Trung Quốc tang thương: Tà biến nhân tâm thành ma quỷ (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lời dẫn: Năm 2010, một cuốn sách ra mắt tại Hồng Kông đã kể lại toàn bộ sự thật kinh hoàng về vụ đại thảm sát tại Huyện Đạo, thuộc tỉnh Hồ Nam gây chấn động thế giới và khiến giới chóp bu của ĐCSTQ e ngại. Nếu không có sự dũng cảm của Đàm Hách Thành (Tan Hecheng) – một nhà báo có thâm niên làm việc trong ngành truyền thông chính thống của ĐCSTQ, chúng ta không bao giờ biết được những bi thương đã từng xảy ra tại một huyện lỵ xa xôi ở phía nam Trung Quốc cách nay nửa thế kỷ. Đàm Hách Thành đã tỉ mỉ viết lại sự thật trần trụi một trong những giai đoạn đen tối nhất, và ít được biết đến nhất trong lịch sử giết người của ĐCSTQ: Vụ tàn sát hơn 9.000 công dân Trung Quốc theo lệnh công khai của các cán bộ Đảng viên Cộng sản trong thời kỳ cao điểm của Cách Mạng Văn hóa...

Xem lại: Phần mở đầu

Kỳ 1 - Trung Quốc tang thương: Tà biến nhân tâm thành ma quỷ

Dòng sông Tiêu hiền hòa tuôn chảy từ những ngọn núi ở miền nam Trung Quốc rồi đổ vào một vùng đồng bằng nhỏ hẹp, nơi có những cánh đồng và làng mạc của người thiểu số Dao. Từ đây, dòng Tiêu uốn khúc rẽ nhánh thành 63 con lạch và dòng suối chảy vào lưu vực. Hơn 50 năm trước, dòng sông này đã phải vận chuyển một thứ “hàng hóa” ghê rợn: Xác người nổi lềnh phềnh.

Thảm sát man rợ

Năm 1967, một cuộc tấn công cuồng loạn và man rợ kéo dài suốt 2 tháng đã càn quét qua một tỉnh nông thôn ở Trung Quốc, và khiến hơn 9.000 người bị tàn sát một cách dã man. Tâm chấn của vụ giết người là huyện Đạo, thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi mà dòng sông Tiêu chia đôi nhánh xuôi dòng về phía Bắc.

Cứ mỗi giờ, những nhân chứng đứng trên bờ sông Tiêu lại đếm được khoảng hơn 100 xác chết trôi qua, và trẻ em thì thi nhau nhảy qua các con lạch để “cạnh tranh” xem ai nhìn thấy nhiều bộ phận thi thể nhất. Nhiều thi thể bị trói lại với nhau bằng sợi dây thép “xâu” qua xương đòn, thân thịt sưng phồng, còn mắt và môi bị cá rỉa sạch.

Rồi chặng cuối của “tiến trình” xác chết dồn ứ lại tại đập Song Bài, gây tắc nghẽn các máy phát thủy điện. Phải mất nửa năm sau, các công nhân nhà máy thủy điện mới có thể dọn sạch các bộ phận thi thể người mắc vào các tua-bin, và thêm hai năm nữa trước khi người dân địa phương dám ăn lại cá tại quãng sông này.

Xác chết chất đống bên bờ sông Tiêu.
Xác chết chất đống bên bờ sông Tiêu. (Internet)

Tháng 8/1967, nỗi sợ hãi về một bóng đen tàn bạo bắt đầu bao trùm toàn tỉnh Hồ Nam. Người dân huyện Đạo cùng vài huyện lân cận tại thung lũng Hoành Quán Đạo Châu đã nghe nói về cuộc Cách mạng Văn hóa ám mùi chết chóc, nhưng hầu hết các cuộc bắt bớ, giết người khi ấy mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn, mà kẻ thi hành án là những Hồng Vệ binh đang điên cuồng thực hiện theo mệnh lệnh của Mao Trạch Đông.

Rồi Cách mạng Văn hóa ùa đến vùng nông thôn thuần phác như một làn gió chết chóc. Nhưng những gì xảy ra ở huyện Đạo lại là một “cấp độ” giết người kiểu khác. Dân làng chống lại dân làng, nông dân chống lại nông dân cùng với sự đố kỵ, nghi ngờ, đấu tố lẫn nhau trong một “phong trào” giết người điên cuồng không ngừng nghỉ.

