Nuôi con theo chế độ ăn thuần chay có an toàn không, đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi lựa chọn nuôi con theo chế độ thuần chay ngay từ lúc sơ sinh, các bậc cha mẹ thường gặp phải nhiều sự phản đối và bất bình từ những người thân thuộc nhất. Họ thường nói: Ăn như thế thì đủ dinh dưỡng làm sao được? Thể nào cũng suy dinh dưỡng cho mà xem. Tuy nhiên có thật vậy không?

Ngày nay, số người ăn chay đang tăng lên nhanh chóng, việc nuôi con với chế độ ăn kiêng không có sản phẩm động vật, hay chế độ ăn thuần chay cũng dần phổ biến hơn.

Theo báo cáo từ Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, chế độ ăn chay được lên kế hoạch phù hợp có thể mang lại đầy đủ dinh dưỡng và sức khỏe cho mọi người theo đủ mọi lứa tuổi - bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ em.

Tuy nhiên, điều quan trọng các bậc cha mẹ cần biết rằng, nuôi con theo chế độ ăn thuần chay cũng đi kèm những rủi ro và không thể phù hợp với mọi trẻ. Dưới đây là những thứ cơ bản mà bạn cần biết về việc nuôi con theo chế độ ăn chay, từ khi bé sơ sinh, hay lúc bé mới biết đi.

Chế độ ăn chay an toàn cho bé sơ sinh

Khi nói đến trẻ sơ sinh và chế độ ăn thuần chay, an toàn dường như là câu hỏi được tất cả mọi người quan tâm. Nó có ổn cho sự tăng trưởng của đứa trẻ từ 0-12 tháng tuổi không nếu hoàn toàn không ăn thịt, sữa, trứng hay cá?

Nhìn chung, một chế độ ăn dựa vào thực vật dành cho trẻ trong độ tuổi này là an toàn và khỏe mạnh”, chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Chow Amy khẳng định.

Dĩ nhiên, đối với đứa trẻ vài tháng tuổi, chúng sẽ chỉ cần một loại thức ăn: Sữa mẹ hay sữa công thức (Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi). Mặc dù có một số loại sữa công thức dành cho trẻ em làm từ đậu nành thuần chay, nhưng loại sữa này không phổ biến. Nuôi con bằng sữa mẹ là tương thích với lối sống thuần chay.

Dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ

Thậm chí khi con bạn bắt đầu ăn dặm, không cần đến các sản phẩm có nguồn gốc động vật, thì sức khỏe và sự an toàn của trẻ cũng không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch bữa ăn cho trẻ có lẽ không đơn giản như với trẻ ăn uống bình thường khác.

Đối với tất cả người ăn kiêng, điều quan trọng là cần giữ được chất dinh dưỡng đa lượng: Protein, chất béo và carbohydrate. Nhưng đối với trẻ ăn chay, lượng protein và chất béo phù hợp là đặc biệt quan trọng.

Chế độ ăn thuần chay có thể đáp ứng được nhu cầu protein của cơ thể, nhưng chỉ khi protein động vật được thay thế đầy đủ bằng protein thực vật (ví dụ đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phụ, hạt/bơ hạt)”, chuyên gia Chow cho biết.

Thận trọng khi cho con bạn ăn các loại sữa thay thế là các loại sữa thuần chay ít protein như hạnh nhân, dừa hoặc sữa gạo. “Những thứ này không được khuyến nghị đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi, vì chúng sẽ khiến trẻ no lâu mà không có nhiều dinh dưỡng”.

Ăn đủ chất béo cũng hỗ trợ sự tăng trưởng thể chất và trí não của trẻ. Khi bắt đầu ăn dặm, Chow gợi ý cha mẹ cho trẻ dùng các chất béo có nguồn gốc thực vật lành mạnh, như dầu rau, hạt và hạt bơ, hạt gai dầu, hạt lanh xay, hạt chia và quả bơ.

Không may, thực phẩm cung cấp DHA acid béo omega-3 (loại góp phần vào sự phát triển thần kinh và nhận thức của trẻ) lại đến chủ yếu từ động vật. Sau khi con bạn cai sữa hoặc sữa công thức bổ sung DHA, bạn cần tư vấn bác sĩ về các cách bổ sung DHA cho trẻ.

Nguy cơ và cách giải quyết thiếu vi chất

Dĩ nhiên, vi chất luôn là mối lo lắng đối với chế độ ăn chay, vì chúng thường có ít trong thực vật hơn trong động vật. Những vi chất này bao gồm vitamin B12, iốt, sắt và canxi.

Vitamin B12 là một vi chất dinh dưỡng được tìm thấy trong thịt, trứng, và sản phẩm sữa. Rất nhiều thực phẩm tăng cường, như ngũ cốc ăn sáng và sữa đậu nành giàu vitamin B12. Vì vậy, hãy chú ý cho trẻ ăn nhiều những thứ này.

