Dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc: Liên tục tiêm chủng, liên tục nhiễm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Nội Mông xác nhận một ca nhiễm địa phương vào ngày 13/10, tỉnh Hồ Bắc cũng đưa ra cảnh báo khẩn cấp rằng, hiện tại dịch bệnh vẫn đang phát triển, virus liên tục đột biến và lây lan. Chuyên gia phòng chống dịch bệnh Trung Quốc Trương Văn Hoành cho biết, “Mục tiêu tiêm chủng vaccine ngày nay đã thay đổi”.

Theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ngày 13/10, 31 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc) và Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương thông báo có 21 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó khu tự trị Nội Mông thông báo có 1 ca nhiễm địa phương, 20 ca còn lại đều là nhập cảnh.

Tuy nhiên, ngoại giới thường đặt nghi vấn về số liệu chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố và cho rằng, cái gọi là “ca nhiễm nhập cảnh” chủ yếu để trốn tránh trách nhiệm.

Điều đáng nói là, tỉnh Hồ Bắc - nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, cũng đưa ra thông báo khẩn cấp ngay sau khi Nội Mông xác nhận ca nhiễm địa phương vào ngày 13/10.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc đã ban hành một thông báo cho biết, kể từ ngày 29/9/2021, những người sống ở thành phố Erenhot, khu tự trị Nội Mông Cổ trở về Hồ Bắc, cần khai báo sức khỏe với địa phương và phối hợp với các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền. Đồng thời còn cảnh báo, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang phát triển, virus liên tục đột biến và lây lan, nguy cơ lây nhiễm vẫn khá cao.

Về vấn đề này, người dân không khỏi đặt nghi vấn rằng, "Tiêm vaccine nhiều như vậy có tác dụng gì?".

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng, tính đến ngày 13/10, Trung Quốc đại lục đã tiêm chủng tổng cộng khoảng 2 tỷ 225 triệu liều vaccine COVID-19.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Red Star News, tính đến ngày 13/10, hơn 15 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nam, Quảng Châu, An Huy, Phúc Kiến, Hắc Long Giang, Hồ Bắc, Vân Nam, Thiên Tân, v.v. đã bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường.

Mũi vaccine tăng cường là mũi tiêm sau khi đã hoàn thành việc tiêm chủng, nhằm bổ sung duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus.

Trước đó, ở một số nơi đã tiêm chủng trên quy mô lớn như Cáp Nhĩ Tân, Nam Kinh v.v. vẫn thông báo có nhiều ca nhiễm sau khi tiêm.

Về vấn đề này, chuyên gia vaccine Đào Lê Nạp, cựu Trưởng Phòng Kế hoạch Tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thượng Hải, nói rằng, tiến trình nghiên cứu phát triển và sử dụng vaccine cần liên tục tăng tốc vì SARS-CoV-2 đang không ngừng phát triển, "Ban đầu chúng tôi yêu cầu tiêm hai mũi vaccine bất hoạt, nhưng khi đó không thể đảm bảo đây là một biện pháp tương đối hoàn chỉnh”. Do đó, không loại trừ khả năng mọi người sẽ phải liên tục tiêm vaccine trong thời gian tới.

Chuyên gia phòng chống dịch Trung Quốc Trương Văn Hoành cũng cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh ở Thượng Hải hôm 12/10 rằng, "Mục tiêu tiêm chủng vaccine ngày nay đã thay đổi. Hiện tại chúng tôi không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của dịch bệnh thông qua tiêm chủng”. Ông Trương còn chỉ ra rằng ngay cả khi tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 3 thì mục tiêu chính vẫn là ngăn ngừa và giảm triệu chứng bệnh nặng.

Cần lưu ý rằng, ngoài việc virus lây lan nhanh chóng khiến con người không thể ngăn chặn, thì việc virus liên tục biến chủng còn khủng khiếp hơn.

Tháng 7, Đài Phát thanh Công cộng quốc gia Mỹ (NPR) đã đăng một báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, cho biết, chủng biến thể Delta không chỉ có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 225% so với virus ban đầu, mà tốc độ nhân lên của nó trong đường hô hấp cũng nhanh gấp 1000 lần so với virus ban đầu. Hiện tại, số ca nhiễm virus biến thể Delta ở Trung Quốc đại lục đang không ngừng gia tăng.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc: Liên tục tiêm chủng, liên tục nhiễm