Nhiều người bị ném vào hố đá vôi đang sôi sục, một số thậm chí không bị giết nhưng bị “quăng” vào các ngôi mộ tập thể đầy ắp xác người và chết ngạt ở đó. Chưa đủ tàn bạo, những kẻ giết người còn “sáng tạo” kiểu thi hành án mới: Họ trói các nạn nhân lại với nhau cùng với thuốc nổ rồi kích hoạt ngòi nổ. Họ reo hò khi chứng kiến các bộ phận cơ thể người bắn lên không trung và rơi lả tả xuống đất. Nhưng hầu hết các nạn nhân thường bị xử tử bằng nông cụ như thuổng, cuốc, gậy, cào cào rồi bị ném xác xuống dòng sông Tiêu.

Cuộc thảm sát tại huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam đã chứng kiến những màn tra tấn, tử hình nạn nhân bằng nhiều hình thức man rợ và thảm khốc khác nhau. Ảnh: Xác chết của trẻ em.
Cuộc thảm sát tại huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam đã chứng kiến những màn tra tấn, tử hình nạn nhân bằng nhiều hình thức man rợ và thảm khốc khác nhau. Ảnh: Xác chết của trẻ em. (Internet)

Bóng ma giết người u ám

Năm 1966, Mao Trạch Đông khởi xướng cuộc cách mạng nhằm mục đích thanh trừng các thành phần phá hoại và phản động, “tìm ra các đại diện của giai cấp xấu đang ẩn nấp trong nội bộ Đảng, Chính phủ, quân đội và các lãnh địa văn hóa khác”, rồi phơi bày chúng dưới “kính viễn vọng và kính hiển vi của Tư tưởng Mao Trạch Đông”.

Tháng 5/1966, Mao Trạch Đông ra lệnh cho cấp dưới là Tạ Phú Trì, Bộ trưởng Bộ Công an phải bằng mọi cách “bảo vệ thủ đô”, nghĩa là tất cả các cư dân xuất thân từ những “giai cấp xấu” sẽ bị trục xuất ra khỏi thành phố. Theo sau việc di dời các cư dân Bắc Kinh xuất thân từ các “giai cấp xấu”, các vùng nông thôn cũng bắt đầu phủ bóng ma u ám khi Tạ Phú Trì ra lệnh cho cảnh sát hỗ trợ Hồng Vệ binh lục soát nhà cửa của “năm giai cấp đen” là địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu, và cánh hữu bằng cách tham mưu, cung cấp thông tin và giúp đỡ đột kích.

Theo tuyên truyền của chủ nghĩa Mao, những người bị giết là các phần tử đen của cách mạng gồm: Tôn giáo, Địa chủ, Tư sản và Truyền thống. Dưới học thuyết của Mao, đây là nhóm người xấu xa ghê tởm.

Theo tuyên truyền của chủ nghĩa Mao, những người bị giết là các phần tử đen của cách mạng gồm: Tôn giáo, Địa chủ, Tư sản và Truyền thống. Dưới học thuyết của Mao, đây là nhóm người xấu xa ghê tởm.
Theo chủ nghĩa Mao, những người bị giết là các phần tử đen của cách mạng gồm: Tôn giáo, Địa chủ, Tư sản và Truyền thống. Dưới học thuyết của Mao, đây là nhóm người xấu xa ghê tởm. (Getty)

Mao Trạch Đông đã phát minh ra một “lý thuyết” mà sau trở thành lý luận giai cấp áp dụng vào việc đánh người: “Người tốt đánh người xấu là đích đáng. Người xấu đánh người xấu là vinh dự. Người tốt đánh người tốt là hiểu nhầm.” Mùa hè năm 1966, làn sóng bạo lực tràn tới các vùng nông thôn Trung Quốc, mức độ tàn bạo, điên cuồng của nó làm rung chuyển các ngọn núi và đóng băng các dòng sông. Nó lan tới tận cả huyện thị xa xôi hẻo lánh ở phía nam Trung Quốc, và toàn bộ người dân huyện Đạo và khu vực lân cận của tỉnh Hồ Nam thấp thỏm lo âu trong tình trạng khủng bố.