Iốt có nhiều nhất trong hải sản, trứng và sản phẩm sữa. Nó cũng có trong một số ngũ cốc ăn sáng và ngũ cốc hạt. Một cách để tăng cường là bổ sung muối iốt vào chế độ ăn. Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý chế độ ăn của trẻ từ 6-12 tháng vì theo chuyên gia Chow cho biết: “Chế độ ăn chay có thể thiếu iốt trong khi việc thêm muối vào chế độ ăn không được khuyến nghị cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.”

Sắt là một vi chất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. “Sắt cần thiết nhất cho trẻ trong giai đoạn từ 7 đến 12 tháng tuổi do trẻ phát triển với tốc độ nhanh trong giai đoạn này”, Chow giải thích.

Tuy nhiên, sắt có nguồn gốc từ thực vật có tính khả dụng thấp, và mang lại ít hiệu quả tích cực trong cơ thể. Bên cạnh đó, lượng chất xơ cao hơn từ chế độ ăn chay, đặc biệt, các hoạt chất nhất định được tìm thấy trong ngũ cốc và đậu - có thể làm giảm thêm hiệu quả tích cực đó hơn nữa.

Chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Chow chia sẻ một số chiến lược hữu ích:

  • Kết hợp sắt nguồn gốc từ thực vật với một nguồn vitamin C
  • Sử dụng chảo gang để nấu ăn
  • Cho trẻ dùng ngũ cốc tăng cường chất sắt.

Canxi là vi chất cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, có lẽ chúng ta đều biết sữa bò là nguồn cung cấp canxi hàng đầu - nhưng vì nó có nguồn gốc động vật, bạn cần thay thế bằng những loại thực phẩm giàu canxi khác như sữa đậu nành tăng cường, đậu phụ, bơ hạnh nhân, bơ mè, và rau lá xanh.

Chất xơ quá nhiều gây nguy cơ cho trẻ nhỏ?

Mặc dù, rất nhiều người Mỹ ăn thiếu chất xơ, một chế độ ăn chay có thể thực sự cung cấp quá nhiều chất xơ cho đường tiêu hóa nhỏ bé của con bạn. Không chỉ có thể gây ra đầy hơi, tiêu chảy và thêm quấy khóc cho trẻ, nhiều chất xơ có thể gây ra những hậu quả khác ít rõ ràng hơn.

Quá nhiều chất xơ có thể dẫn tới kém hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, và canxi”, Chow nói. Cho nên, cha mẹ của trẻ ăn chay cần làm gì khi đưa những thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, đậu nành, rau và đậu vào chế độ ăn của con? Hãy thử những cách sau:

  • Tăng chất xơ dần dần trong chế độ ăn của trẻ.
  • Cho trẻ ăn rất nhiều chất lỏng trong khi tăng chất xơ.
  • Ngâm và để ráo đậu, ăn ngũ cốc, đậu và hạt để cải thiện tiêu hóa.

Những trẻ nào không nên ăn chay?

Cũng giống như người lớn, có một số trường hợp trẻ không nên ăn chay.

Những trẻ thật sự kén ăn hay khó cho ăn có thể gặp rủi ro cao về mất cân bằng dinh dưỡng. Thực tế, nếu con bạn gặp phải bất kể tình trạng sức khỏe hay bệnh nào gây trở ngại tới khả năng ăn uống hay tiêu hóa thì đều không thể áp dụng chế độ ăn chay. Nếu con bạn có những vấn đề sức khỏe này, hãy tư vấn với bác sĩ nhi khoa về việc có nên cho trẻ ăn chay không.

Trẻ sinh non cũng cần nhiều protein và chất béo từ các sản phẩm động vật để thúc đẩy tăng trưởng, cho nên bác sĩ có thể khuyến nghị một chế độ ăn uống đa dạng cho đến khi trẻ đạt cân nặng chuẩn theo tuổi.

Trẻ có nguy cơ cao về dị ứng thực phẩm. Nếu con bạn bị dị ứng với nhiều loại thức ăn, như với quả hạch, hạt hay đậu nành, có thể là một thử thách khá lớn để thực hiện chế độ ăn chay.

Lời khuyên dành cho bố mẹ muốn trẻ ăn chay

Nếu bạn xót xa trước các vấn đề sát sinh động vật hay tàn phá môi trường, hẳn bạn sẽ mong muốn nuôi nấng con mình trở thành một đứa trẻ có ý thức bảo vệ động vật và môi trường.

Mặt khác, vì chế độ ăn thuần chay có thể không phù hợp với một số trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ - ít nhất là trong một thời gian - tốt nhất hãy tư vấn bác sĩ nhi khoa trước khi quyết định nuôi con theo chế độ ăn chay.

Các bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch nuôi con thuần chay một cách lành mạnh từ khi giai đoạn sơ sinh cho đến trẻ lớn lên.

Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp, bạn có thể nuôi dưỡng con mình bằng chế độ ăn không có sản phẩm động vật. Con của bạn có thể lớn lên khỏe mạnh như mọi trẻ em có chế độ đa dạng khác.

Hà Thành

Theo Healthline



BÀI CHỌN LỌC

Nuôi con theo chế độ ăn thuần chay có an toàn không, đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi?