Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn bệnh: thông qua 13 chỉ số sức khỏe phổ biến (Phần II)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chỉ số sức khỏe rất quan trọng trong việc phản ánh sức khỏe và đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của các vấn đề liên quan đến bệnh tật. 7 chỉ số tiếp theo sẽ bổ sung kiến thức cho bạn trong phòng ngừa và điều trị các bệnh mãn tính...

1. Huyết áp

Huyết áp bất thường là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều bệnh: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... có thể dẫn đến bị liệt, tàn phế, làm cho hàng trăm nghìn người mất sức lao động mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu có 17,5 triệu người chết hằng năm do các bệnh tim mạch, nhiều gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, hơn 7 triệu bệnh nhân tử vong do tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp.

Riêng ở Việt Nam vào năm 2019, theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam cho biết, có tới 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Trong đó, gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Đây cũng là lý do tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng", vì nó không có triệu chứng điển hình, và thậm chí người mắc cũng không biết mình bị bệnh.

Đo huyết áp vẫn thường được thực hiện tại bệnh viện, hay thậm chí cả tại nhà... (Rawpixel.com - http://allfreephotos.net/, CC0, Wikipedia)

Đối với người trưởng thành, theo Hội tim mạch và huyết áp châu Âu (ESC/ESH) đưa ra năm 2018, giới hạn bình thường của huyết áp tâm là 90-129 mmHg, còn huyết áp tâm trương là 60-84 mmHg. Tiêu chuẩn này đến nay vẫn không thay đổi, và để duy trì trị số huyết áp ở mức bình thường bạn nên áp dụng các phương pháp sau:

    1. Duy trì chế độ ăn ít muối, lượng muối hằng ngày cho không quá 6g/người và thực phẩm nhiều kali như trái cây, rau củ quả, sản phẩm từ sữa, một số cá, các loại đậu hạt.
    2. Tập thể dục tích cực và đều đặn, mỗi ngày 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
    3. Cố gắng kiểm soát cân nặng tốt nhất, giữ cân nặng lý tưởng (CNLT) hoặc tăng cân không quá 10% CNLT. Trong đó CNLT là chỉ số khối cơ thể BMI trong khoảng: 18,5 ≤ BMI < 22,9.
    4. Không hút thuốc, hạn chế hoặc không uống rượu bia.
    5. Giảm stress và ngủ đủ giấc.

2. Đường huyết

Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường của Hoa Kỳ (ADA), giá trị đường huyết bình thường khi:

    • Đường huyết lúc đói nhỏ < 5,6 mmol/ L và
    • Đường huyết 2 giờ sau khi ăn < 7,8 mmol/ L

Cũng theo hướng dẫn này, chẩn đoán là bệnh đái tháo đường khi:

    • Đường huyết lúc đói ≥7,0 mmol/ L thử ít nhất 2 lần liên tiếp
    • hoặc sau ăn 2 giờ hoặc bất kỳ ≥ 11,1 mmol/ L

Nếu lượng đường huyết không được kiểm soát tốt, nhiều biến chứng nguy hiểm như bàn chân tiểu đường (loét bàn chân), bệnh về mắt và rối loạn chức năng các cơ quan khác có thể xảy ra.

Cách duy trì lượng đường trong máu bình thường:

    1. Điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn, ăn nhiều rau và thực phẩm làm từ lúa mì.
    2. Giảm lượng đường và thức ăn chứa nhiều carbohydrate (tinh bột) ăn vào như: thức ăn ngọt, trái cây, sữa, sữa chua, bánh mì, ngũ cốc, gạo, mì sợi, khoai tây, và một số rau quả khác.
    3. Tập thể dục tích cực, đều đặn mỗi lần 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

3. LDL (Lipoprotein tỷ trọng thấp) hay "cholesterol xấu"

LDL hay còn gọi là "cholesterol xấu". Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây hình thành mảng xơ vữa dẫn đến xơ vữa động mạch. Theo Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam tăng LDL trong máu là yếu tố chính gây ra "tắc nghẽn" mạch máu, nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

LDL ở người trưởng thành bình thường nhỏ hơn 3,3 mmol/ L và nhỏ hơn 2,6 mmol/ L ở bệnh nhân có nguy cơ bệnh tim mạch.