Khắp nơi tại các huyện thị đều giăng những khẩu hiệu “Chém sạch giết sạch ‘bốn loại xấu xa’, vĩnh viễn giữ cho giang sơn hưng thịnh đời đời”, khắp nơi đều là những thông báo giết người của “Tòa án tối cao bần nông và trung nông”. Trong 66 ngày, từ ngày 13/8 đến ngày 7/10/1967, dân quân ở huyện Đạo tỉnh Hồ Nam đã tàn sát những người thuộc “năm giai cấp đen”, hơn 4.519 người trong 2.778 gia đình thuộc 468 đội của 36 công xã nhân dân ở 10 khu vực đã bị giết chết. Trong toàn bộ địa khu bao gồm 10 huyện, tổng cộng 9.093 người đã bị giết chết, trong đó 38% là thuộc “năm giai cấp đen” và 44% là con cái của họ. Người già nhất bị giết là 78 tuổi và người trẻ nhất mới chỉ được 10 ngày tuổi.

Vụ thảm sát giết người hàng loạt tại huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam “được” thực hiện bởi các đảng viên cộng sản, giới chức quân đội, các quan chức đứng đầu huyện Đạo cùng với sự hỗ trợ đắc lực của dân quân địa phương và đám đông. Khoảng 90% nạn nhân và các thành viên gia đình của họ đều bị gắn mác là kẻ thù của Cách mạng Cộng sản, tức là thuộc về cái gọi là “năm giai cấp đen”. Vụ thảm sát tại huyện Đạo đã mở đầu việc kích động hàng loạt các vụ giết người, thảm sát quy mô lớn sau đó tại các vùng nông thôn lân cận.

Vụ thảm sát tại huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam “được” thực hiện bởi các đảng viên cộng sản, giới chức quân đội, các quan chức địa phương cùng với sự hỗ trợ đắc lực của dân quân và đám đông.
Vụ thảm sát tại huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam “được” thực hiện bởi các đảng viên cộng sản, giới chức quân đội, các quan chức địa phương cùng với sự hỗ trợ đắc lực của dân quân và đám đông. (Internet)

Nếu như ĐCSTQ trong Cải cách Ruộng đất sử dụng nông dân lật đổ địa chủ để cướp đất; trong Cải cách Công thương sử dụng giai cấp công nhân lật đổ những nhà tư sản để cướp tài sản, và trong cuộc vận động chống cánh hữu đã tiêu diệt tất cả những nhà trí thức có quan điểm đối lập, thì mục đích của tất cả các cuộc tàn sát trong Cách mạng Văn hóa là gì? Câu trả lời chính là: ĐCSTQ đã sử dụng nhóm người này để tiêu diệt nhóm người kia, và không một giai cấp nào được tin dùng.

Tuy nhiên người ta không sao lý giải được vì sao lại diễn ra một cuộc thảm sát người điên loạn và dã man đến như vậy, khi huyện Đạo là vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, lạc hậu và nghèo nàn. Sự hiện diện của nhóm người thiểu số Dao không phải là mối đe dọa đối với Mao Trạch Đông, và điều này đôi khi cũng được đề cập đến như một cách giải thích về sự phân biệt chủng tộc của ông ta và ĐCSTQ.

Năm mươi năm sau cơn điên loạn Cách mạng Văn hóa dưới học thuyết của ĐCSTQ, có một người đã dũng cảm tiết lộ toàn bộ vụ giết người kinh hoàng này, bất chấp mối đe dọa từ những kẻ cầm quyền tà ác…

Người thiểu số Dao không phải là mối đe dọa đối với Mao Trạch Đông. Tuy nhiên hành động giết người của y đôi khi cũng được xem như một sự phân biệt chủng tộc của ông ta và ĐCSTQ.
Người thiểu số Dao không phải là mối đe dọa đối với Mao Trạch Đông. Tuy nhiên hành động giết người của y đôi khi cũng được xem như một sự phân biệt chủng tộc của ông ta và ĐCSTQ. (Internet)

Bất chấp bị đe dọa, vẫn có người dám nói sự thật

Năm 2010, một cuốn sách ra mắt tại Hồng Kông đã kể lại toàn bộ sự thật kinh hoàng về vụ đại thảm sát tại Huyện Đạo, thuộc tỉnh Hồ Nam gây chấn động thế giới và khiến giới chóp bu của ĐCSTQ e ngại. Nếu không có sự dũng cảm của Đàm Hách Thành (Tan Hecheng) – một nhà báo có thâm niên làm việc trong ngành truyền thông chính thống của ĐCSTQ, chúng ta không bao giờ biết được những bi thương đã từng xảy ra tại một huyện lỵ xa xôi ở phía nam Trung Quốc cách nay nửa thế kỷ.

