Tại sao người Blue Zone ăn thịt đỏ mà vẫn sống lâu và ít mắc các bệnh mạn tính?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn thịt đỏ có thể gây ra bệnh tim, tiểu đường, ung thư và đột quỵ. Nhưng tại sao người vùng Blue Zone vẫn ăn thịt đỏ nhưng lại sống rất lâu?...

Thịt đỏ bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và thịt nhiều loại động vật có vú khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thịt đỏ với các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường. Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thịt đỏ vào nhóm chất gây ung thư loại 2A, có nghĩa là nó có khả năng gây ung thư cao ở người. Điều này không khỏi làm dấy lên nghi vấn: Chẳng lẽ lại không cho người ta ăn thịt đỏ nữa?

Ăn thịt có thật sự nguy hại sức khỏe?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng: những người có chế độ ăn nguồn gốc thực vật ít có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, tiểu đường, ung thư và đột quỵ. Vì lý do này, các công ty bảo hiểm ở Anh và Hà Lan thậm chí còn giảm giá cho những người ăn chay khi mua bảo hiểm sức khỏe.

Nhưng liệu ăn thịt có thực sự là nguyên nhân của những căn bệnh mãn tính? Trả lời cho câu hỏi này, giám đốc Trung tâm Y học Chức năng Cleveland Clinic Mark Hyman đã viết một bài báo. Bài viết đã dẫn nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn thịt và các bệnh mãn tính là không chặt chẽ. Những nghiên cứu này thường chỉ so sánh những người ăn chay và có thói quen sức khỏe tốt với những người không ăn chay và yêu thích thực phẩm chế biến sẵn.

Nói cách khác, những nghiên cứu này đã không xem xét đầy đủ thói quen ăn uống không lành mạnh của nhiều người ăn thịt. Chẳng hạn như chế độ ăn có dùng nhiều đường, nhiều muối hay nhiều dầu không? Hoặc lối sống của những người này có thiếu lành mạnh không - ví dụ như hút thuốc lá và ít khi vận động?

Cũng không thể không nhắc đến chất lượng thịt, nó cũng bị nhiều nhà nghiên cứu bỏ qua. Ví dụ như Hyman đã chỉ ra: thịt động vật được nuôi bằng ngũ cốc thường chứa nhiều hormone, kháng sinh, thuốc trừ sâu và chất béo omega-6 gây viêm. Vì vậy, một số người chỉ ăn thịt động vật ăn cỏ để tránh những yếu tố không tốt cho sức khỏe.

Ông tin rằng nếu các nhà nghiên cứu so sánh tình trạng sức khỏe của hai nhóm người - một nhóm áp dụng chế độ ăn gồm rau và thịt chất lượng cao (chẳng hạn thịt của động vật ăn cỏ hoặc động ăn thức ăn hữu cơ), và một nhóm áp dụng chế độ ăn chay - thì kết quả có thể vẫn chưa biết trước được.

WHO cũng ghi nhận khả năng gây ung thư của thịt đỏ là "có bằng chứng hạn chế". Nói cách khác, những người ăn thịt đỏ có thể có tỷ lệ ung thư cao hơn, nhưng không loại trừ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Người dân vùng Blue zone ăn thịt như thế nào?

Blue zones hay Vùng xanh là những khu vực có nhiều người sống trăm tuổi nhất. Chỉ có năm khu vực trên thế giới, đó là: Okinawa của Nhật Bản, Sardinia của Ý, Nicoya của Costa Rica, Ikaria của Hy Lạp, và Loma Linda của Hoa Kỳ.

Thói quen sinh hoạt của cư dân ở những khu vực này có những điểm chung sau: thường xuyên tập thể dục, có thái độ sống tích cực, dành thời gian để xả stress và giúp đỡ người khác, đặc biệt họ rất tín Thần. Về chế độ ăn, người dân tại vùng này thường áp dụng một chế độ ăn chay truyền thống. Tuy họ cũng có ăn thịt, nhưng thường ăn rất ít.

Theo một cuộc điều tra trên trang web Blue Zone, cư dân vùng xanh thường chỉ ăn thịt mỗi tuần một lần. Thịt họ thường ăn gồm thịt gà thả rông, lợn và cừu được nuôi trong các trang trại gia đình. Điều họ tránh là không ăn các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói và xúc xích. Ngoài thịt gia súc, cá là một trong những loại thức ăn chính của họ.

Vậy đối với những người thích ăn thịt, làm thế nào để giúp họ có thể làm giảm lượng tiêu thụ?

Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Jennifer Mimkha, có một cách có thể giúp chúng ta thay đổi thói quen ăn thịt, gọi là Thứ Hai không có thịt. Bằng cách chuyển sang ăn một số món ngon khác từ rau củ quả, nó giúp chúng ta quên thịt vào một ngày nào đó cụ thể trong tuần. Cách này không chỉ giúp chúng ta giảm bớt áp lực khi không được ăn thịt, mà còn tập được thói quen dần dần ăn thịt ít lại.

Nhiều bệnh nhân của Mimkha sau này đã chuyển sang chế độ ăn chay. Thể chất của họ được cải thiện và tình trạng táo bón cũng biến mất. Bởi vì rau củ quả chứa rất nhiều chất xơ, trong khi thịt lại rất thiếu chất xơ.

Nhưng chúng ta cũng không phải từ bỏ hẳn không ăn thịt. Theo chuyên gia dinh dưỡng Diana Rodgers, thịt có chứa một số chất dinh dưỡng mà thức ăn nguồn gốc thực vật bị hạn chế, ví dụ vitamin A.

Vitamin A chủ yếu được tìm thấy trong gan của động vật và các sản phẩm từ sữa. Trong khi đó, thực vật thường chỉ chứa tiền chất của vitamin A là beta carotene. Tuy nhiên, có khoảng 50% số người không thể chuyển hóa tiền tố này của vitamin A để hấp thụ.

Ngoài ra, thịt và nội tạng của động vật cũng rất giàu chất sắt. Cơ thể dễ hấp thu sắt ở trong thịt hơn là từ rau củ quả. Điều này rất có lợi cho những người thiếu máu đang cần bổ sung sắt.

Từ quan điểm này, chúng ta có thể có một lối sống lành mạnh hơn nếu chọn ăn thịt từ động vật ăn cỏ, hoặc động vật được nuôi hữu cơ, càng nhiều càng tốt. Đồng thời, một điều quan trọng nữa là giảm bớt lượng thịt mà chúng ta ăn vào.

Minh Sang
- Theo NTDTV Hoa Ngữ.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người Blue Zone ăn thịt đỏ mà vẫn sống lâu và ít mắc các bệnh mạn tính?