4 nhóm người không được sử dụng Tam thất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người thường sử dụng hoa Tam thất để hãm trà, bột Tam thất để chữa ho nhờ vị ngọt dịu và đắng nhạt mà nó mang lại. Tuy nhiên, việc sử dụng Tam thất cũng có một số cấm kỵ và lưu ý...

Theo Đông Y, Tam thất có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, quy kinh Can, Vị, Đại trường. Tam thất có tác dụng chỉ huyết, tán ứ, định thống (tức là cầm máu, tiêu tán những chỗ ứ trệ và giảm đau), vì vậy trước thường được sử dụng trong các trường hợp chấn thương, đặc biệt được sử dụng trong quân đội, rất ít khi được dùng để bồi bổ.

Dựa trên các nghiên cứu hiện đại, Tam thất sống có tác dụng điều trị bầm tím do chấn thương, vết thương chảy máu, sau sinh chóng mặt, các chứng xuất huyết như nôn ra máu, chảy máu cam… là những tác dụng phù hợp với các tài liệu cổ; còn Tam thất chín có thể dùng cho người suy nhược cơ thể, chán ăn, suy nhược thần kinh, mệt mỏi quá độ, mất máu, thiếu máu… là các tác dụng bổ dưỡng.

Tuy có khá nhiều tác dụng, nhưng việc sử dụng Tam thất cũng có một số lưu ý.

4 nhóm người không được sử dụng Tam thất

1. Phụ nữ đang trong kỳ kinh
Danh y Lý Thời Trân thời nhà Minh có ghi lại trong cuốn Bản thảo cương mục về Tam thất như sau: “…vì nó có tác dụng trừ huyết ứ rất tốt, nên chữa các chứng hòn tích của phụ nữ, rối loạn kinh nguyệt, loại bỏ huyết ứ mà không làm tổn thương huyết mới, đó là một sản phẩm tuyệt vời để chữa các bệnh lý về huyết”.

Tam thất có tác dụng rất tốt để tăng cường lưu thông máu, nhưng ăn Tam thất khi đang hành kinh có thể làm tăng lượng kinh nguyệt hoặc kéo dài thời gian hành kinh, gây thêm suy nhược cho cơ thể.

Người bị chứng rối loạn kinh nguyệt do huyết ứ vẫn có thể sử dụng Tam thất, nhưng không phải sử dụng trong kỳ kinh. Rối loạn kinh nguyệt có rất nhiều nguyên nhân, muốn chẩn đoán chính xác, bạn nên tìm đến các thầy thuốc Đông Y để được tư vấn.

2. Phụ nữ mang thai
Tam thất có tác dụng hoạt huyết, tiêu ứ nên phụ nữ có thai uống Tam thất sẽ dễ bị động thai, trường hợp nặng sẽ gây sảy thai, nhất là đối với thai phụ có tiền sử sảy thai. Tuy nhiên phụ nữ sau khi sinh con có thể dùng Tam thất, Tam thất có thể thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ, rất hiệu quả để loại bỏ sản dịch sau sinh.

Phụ nữ mang thai phải chú ý dùng thuốc khi mang thai, nhiều loại thuốc tưởng như vô hại lại có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Phụ nữ mang thai nhất định phải dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

3. Hạn chế dùng cho trẻ nhỏ
Tam thất có khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên đối với trẻ em có hệ miễn dịch đang phát triển, nếu dùng Tam thất thì ngược lại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của hệ thống miễn dịch. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu thực sự cần dùng Tam thất, nên chờ đến khi đủ trẻ 12 tuổi.

Theo Đông Y, Tam thất sống có tác dụng hoạt huyết, tiêu ứ, trẻ em tạng phủ còn non nớt, không nên dùng những loại thuốc như thế, nếu vẫn dùng thì có thể ảnh hưởng đến chức năng của tạng phủ.

4. Người bị nóng trong, nóng sốt
Tam thất có tính ấm, nếu người đã có các triệu chứng nóng trong, người tăng huyết áp, hay bốc hỏa, táo bón, lòng bàn tay bàn chân nóng, người sốt cao… lại dùng thêm Tam thất, thì các triệu chứng nóng sốt có thể nặng hơn, thậm chí dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Một số lưu ý khác khi sử dụng Tam thất

Tam thất sống và Tam thất chín có tác dụng khác nhau
Như đã nói ở trên, Tam thất sống chủ yếu có các tác dụng hoạt huyết, tiêu trừ ứ trệ. Tam thất chín thì ngược lại, chủ yếu có các tác dụng bổ dưỡng, vì vậy cần chú ý vấn đề này khi sử dụng. Khi cần hoạt huyết tiêu ứ mà dùng Tam thất chín, khi cần bổ dưỡng mà lại dùng Tam thất sống, thì không những không có tác dụng, mà bệnh tình còn có thể trở nên trầm trọng hơn.

Tam thất ngày nay thường được sử dụng điều trị một số chứng u xơ, rất nhiều người thấy công hiệu tốt. Nhưng một số người sử dụng nó lại thấy kích thước khối u xơ tăng thêm sau một thời gian dùng kích thước u xơ tăng thêm, nguyên nhân có một phần chính là ở vấn đề này.

Liều lượng sử dụng
Tam thất là một vị thuốc, vì vậy đương nhiên sử dụng phải có liều lượng nhất định. Dùng Tam thất với liều quá ít thì không có tác dụng; dùng với liều cao quá lại có thể có hại - ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch, gây cảm giác hồi hộp, đổ mồ hôi... Nếu muốn dùng, mọi người nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để chọn liều lượng phù hợp với thể trạng.

Không sử dụng trong thời gian dài
Tam thất dù có nhiều tác dụng nhưng nếu sử dụng trường kỳ thì vẫn có thể sinh ra những tác dụng không mong muốn. Khi dùng mọi người cần biết cách “lắng nghe cơ thể”, nếu xuất hiện những triệu chứng như nhiệt miệng, khô môi, nóng trong người, táo bón, mất ngủ... thì nên tạm ngừng sử dụng Tam thất.

Đặc biệt đối với sử dụng Tam thất sống, nên chia làm nhiều đợt. Vì Tam thất sống có tác dụng hoạt huyết và tiêu ứ, nên dùng lâu có thể gây hao huyết. Dùng một thời gian nên tạm dừng một thời gian. Các thầy thuốc khi chữa các chứng bệnh cần hoạt huyết, tiêu ứ cũng đều cần có chiến lược sử dụng Tam thất thích hợp.

Cũng như nhiều vị thuốc khác, mọi người không nên tự ý sử dụng Tam thất, dù có nhiều tác dụng nhưng Tam thất cũng có nhiều điều cần lưu ý và những cấm kỵ khi sử dụng. Không nên dùng Tam thất khi không có bệnh, nếu thật sự cần dùng, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Nhạc Phong

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

4 nhóm người không được sử dụng Tam thất