Nhà vật lý hạt nhân Trung Quốc lo ngại về khả năng xảy ra vụ nổ hạt nhân ở Đài Sơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Hoàng Từ Bình, cựu nhà vật lý hạt nhân của Bộ Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc, lo ngại rằng, vấn đề ở Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) không chỉ là rò rỉ hạt nhân, mà hàm lượng carbon quá mức trong nắp trên của bình áp lực lò phản ứng có thể gây ra một vụ nổ hạt nhân với hậu quả thảm khốc.

Vào ngày 14/6, CNN là kênh đầu tiên tiết lộ rằng Framatome - công ty Pháp đã tham gia xây dựng và hợp tác vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn với Trung Quốc - đã gửi hai bức thư khẩn cấp cho chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 3 và 8/6, nêu rõ rằng Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn tồn tại "Mối đe dọa bức xạ hạt nhân vô cùng cấp bách", yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Công ty Pháp khẩn thiết yêu cầu Mỹ đồng ý chia sẻ công nghệ xử lý rò rỉ hạt nhân với Trung Quốc

Ban đầu, Framatome liên hệ với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vào cuối tháng 5 và cho biết các vấn đề tiềm ẩn của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn. Sau đó, vào đầu tháng 6, họ thông báo với Hoa Kỳ rằng lò phản ứng bị rò rỉ khí trơ do quá trình phân hạch, cho nên yêu cầu Mỹ đồng ý cho Framatome chia sẻ công nghệ xử lý sự cố rò rỉ hạt nhân của Mỹ với Trung Quốc.

Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn nằm ở thị trấn Xích Khê, thành phố Đài Sơn thuộc thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc của Trung Quốc, chỉ cách Hong Kong 130 km và cách Ma Cao 67 km, nên sự an toàn của nó luôn là vấn đề được quan tâm. Framatome cho biết, để các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động sau khi bị rò rỉ, chính phủ Trung Quốc đã nâng hạn mức tối đa của tiêu chuẩn an toàn bức xạ bên ngoài tại Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn lên gấp đôi so với hạn mức ban đầu. Công ty Pháp lo lắng rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nâng giới hạn trên của tiêu chuẩn an toàn.

Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc rất đáng lo ngại

Vào ngày 15/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng không có bất thường nào trong nhà máy điện hạt nhân. Một bài đăng phổ biến trên Sina Weibo đã cáo buộc giới truyền thông phương Tây tung tin đồn. Vào ngày 16/6, Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia (NNSA) của Trung Quốc tuyên bố rằng, độ phóng xạ tăng lên trong mạch chính của Tổ máy số 1 Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn chủ yếu liên quan đến việc hư hỏng thanh nhiên liệu, đây là một hiện tượng phổ biến và bác bỏ việc xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ.

Điều đáng lo ngại là thông tin từ các bên cho thấy, liên doanh Pháp và nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc không thống nhất cách nhìn nhận về vấn đề tại Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn - nơi được mệnh danh là có công suất máy đơn lớn nhất thế giới.

Bloomberg nói rằng, vấn đề thực sự của vụ việc này là sự im lặng và cách chọn từ ngữ thận trọng của Trung Quốc. An toàn hạt nhân giống như an toàn hàng không, từ những vấn đề nhỏ nhất cũng phải được giải quyết với mức độ chú ý và minh bạch lớn nhất. Nhưng trong sự cố rò rỉ hạt nhân Đài Sơn, Trung Quốc đã không tuân theo nguyên tắc này.

Nhà vật lý hạt nhân lo lắng về vụ nổ hạt nhân

Dự án điện hạt nhân Đài Sơn là một nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn của liên doanh Trung - Pháp, Tập đoàn Điện Hạt nhân Trung Quốc (CGN) chiếm 70% cổ phần và Công ty Điện lực Pháp (EDF) chiếm 30%. Framatome là công ty con của EDF, chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn sử dụng Lò phản ứng nước điều áp châu Âu (ERP - pressurised water reactor) gồm hai tổ máy, hiện là lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba đầu tiên và duy nhất trên thế giới đang hoạt động.

Công nghệ ERP được Framatome bắt đầu thiết kế vào giữa những năm 1990. Framatome từng là công ty con của Areva, sau đó được bán lại cho EDF vào năm 2009. Năm 2015, các bộ phận máy của Areva đã bị các cơ quan quản lý của Pháp chỉ ra là có vấn đề về chất lượng: nắp lò phản ứng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Pháp. Lúc đó, phía Pháp khuyến nghị 3 nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng ở Trung Quốc, Pháp và Phần Lan dừng xây dựng dự án, nhưng Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn đã phớt lờ khuyến nghị của Pháp và nhất quyết hoàn thành việc xây dựng.

