miếng tuôn chảy, thèm thuồng, nghĩ tưởng đến cảm giác ngậm miếng thịt chó vào miệng thích thú vô cùng. Nhưng ngay lập tức vị hòa thượng xua tan ý nghĩ thèm thuồng đó và vội vàng quay trở về chùa.

Sau khi hòa thượng về chùa, bỗng toàn thân sốt nóng, trên thân dần dần mọc ra 18 cái nhọt độc, mỗi nhọt độc đều có hình giống như đầu người, gây đau đớn không thể chịu nổi. Nếu có người khác nhìn thấy nhọt độc thì đớn đau có phần giảm đi, nhưng nếu che lại không cho người khác thấy thì lập tức đau đớn thấu xương thấu tủy. Tuy đã mời thỉnh rất nhiều thầy thuốc danh tiếng, song tất cả đều bó tay, không chữa trị được.

Sau khi chịu sự hành hạ đau đớn như vậy một thời gian, hòa thượng Hàm Huy suy ngẫm lại chặng đường tu hành, thấy rằng mình không làm gì sai trái, luôn duy trì giới luật không thể có ác nghiệp đời này tìm đến, đây hẳn là do oan nghiệt ác báo từ đời trước. Hòa thượng Hàm Huy liền quỳ trước tượng Phật Như Lai, thành tâm tụng kinh Kim Cang, phát nguyện sám hối tất cả những việc xấu đã gây ra trong quá khứ.

Hòa thượng Hàm Huy liền quỳ trước tượng Phật Như Lai, thành tâm tụng kinh Kim Cang, phát nguyện sám hối tất cả những việc xấu đã gây ra trong quá khứ. (Ảnh: Miền công cộng)

Vào một buổi tối, hòa thượng đang thiu thiu ngủ bỗng thấy mình thức dậy, đứng lơ lửng ở trên cao nhìn xuống thân thể đang ngủ, rồi đi xuyên thẳng vào trong đầu của thân thể mình. Khi tiến vào bên trong hòa thượng hoảng hốt thấy 18 cái thân người không đầu đang đi lại trong đó, còn đang kinh ngạc thì họ nhận ra có người đến, liền tiến đến hỏi: “Ông có biết chúng tôi không?”

Hòa thượng đáp. “Tôi không biết.

Một người bước tới gần nói: “Ông không biết thật sao? Vậy tôi sẽ nhắc cho ông nhớ. Vào đời nhà Kim, ông làm chức thống lãnh binh lính, chúng tôi đều là thuộc hạ dưới quyền của ông. Ông ra lệnh cho chúng tôi canh giữ cửa ra vào chỗ đóng quân. Trong bọn chúng tôi có hai người lén xuống núi, gặp một phụ nữ đi một mình liền cưỡng hiếp. Cô ta về nói với chồng, chồng cô tức giận đến báo với ông. Song ông không chịu điều tra xem ai là người phạm tội, lại hạ lệnh xử chém hết thảy 18 người giữ cổng chúng tôi. Hai tên phạm tội cưỡng hiếp, cố nhiên đáng tội chết, nhưng chúng tôi không liên quan gì đến việc làm tội lỗi của họ, lại bị ông xử chém. Nay ông mới chịu khổ một chút xíu mà thôi, chưa là gì với nỗi khổ của 18 người chúng tôi lúc đó?”

Một người khác tiếp lời: “Chúng tôi theo ông đã hơn 200 năm, nhưng biết ông tin theo Phật, những đời trước đều làm thiện tích đức, nay lại xuất gia nghiêm trì giới luật, nên lúc nào cũng có Thiện Thần hộ pháp theo bảo vệ, chúng tôi không dám xâm phạm. Mới đây nhìn thấy thịt chó ông khởi lên dục vọng muốn ăn thịt, như vậy là đã phá giới, khiến Thiện Thần hộ pháp đều xa lánh, chúng tôi mới có cơ hội báo oán này. Nay ông lại tụng kinh cầu nguyện giải trừ oan trái, vậy chúng tôi cho ông thêm ba năm nữa, sau đó nhất định quay lại lấy mạng ông.”

