Con trai làm xằng làm bậy bị cha tru sát, lưu truyền một câu thành ngữ suốt 2.000 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử có một vị danh thần, bởi vì con trai mình làm xằng làm bậy nên đã quyết định tru sát, hơn nữa còn không hề do dự. Việc làm này không chỉ rũ sạch mối quan hệ tình thân, mà từ đó còn ra đời một câu thành ngữ lưu truyền suốt hơn 2.000 năm, đến nay rất nhiều người đều biết.

Văn hóa truyền thống Trung Hoa bác đại tinh thâm, ngoài thơ, từ, ca, phú, còn lưu truyền đến nay rất nhiều tục ngữ và thành ngữ. Và đằng sau mỗi câu thành ngữ đều có một câu chuyện mà nhiều người chưa biết đến.

Trong "Tam Tự kinh" giảng rằng: "Dưỡng bất giáo, phụ chi quá", ý tứ rằng nuôi con mà không dạy dỗ là lỗi của người cha. Mặc dù về lý khi con cái mắc phải sai lầm thì không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người cha, nhưng thân làm cha là phải gánh vác trọng trách giáo dục con cái. Bởi vậy, khi con cái phạm sai lầm thì người cha thường cũng sẽ bị phê bình, loại tình huống này rất phổ biến. Trong lịch sử có một vị danh thần, bởi vì con trai mình làm xằng làm bậy nên đã quyết định tru sát, hơn nữa còn không hề do dự. Việc làm này không chỉ rũ sạch mối quan hệ tình thân, mà từ đó còn ra đời một câu thành ngữ lưu truyền suốt hơn 2.000 năm, đến nay rất nhiều người đều biết.

Vào đầu thời Xuân Thu, vua nước Vệ là Vệ Trang Công có ba người con trai: Con cả Cơ Hoàn, con thứ hai Cơ Tấn, con thứ ba là Châu Dụ. Dựa theo chế độ con trưởng được thừa kế, Cơ Hoàn sẽ tiếp nhận ngôi vị của cha mình để trở thành Vệ vương. Tuy nhiên, Vệ Trang Công lại rất sủng ái người con trai thứ ba, quả thực rất yêu chiều, thậm chí khiến Châu Dụ dưỡng thành tính cách ngang ngược tàn nhẫn. Anh ta coi thường kỷ luật, làm không ít việc ác, ỷ vào sự che chở của phụ thân. Đại phu nước Vệ - Thạch Thước là một trọng thần, ông nhiều lần khuyên nhủ Vệ Trang Công phải quản giáo Châu Dụ nhiều hơn, nếu không sau này ắt sẽ thành họa lớn.

Thạch Thước can rằng:

"Thần nghe rằng yêu con thì lấy đạo nghĩa dạy con, không để đi vào tà đạo. Kiêu ngạo, xa xỉ, dâm đãng, dật lạc, là những thứ dẫn đến tà đạo vậy. Bốn cái ấy đến, là do sủng hạnh bổng lộc quá nhiều vậy. Định lập Châu Dụ, thì nên định ngôi vị cho y, nếu còn chưa, sẽ sinh hoạ loạn. Những kẻ được yêu mà không kiêu, kiêu mà có thể chịu bị giáng địa vị, giáng địa vị mà không oán hận, oán hận mà có thể tự khắc chế, hiếm lắm. Vả lại, đê tiện phương hại tôn quý, niên thiếu lăng nhục trưởng thượng, kẻ xa ly gián người thân, kẻ mới ly gián người cũ, kẻ yếu lấn ép kẻ mạnh, dâm loạn phá hoại đạo nghĩa, đấy gọi là sáu điều nghịch vậy.

Vua có chính nghĩa thì bề tôi chấp hành mệnh lệnh, cha hiền từ thì con hiếu thuận, anh yêu em thì em kính anh, đấy gọi là sáu điều thuận vậy. Bỏ thuận theo nghịch, là làm cho họa hại chóng tới vậy. Bậc làm vua tất phải lo trừ bỏ họa hại, mà lại làm cho nó chóng tới, lẽ nào không phải là không thể làm như vậy chăng?".

Tuy nhiên, Trang Công từ đầu đến cuối vẫn không nghe. Năm 735 TCN, Vệ Trang Công qua đời vì bạo bệnh, con trai cả thuận lợi kế vị ngai vàng, nhưng nghe cái tên "Cơ Hoàn" này cũng thấy không phải là người mạnh mẽ.

Quả nhiên, vị vua mới này trời sinh bản tính nhu nhược, ai cũng có thể chèn ép, cho nên căn bản không thể quản thúc người em trai có hành vi ngỗ ngược kia. Châu Dụ ngày càng làm càn, cuối cùng nảy ra ý định cướp ngôi.