Có thể nói tính đến thời điểm này, Đàm Hách Thành là một trong số ít người Trung Quốc dám phơi trần một trong những tội ác gây sốc nhất của ĐCSTQ, sau tội ác mổ cướp nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công.

Người đàn ông ở tuổi thất thập lai hy này đã trải qua phần lớn cuộc đời mình ở tỉnh Hồ Nam (phía nam Trung Quốc), nơi có vị trí địa lý cách khá xa đầu não quyền lực Trung Nam Hải. Ông là một nhà báo tận tụy, dành phần lớn sự nghiệp cho ngành truyền thông chính thống của nhà nước cộng sản. Đàm Hách Thành không phải là một người bất đồng chính kiến, mà ngược lại thậm chí trước đó ông còn là một người tin vào Chủ nghĩa Cộng sản.

Nhưng trong cuốn sách dày 500 trang phát hành bằng tiếng Anh tại Hồng Kông vào năm 2010, ông đã tỉ mỉ viết lại sự thật trần trụi một trong những giai đoạn đen tối nhất, và ít được biết đến nhất trong lịch sử giết người của ĐCSTQ: Vụ tàn sát hơn 9.000 công dân Trung Quốc theo lệnh công khai của các cán bộ Đảng viên của Huyện Đạo (tỉnh Hồ Nam) trong thời kỳ cao điểm của Cách Mạng Văn hóa.

Từng là một nhà báo tận tụy và cũng rất tin vào chủ nghĩa cộng sản. Năm 2010, Đàm Hách Thành bất ngờ ra mắt một cuốn sách kể lại toàn bộ sự thật về vụ thảm sát tại Huyện Đạo gây chấn động thế giới, và khiến ĐCSTQ e ngại. (Tổng hợp)
Từng là một nhà báo tận tụy và cũng rất tin vào chủ nghĩa cộng sản. Năm 2010, Đàm Hách Thành bất ngờ ra mắt một cuốn sách kể lại toàn bộ sự thật về vụ thảm sát tại Huyện Đạo gây chấn động thế giới. (Tổng hợp)

Trong cuộc cải cách cởi mở dưới thời Hồ Diệu Bang, người ta thống kê có khoảng 15.050 người liên can trực tiếp tới vụ thảm sát tại huyện Đạo, mà chiếm một nửa trong số đó là cán bộ và Đảng viên. Nhưng chỉ có 54 người bị kết án vì tội ác của họ và 948 đảng viên khác bị kỷ luật.

Dành trọn tuổi thanh xuân

Khi còn là học sinh trung học ở Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, Đàm Hách Thành cùng với vài người anh em họ hàng bắt xe buýt tới huyện Đạo để thăm bạn bè. Trong khi mọi người tụm lại nhâm nhi món cá nướng, Đàm Hách Thành lại chọn cách đi dạo quanh thị trấn Doanh Giang. Đó là thời điểm cuối năm 1967, một năm sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao khởi xướng với nhiệm vụ áp đặt hệ tư tưởng Cộng sản triệt để trên khắp mọi miền Trung Quốc, nhằm xóa bỏ mọi thứ được coi là truyền thống hoặc tư bản.

Ở tuổi 20, chàng sinh viên Đàm Hách Thành nhận thức rất rõ những tác động kinh hoàng của Cách mạng Văn hóa đang diễn ra tại các thành phố lớn. Trong những ngày đầu của cuộc Cách mạng Văn hóa, Đàm Hách Thành đã chứng kiến chiến dịch “làm sạch” Trung Quốc bởi Hồng Vệ binh: Người dân bị bắt bớ bởi những cái cớ nhỏ bé nhất, tài sản bị thu giữ, các vụ đánh đập tra tấn diễn ra như cơm bữa…

Đàm Hách Thành đã chứng kiến chiến dịch “làm sạch” Trung Quốc bởi Hồng Vệ binh: Người dân bị bắt bớ bởi những cái cớ nhỏ bé nhất, các vụ đánh đập tra tấn diễn ra như cơm bữa… (Wikimedia Commons)
Đàm Hách Thành đã chứng kiến chiến dịch “làm sạch” Trung Quốc bởi Hồng Vệ binh: Người dân bị bắt bớ bởi những cái cớ nhỏ bé nhất, các vụ đánh đập tra tấn diễn ra như cơm bữa… (Wikimedia Commons)

Nhưng anh khá bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy những tờ thông báo viết tay dán khắp mọi ngóc ngách của vùng nông thôn về các cuộc điều tra quy kết tội phản động đối với tội phạm. Các thông báo này được ký bởi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Bần nông và Trung nông với dòng chữ kết luận lạnh lùng: “Sự phẫn nộ của công chúng yêu cầu xử tử kẻ phạm tội, bản án có hiệu lực ngay lập tức.”

Viễn cảnh ấy đã tác động mạnh mẽ tới Đàm Hách Thành: “Tim tôi đập ầm ầm, da đầu râm ran, cảm nhận toàn thân ớn lạnh.” Những người trẻ tuổi như Đàm Hách Thành đều bị gửi về nông thôn để cải tạo tư tưởng và đạo đức vào đúng thời điểm tồi tệ nhất của cuộc thảm sát huyện Đạo. Khi Đàm Hách Thành kể lại cho những người bạn đồng hành về các tờ thông báo hành quyết, những người trẻ đó nhún vai nói rằng: “Còn nhiều điều tồi tệ hơn đã xảy ra”. Phải mất thêm hai thập kỷ nữa, Đàm Hách Thành mới có thể tiếp cận được sự thật của vấn đề.

Ngày hôm đó ở Doanh Giang, anh đã chứng kiến thêm một khía cạnh tàn bạo khác của Cách mạng Văn hóa. Đó là vụ giết người có hệ thống diễn ra trong hơn 66 ngày. Sự cuồng nộ điên rồ này như vòi bạch tuộc lan ra các vùng lân cận, dẫn đến cái chết oan uổng và bi thảm của hơn 9.000 đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em, những người bị coi là kẻ thù của ĐCSTQ dưới học thuyết của Mao Trạch Đông.

Tất cả các nạn nhân đó có thể đã bị lãng quên và bị ĐCSTQ che giấu nếu Đàm Hách Thành không phải là một nhà báo và đột nhiên nhận được một nhiệm vụ vào năm 1986, cho phép anh tiếp cận một lượng lớn tài liệu mật liên quan đến vụ thảm sát huyện Đạo. Những ngày Đàm Hách Thành gấp rút vùi mình trong đống tài liệu đầy con số lạnh lùng ấy, đã khơi dậy những ký ức về cảm giác kinh hoàng của chàng sinh viên trẻ tuổi trong chuyến đi vô thưởng vô phạt 20 năm về trước.

Sự cuồng nộ điên rồ này đã dẫn đến cái chết oan uổng và bi thảm của hơn 9.000 đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em, những người bị coi là kẻ thù của ĐCSTQ dưới học thuyết của Mao Trạch Đông.
Sự cuồng nộ điên rồ này đã dẫn đến cái chết bi thảm của hơn 9.000 đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em, những người bị coi là kẻ thù của ĐCSTQ dưới học thuyết của Mao Trạch Đông. (Internet)

Nhiệm vụ bất thường

Thực tế, chính chính quyền ĐCSTQ đã giúp Đàm Hách Thành biết đến tội ác này. Vào đầu thập niên 1980, khi Hồ Diệu Bang lên nắm quyền, nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách cởi mở này đã điều 1.300 người đến tỉnh Hồ Nam để điều tra những gì đã xảy ra tại huyện Đạo trong thời Cách mạng Văn hóa. Năm 1986, Đàm Hách Thành đã được Tổng biên tập tờ Khai thác (Kaituo) – một tạp chí có những bài viết thẳng thắn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ – giao một nhiệm vụ bất thường: Tới huyện Đạo để điều tra về vụ thảm sát năm 1967.

Với tư cách là phóng viên của một tờ báo nổi tiếng, Đàm Hách Thành đã tiếp cận hàng chục ngàn trang tài liệu với ý định sẽ viết một bài tích cực về những nỗ lực của ĐCSTQ trong cách ứng xử với quá khứ, và đưa thủ phạm ra trước tòa án công lý. Đàm Hách Thành đã tiến hành các cuộc phỏng vấn rộng rãi từ những người sống sót, thân nhân của các nạn nhân, và từ chính những quan chức chính quyền có tư tưởng cải cách để lấy tư liệu viết bài.