Cách làm giảm “cholesterol xấu":

    1. Kiểm soát cân nặng, ăn nhiều trái cây, rau quả và thực phẩm lúa mì, các loại hạt, v.v
    2. Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia.
    3. Tập thể dục tích cực mỗi lần 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

4. Triglycerides

Triglycerides là một thành phần của lipid. Vai trò chính của Triglycerides là cung cấp và dự trữ năng lượng, ngoài ra còn giúp sửa chữa và bảo vệ các cơ quan nội tạng. Triglycerides là chỉ số quan trọng để giúp phân tích lipid máu.

Theo Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Triglycerides ở người trưởng thành thường nhỏ hơn 1,7mmol/ L. Triglyceride cao là một chỉ số quan trọng của rối loạn lipid máu. Tình trạng này gây ra bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

Cách giúp kiểm soát triglycerides:

    1. Ăn thực phẩm nhiều chất xơ, hạn chế ăn thực phẩm chế biến nhiều chất béo.
    2. Tập thể dục tích cực, đều đặn mỗi lần 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Tập thể dục để thư giãn gân cốt hàng ngày sẽ giúp cơ thể tránh khỏi nhiều nguy cơ bệnh tật... (Pixabay)

5. Axit uric

Axit uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin - thành phần cấu tạo nên DNA, RNA (các vật chất di truyền). Hầu hết axit uric được bài tiết qua thận. Khi axit uric trong máu tăng quá cao, nó có thể kết tinh lại thành các tinh thể urat, lắng đọng ở khớp gây ra cơn gút cấp (bệnh gút), ở da, mô mềm tạo thành các hạt tophi, hoặc ở thận tạo thành sỏi urat ở thận.

Theo Hiệp hội Tim Mạch châu Âu (ESC) và Hội Tăng huyết áp châu Âu (ESH), axit uric ở người trưởng thành tăng khi: ở nam lớn hơn 420 µmol/ L, ở nữ lớn hơn 360 µmol/ L.

Cách giúp giảm axit uric:

    1. Ăn ít thực phẩm có hàm lượng purin cao như nội tạng động vật, hải sản, bia, lẩu.
    2. Uống đủ nước, khoảng 2000 ml mỗi ngày.
    3. Hạn chế rượu bia.
    4. Tập thể dục đều đặn, tích cực mỗi lần 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

6. Nhịp tim

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhịp tim bình thường của người trưởng thành là 60-100 nhịp/phút. Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Không chỉ vậy, nếu nhịp tim quá nhanh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như phì đại cơ tim và suy tim.

Cách giữ nhịp tim bình thường:

    1. Tập thể dục thường xuyên, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh thức khuya.
    2. Hạn chế muối, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia.
    3. Bớt tức giận, giữ bình tĩnh.

7. Dung tích sống của phổi

Theo sách sinh lý học trường Đại học Y Dược Hà Nội, dung tích sống của phổi bình thường ở người trưởng thành dao động tùy theo chiều cao, tuổi và giới tính. Trung bình dung tích sống của người Việt Nam bình thường ở tuổi trưởng thành ở trong khoảng 3,5 - 4 lít với nam giới, 2,5 - 3 lít với nữ giới.

Dung tích sống của phổi cho biết tình trạng trao đổi khí trong phổi, giúp cung cấp oxy cho cơ thể. Dung tích sống của phổi lớn cho thấy khả năng trao đổi khí trong mỗi nhịp thở cũng lớn. Các cơ quan, hệ thống, mô và tế bào khác nhau của cơ thể tiêu thụ oxy mọi lúc và cơ thể chỉ có thể hoạt động bình thường khi được cung cấp đủ oxy. Khi dung tích sống giảm, sức sống của các cơ quan nội tạng cũng giảm.

Làm thế nào để tăng dung tích sống của phổi:

    1. Kiên trì tập luyện các môn thể thao như bơi lội, chạy bộ, đạp xe, leo núi, v.v.
    2. Lựa chọn luyện tập khí công hoặc thiền định.

Thiện Đức



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn bệnh: thông qua 13 chỉ số sức khỏe phổ biến (Phần II)