Lại nói, Thạch Thước cũng có một người con trai khó bảo tên là Thạch Hậu, hắn ngày ngày thường đi theo Châu Dụ làm xằng làm bậy. Mặc cho Thạch Thước khuyên bảo thế nào cũng đều vô dụng. Châu Dụ và Thạch Hậu còn tự mình thành lập một triều đình nhỏ, lên kế hoạch lật đổ Cơ Hoàn, đưa Châu Dụ lên làm vua nước Vệ.

Thạch Thước răn dạy Thạch Hậu. (Ảnh : Internet)
Thạch Thước răn dạy Thạch Hậu. (Ảnh : Internet)

Thạch Thước xem xét thấy triều đình này là không thể tiếp tục ở lại được nữa, thế là cáo lão hồi hương. Thạch Hậu bày cho Châu Dụ một ý tưởng ma quỷ: "Vương vị của ngài không thể đến theo con đường chính đáng được. Cho nên để củng cố thống trị, ổn định dân tâm, ngài nên làm một chút việc đại sự".

Thế là Châu Dụ bèn liên lạc với mấy nước nhỏ lân cận để cùng nhau tiến đánh nước Trịnh, khiến cho hao người tốn của, tiếng oán than khắp nơi. Việc này phải làm sao để xử lý? Thạch Hậu bèn bảo Châu Dụ đi mời Thạch Thước để tiếp tục chưởng quản triều chính, có cây đại thụ Thạch Thước này làm chỗ dựa, nhất định có thể thu phục được lòng dân. Thế nhưng khi Châu Dụ phái người đi mời, Thạch Thước lại cáo ốm không đáp ứng. Thạch Hậu biết rõ nguyên nhân, cho nên hắn ta quyết định tự mình đi mời. Thạch Thước từ lâu đã muốn vì nước trừ hại, bèn nghĩ ra một kế.

Thạch Thước nói với con trai Thạch Hậu: "Vương vị của Châu Dụ dù có lai lịch bất chính, nhưng chỉ cần được Chu Thiên tử tán thành là được. Ta nghe nói vua nước Trần và Chu Thiên tử từ trước đến nay vốn giao hảo, ngươi hãy cùng Châu Dụ đến nước Trần, nhờ ông ấy nói mấy lời với Chu Thiên tử, việc này tất thành".

Thạch Hậu nghe xong ý tưởng này, liền mang theo hậu lễ cùng Châu Dụ đi Trần quốc. Nhưng không ngờ rằng, Thạch Thước đã sớm viết xong huyết thư, sai người phi ngựa gấp rút đưa cho người bạn thân của mình là vua nước Trần - Trần Hoàn Công, thỉnh cầu ông xử tử Châu Dụ và Thạch Hậu để trừ hại cho Vệ quốc. Trần Hoàn Công quả nhiên cho bắt giam Châu Dụ và Thach Hậu.

Không lâu sau, nước Vệ phái người đến giết chết Châu Dụ, còn Thạch Hậu là tòng phạm, hơn nữa Trần Hoàn Công không muốn người bạn tốt của mình mất đi nhi tử, cho nên nghĩ cách xử lý khoan dung.

Thạch Thước đại nghĩa diệt thân. (Ảnh trực tuyến)
Thạch Thước đại nghĩa diệt thân. (Ảnh trực tuyến)

Tuy nhiên, Thạch Thước lại không đồng tình, nói rằng chuyện 'thiên vị tư tình mà quên đại nghĩa' là ông không thể làm được. Bởi vì thân thể của mình không tiện, không thể đến nước Trần để tự mình xử lý, cho nên ông cắt cử thuộc hạ Dương Kiên làm thay việc này. Thế là Dương Kiên đến nước Trần giết chết Thạch Hậu.

Chuyện này về sau được nhà sử học Tả Khâu Minh ghi lại ở trong "Tả truyện", viết rằng: 'Đại nghĩa diệt thân' là ý nói việc này chăng!

Có thể vì đại nghĩa của quốc gia mà trừng trị người thân yêu nhất, tác giả ca ngợi phẩm hạnh "đại nghĩa diệt thân" của Thạch Thước. Từ đó, Trung Quốc mới có thêm câu thành ngữ này. "Đại nghĩa diệt thân", cũng chính là "Quân pháp bất vị thân", vì đại nghĩa mà người thân cũng phải trừng trị. Đây là câu thành ngữ được dùng để nói về một tinh thần đề cao việc hy sinh cái riêng để vì cái chung, vì đất nước, dân tộc.

Trên thực tế, vào thời Tiên Tần, những người có thể giữ vững tín nghĩa, lấy tín nghĩa làm đầu giống như Thạch Thước cũng không phải là số ít. Và đây cũng là một nét nhân văn đặc sắc trong lịch sử của đất nước Trung Hoa thời cổ đại.

Trung Nguyên
Theo Quách Hiểu - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Con trai làm xằng làm bậy bị cha tru sát, lưu truyền một câu thành ngữ suốt 2.000 năm