Trong quá trình điều tra, Đàm Hách Thành vẫn luôn tự đặt câu hỏi: Liệu có ai trong số hơn 9.000 nạn nhân bị giết ở huyện Đạo này đã lên kế hoạch cho một vụ phản cách mạng hay nói điều gì đó phạm pháp? Thật buồn thay khi ông nhận được câu trả lời: Không một ai.

Không có ai phản cách mạng, không ai nói bất cứ điều gì chống lại chính quyền nhưng vẫn bị quy kết cho tội “phản cách mạng” và bị đem hành quyết. Hoang tưởng thay, những lời buộc tội quy kết các nạn nhân đều thường dựa trên lý lẽ rằng, “đương sự đã bị vẫn đục bởi các tư tưởng ngoại bang, bất kể có căn cứ hay không”. Tất cả đều là do ĐCSTQ tự dựng lên kẻ thù, giả mạo, vu khống lấy cớ giết người.

Quá trình điều tra của Đàm Hách Thành đã khiến niềm hy vọng vào một lời bào chữa cho tội ác của ĐCSTQ dần vụt tắt. Ông nhận ra không ai làm phản cách mạng, không ai nói lời chống đối nhưng ĐCSTQ vẫn dựng họ lên làm kẻ thù. (Getty)
Quá trình điều tra của Đàm Hách Thành đã khiến niềm hy vọng vào một lời bào chữa cho tội ác của ĐCSTQ dần vụt tắt. Ông nhận ra không ai làm phản cách mạng, không ai nói lời chống đối nhưng ĐCSTQ vẫn dựng họ lên làm kẻ thù. (Getty)

Khi Đàm Hách Thành nhận ra điều này, ông vô cùng đau khổ và bắt đầu nhận thức ra rằng ĐCSTQ có một lịch sử bạo lực tanh máu. ĐCSTQ từ ngày thành lập tới nay đã tiến hành những cuộc giết người, đàn áp, làm vận động theo chu kỳ. Từ cuộc Cải cách ruộng đất diễn ra ngay sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền cho đến cuộc Cải cách Công thương, cuộc vận động chống cánh hữu cho đến Cách mạng Văn hóa.

Ông chua chát cho biết: “Không có gì có thể biện minh cho những điều đã xảy ra. Chỉ có sự kinh hoàng… Phải nói thẳng ra là trước kia tôi đã không thực sự hiểu Đảng Cộng sản và cuộc cách mạng bần cố nông của họ. Nó giống như sự vây khốn suy nghĩ của tôi. Rồi đột nhiên trong một khoảng thời gian ngắn suy nghĩ của tôi trở nên rõ ràng.”

Bất chấp đe dọa

Thật không may cho Đàm Hách Thành, khi cuộc điều tra mới hoàn thành ở giai đoạn đầu, bầu không khí chính trị của ĐCSTQ đã xoay chiều. Ngay cả khi Mao Trạch Đông đã chết, Cách mạng Văn hóa đã chấm dứt và làn gió cải cách cởi mở do Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang phát động đang diễn ra sôi nổi, ĐCSTQ vẫn giám sát chặt chẽ bất kỳ ai có thể được coi là gây tổn hại đến quyền lực của nó. Các thế lực trong Đảng phản đối cái gọi là “tự do hóa kiểu tư sản” và Hồ Diệu Bang bị ép phải từ chức. Chính vì vậy cuộc điều tra của Đàm Hách Thành tại huyện Đạo được coi là “thuốc nổ”, và anh nhận được lời cảnh báo phải “cẩn thận” nếu không muốn một ngày có thể sẽ bị “mất tích”.

Làn sóng cải cách do Hồ Diệu Bang dẫn đầu sau thời Cách Mạng Văn Hóa đã đe dọa đến quyền lực thống trị vững chắc của ĐCSTQ. Do đó, ông đã bị ép phải từ chức.
Làn sóng cải cách do Hồ Diệu Bang dẫn đầu sau thời Cách Mạng Văn Hóa đã đe dọa đến quyền lực thống trị vững chắc của ĐCSTQ. Do đó, ông đã bị ép phải từ chức. (Getty)

Nhà báo Dương Kế Thằng, người từng có cuộc điều tra mở rộng về Nạn đói trong cuộc Đại Nhảy vọt giai đoạn 1959-1961 từng nói: “Tôi hiểu rất rõ việc thực hiện một cuộc điều tra báo chí ở Trung Quốc rủi ro như thế nào và những áp lực chính trị nguy hiểm đè nặng lên người viết”.