Kể từ khi Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn được đưa vào sử dụng năm 2018, từng xuất hiện các tin tức về vấn đề chất lượng kỹ thuật và sự cố rò rỉ hạt nhân. Trong năm đó, Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia (NNSA) của Trung Quốc đã xác nhận rằng, nắp bình áp của Tổ máy số 1 Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn có vấn đề về hàm lượng carbon quá mức.

Ông Hoàng Từ Bình (Huang Ciping), cựu nhà vật lý hạt nhân tại Bộ Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc, nói rằng hàm lượng carbon quá mức ở nắp trên của bình áp lực có thể gây ra một vụ nổ với hậu quả không thể tưởng tượng nổi. "Thép carbon cao vốn dĩ khá giòn, nó sẽ phát nổ, điều này thật đáng sợ. Họ muốn trấn an người dân, nói rằng các chỉ số đều bình thường. Một khi nó xảy ra điều bất thường và phát nổ, thì sẽ hoàn toàn không phải là chuyện thường nữa. Không phải là một vấn đề đơn giản từ từ từ từ rò rỉ, mà là vấn đề rất có khả năng phát nổ”, ông nói.

Trung Quốc và truyền thông Pháp từng châm biếm vụ rò rỉ hạt nhân của Nhật Bản

Năm 2013, tờ Le Canard enchaîné của Pháp đã đăng bức tranh châm biếm hai đô vật sumo gầy trơ xương đang đấu sumo. Bối cảnh là nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sóng thần tàn phá. Hai đô vật sumo này, một người có ba tay và người kia có ba chân, rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi bức xạ hạt nhân.

Vào tháng 4 năm nay, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đăng một bức tranh châm biếm vấn đề ô nhiễm hạt nhân ở Nhật Bản trên tài khoản Twitter của mình.

Tuy nhiên, lượng bức xạ bên ngoài ở Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn đã gấp ba lần Fukushima. Vào dịp kỷ niệm 10 năm vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tin tức này có lẽ sẽ là một đòn giáng nặng nề đối với Trung Quốc và Pháp.

Vụ rò rỉ hạt nhân Chernobyl

Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl từng là niềm tự hào của Liên Xô và từng được mệnh danh là nhà máy điện hạt nhân an toàn và đáng tin cậy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986 đã phóng ra liều lượng phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima trong Thế chiến II. Đám mây ô nhiễm phóng xạ thậm chí còn trôi dạt sang Tây Âu và cả Bắc Mỹ, khiến hơn 300.000 cư dân phải sơ tán. Cựu Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev thậm chí còn cho rằng, sự cố Chernobyl là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết 5 năm sau đó.

Những thiệt hại sau đó do vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl gây ra cho con người rất nghiêm trọng. Sau vụ rò rỉ và vụ nổ hạt nhân, khu vực này đã trở thành một thị trấn ma. Bức xạ hạt nhân khiến nhiều bào thai người bị dị tật, mắc các bệnh như ung thư tuyến giáp, bệnh bạch cầu, v.v. sau khi được sinh ra. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều sinh vật đột biến gen như chuột khổng lồ, và hàng triệu sinh vật dị dạng và đột biến khác.

Con trai ông Biden nắm cổ phần ở CGN, Hoa Kỳ đã tổ chức một số cuộc họp để theo dõi tình hình

Kênh truyền thông Mỹ The National Pulse tiết lộ rằng, Tập đoàn Điện Hạt nhân Trung Quốc (CGN) là cổ đông chính của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn, và ông Hunter Biden - con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đầu tư hàng triệu USD vào CGN.

Hiện tại, mặc dù chính phủ Mỹ vẫn chưa sẵn sàng tiết lộ hoặc giải thích chi tiết về cuộc thảo luận hoặc đánh giá về sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn, nhưng Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Nhà Trắng đã triệu tập một số cuộc họp đặc biệt để thảo luận về vấn đề này. NSC đã tiết lộ những lo ngại nghiêm trọng về tình hình hiện tại. Các quan chức từ NSC, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, nếu vụ rò rỉ hạt nhân thực sự gây nguy hiểm cho người dân Trung Quốc, theo hiệp ước về sự cố hạt nhân hiện hành, chính phủ Mỹ có nghĩa vụ công khai mối nguy hiểm này cho công chúng.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà vật lý hạt nhân Trung Quốc lo ngại về khả năng xảy ra vụ nổ hạt nhân ở Đài Sơn