Hòa thượng tỉnh dậy, ngẫm lại về giấc mơ, có lẽ do thành tâm niệm kinh Phật để hóa giải những việc xấu từ đời trước nên được điểm hóa cho nguyên nhân xuất hiện 18 cái nhọt độc trên đầu. Vì thế, hòa thượng không còn cảm thấy khó chịu vì có nhọt độc trên đầu nữa. Ngay hôm sau, nhọt độc trên đầu hòa thượng không phát tác nữa, sau vài ngày thì khỏi hẳn.

Nhưng đúng ba năm sau, 18 nhọt độc bỗng nhiên mọc trở lại, chúng phát tác kịch liệt hơn lần trước, thối rữa và làm cho đau nhức không sao chịu nổi. Những cái nhọt độc oan nghiệt ấy đã hành hạ hòa thượng Hàm Huy mãi cho đến chết. Trong kinh Phật giảng rằng: “Nợ nghiệp phải hoàn trả”, dù bước vào tu Phật vẫn phải hoàn trả tội nghiệp đã mắc nợ từ đời trước.

Rừng, Cầu Thang, Nhà Sư, Đá Đèn Lồng, Con Đường, Cây
Trong kinh Phật giảng rằng: “Nợ nghiệp phải hoàn trả”, dù bước vào tu Phật vẫn phải hoàn trả tội nghiệp đã mắc nợ từ đời trước. (Ảnh: Pixabay)

Nợ nghiệp phải hoàn trả

Thời xưa, khi vua Lưu Ly xuất quân đi chinh phạt dòng họ Thích ở thành Ca Tỳ La Vệ. Đức Phật Thích Ca biết chuyện, liền hai lần ngồi dưới gốc cây khô ngăn cản vua Lưu Ly dẫn đại quân đi chinh phạt. Sau khi về nước, Phạm Chí Hiếu Khổ nhắc lại khi xưa vua bị người của dòng họ Thích sỉ nhục, vua Lưu Ly lại nổi giận đem quân đi đánh. Lần này, Đức Phật Thích Ca không ngăn cản nữa. Mục Kiền Liên định dùng thần thông cứu dòng họ của Đức Phật, thì được Đức Phật trả lời:

- “Này Mục Kiền Liên, ta biết ông có khả năng trí đức che chở cho nước Xá Di, nhưng chúng sanh có bảy việc không thể tránh khỏi. Đó là: sinh, lão, bệnh, tử, tội, phúc và nhân duyên. Bảy điều này dù ta muốn tránh cũng không thể được. Dù oai thần của ông có thể làm được chuyện đó, nhưng tội lỗi nghiệp từ trong quá khứ làm sao tránh được.”

Sau đó, vua Lưu Ly dẫn quân vào thành Ca Tỳ La Vệ ra lệnh giết toàn bộ dòng họ Thích. Mục Kiền Liên thấy vậy thì nóng lòng muốn cứu, liền dùng thần thông thu 500 người dòng họ Thích vào trong cái bát và đem đi nơi khác. Chờ cho trận chiến kết thúc, Mục Kiền Liên mở bát ra thì 500 người họ Thích đã hóa thành máu.

Ảnh: Miền công cộng

Các đệ tử của Đức Phật thấy dòng họ Thích bị tàn sát như vậy nên mới thưa hỏi đức Phật do ác duyên gì dẫn đến. Đức Phật liền kể cho các đệ tử: “Ngày xưa trong thành La Duyệt có một làng đánh cá. Khi ấy đời sống hết sức đói nghèo và người dân phải ăn rễ cây, một đấu vàng đổi được một đấu gạo. Trong làng có một cái ao có rất nhiều cá, dân trong làng đều đến bắt cá để ăn. Dưới ao có hai loại cá, một loại tên là Câu Tỏa và loại thứ hai tên là Lưỡng Thiệt. Hai loại cá này bị bắt ăn như vậy nên hai con cá đầu đàn mới bảo với nhau: “Chúng ta đối với những người này trước tiên không có lỗi lầm, tại họ ở trên đất bằng còn ta ở dưới nước, nhưng người ở nơi đây lại ăn nuốt chúng ta. Nếu sau này có một chút phước đức gì thì chúng ta sẽ dùng nó để báo oán trở lại”. Lúc bấy giờ trong làng có một đứa bé mới 8 tuổi không đánh cá, cũng không hại mạng của cá, nhưng lúc thấy những người khác đánh giết cá và thấy những con cá bị bắt trên bờ thì đứa bé này hết sức hoan hỷ. Cuối cùng, đức Phật kết luận rằng: “Tỳ kheo nên biết, các Thầy chớ xem rằng người dân trong thành La Duyệt Kỳ bấy giờ là ai khác, nay họ chính là những người trong dòng họ Thích, con cá Câu Tỏa hồi đó, nay là vua Lưu Ly, và con cá Lưỡng Thiệt nay là Phạm Chí Hiếu Khổ. Đứa bé thấy cá chết trên bờ mà vui thích lúc đó, nay chính là ta. Dòng họ Thích lúc ấy là người dân ngồi ăn cá, do nhân duyên này nên vô số kiếp vào địa ngục, nay chịu sự trả này. Ta lúc ấy vì thấy cá chết mà hoan hỷ vui cười cho nên nay bị quả báo đau đầu giống như đá đè, ví như lấy đầu mà đội núi Tu Di vậy.”

Nhưng kiếp làm cá và làm người là khác nhau, vua Lưu Ly giết người trong thành Ca Tỳ La Vệ được mô tả là máu chảy thành sông. Đức Phật quan sát thấy vua Lưu Ly sát nghiệp quá nặng, sẽ phải chịu quả báo tới rất nhanh, nên nói với các đệ tử: “Nay vua Lưu Ly và quân lính này sẽ chẳng còn ở đời bao lâu nữa, sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt hết”.

Vua Lưu Ly nghe Đức Phật nói về quả báo thì rất tin và lo sợ, liền cho gọi các quần thần coi xem lý do chết của mình có phải do trộm giặc, nước, lửa, tai biến xâm phạm hay không. Các quần thần thưa là không có các nạn đó, Phạm Chí Hiếu Khổ khuyên vua cứ yên tâm mà vui chơi, đừng nên lo sợ. Nhưng vua tin lời Đức Phật nói, nên đếm từng ngày và lo sợ. Đã qua sáu ngày mà chưa có vấn đề gì xảy ra, đến buổi sáng ngày thứ bảy vẫn không có vấn đề gì cho nên vua mừng rỡ. Cảm thấy rất vui mừng vì lời Đức Phật nói đã không xảy ra, vua Lưu Ly bèn dẫn các cung nữ đến bên bờ sông Ca Di Na vui chơi rồi nghỉ ở đó. Bất ngờ nửa đêm mây kéo đến, gió to mưa lớn ập tới, mọi người không kịp rút lui tất cả đều bị nước cuốn trôi sông, bị chết và đọa vào địa ngục A tỳ. Những người thân của vua Lưu Ly còn ở trong thành không đi chơi, đêm đó cũng bị sét đánh và cháy hết cả cung điện.

Trong Phật giáo rất chú trọng tu Thân, Khẩu, Ý bởi vì tạo nghiệp rồi lại phải trả nghiệp, trả nghiệp rất thống khổ mà cũng không dễ mà hoàn trả được hết trong một đời. Ngay cả người đã chứng đắc quả Phật như Phật Thích Ca lúc đó vẫn còn bị đau đầu do nghiệp tác động đến. Người tu Phật có Thần hộ mệnh, về lý thì tà ma không thể làm hại được, nhưng khi giữ tâm không vững, sản sinh ra một tà niệm cũng có thể chiêu mời chúng đến, bản thân bị gặp rắc rối.

Vân Hải

Tham khảo: Chanhkien.org; vn.minghui.org; cuocsong.online



BÀI CHỌN LỌC

Nợ nghiệp phải hoàn trả: Oan nghiệt sinh mụn nhọt [Radio]