Đương nhiên, Đàm Hách Thành bị cấm công bố kết quả điều tra của mình, cũng như bị cấm không được đến khu vực huyện Đạo, và bản thân ông thường xuyên bị mật vụ giám sát. Dù vậy, Đàm Hách Thành vẫn bí mật tiếp tục công việc thu thập thông tin của mình, tiếp tục mạo hiểm trở lại huyện Đạo vài lần trong sự thận trọng cao độ để tránh bị chú ý.

Bất chấp mối đe dọa từ chính quyền ĐCSTQ, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình, Đàm Hách Thành đã gửi được trọn vẹn bản thảo ra ngoài nước. Hầu hết các thông tin liên quan đến vụ thảm sát ở huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam hiện đang lưu hành tại Trung Quốc và được đăng công khai trên sách, báo nước ngoài đều là kết quả từ các báo cáo của Đàm Hách Thành.

Tuy nhiên theo ông, “chừng ấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”: “Mấy thập niên đã trôi qua, những kẻ nắm quyền ở huyện Đạo năm ấy giờ đã ở tuổi 80. Những người mới lên nắm quyền hoặc bất an, hoặc không muốn gặp rắc rối. Ngay cả khi đang ở thế kỷ 21, ta vẫn bị nguy hiểm khi đến đó để điều tra vì những kẻ cầm quyền vẫn cố tình bưng bít tội ác của Đảng Cộng sản, cả khi họ đã về hưu”.

Mấy chục năm đã trôi qua, những kẻ phải chịu trách nhiệm chính trước đây đều đã già, những người mới nắm quyền cũng vì sợ liên lụy mà tìm cách né tránh. Bóng ma của nỗi sợ hãi và những oan hồn vẫn đang lẩn khuất ở đâu đó nơi đây.
Mấy chục năm đã trôi qua, những kẻ phải chịu trách nhiệm chính trước đây đều đã già, những người mới nắm quyền cũng vì sợ liên lụy mà tìm cách né tránh. Bóng ma của nỗi sợ hãi và những oan hồn vẫn đang lẩn khuất ở đâu đó nơi đây. (Internet)

Năm 2010, Đàm Hách Thành ra mắt cuốn sách đặt tên là The Killing Wind: A Chinese County’s Descent into Madness During the Cultural Revolution (Tạm dịch: Sát nhân phong: Một huyện ở Trung Quốc rơi vào sự điên loạn thời Cách mạng Văn hoá) tại Hồng Kông, nơi ít chịu sự kiểm soát của chính quyền ĐCSTQ.

Từ đây, thế giới mới biết được sự thật tồn tại một vụ thảm sát kinh hoàng, mà huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam cũng chỉ là một trường hợp bạo lực trong một vùng nhỏ vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khiến 7,73 triệu người chết một cách bất thường.

Và nếu không có sự dũng cảm của Đàm Hách Thành, từ 30 năm trước, âm thầm một mình điều tra để đưa sự thật công bố ra toàn thế giới, bất chấp sự đe dọa và kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ, vụ thảm sát huyện Đạo sẽ giống như hàng chục triệu nạn nhân vô tội bị tàn sát dưới bàn tay nhuốm máu của ĐCSTQ, vĩnh viễn bị chôn vùi trong các mồ chôn tập thể tại mảnh đất Trung Hoa…

Ngay cả khi vụ việc bị phơi ra ánh sáng, ĐCSTQ vẫn tránh đề cập đến chủ đề này, giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ thường có xu hướng lấp liếm đổ lỗi là “do những hành động cá nhân vượt khỏi tầm kiểm soát trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa”. Vậy những kẻ tham gia vào các cuộc hành quyết người dân vô tội ấy là do tự ý hay tuân theo mệnh lệnh?

Đón đọc: Kỳ 2 - Tuân theo mệnh lệnh: “Đảng bảo sao thì làm vậy”

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tang thương: Tà biến nhân tâm thành ma quỷ (Kỳ 1)