Lấy học phí làm ‘rào cản’ cho đầu vào đại học? Nhìn ngọn mà quên gốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, dư luận dậy sóng trước tuyên bố của một vị giáo sư rằng học phí cấp đại học nên được coi là rào cản kỹ thuật cho đầu vào. Tư tưởng học phí giống như một khoản đầu tư [ở một số ngành nghề] vốn là tư tưởng được chấp thuận ở các nước có nền giáo dục tiến bộ, nhưng áp dụng tại Việt Nam thì dường như chưa hợp lý lắm. 

Tăng, giảm hay miễn phí giáo dục?

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội sáng 25/7 vừa qua, GS Lê Quân (đại biểu Cà Mau) nói: “Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành "học đại"", phải coi học phí đối với người học là nguồn đầu tư, thông lệ quốc tế học phí bao giờ cũng bằng gần hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp.

Vị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội này nói rõ thêm rằng: “Chính sách học phí đại học hiện nay có nhiều bất cập vì vậy chất lượng đào tạo giảm sút. Cho nên, để nâng cao chất lượng đại học thì cần phải điều chỉnh chính sách học phí và hoàn thiện chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tốt”.

"Tôi kiến nghị làm sao để cho các cơ sở giáo dục không nhất thiết phải tự chủ hoàn toàn mới được xác định học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật".

Câu chuyện về chất lượng giáo dục đi đôi học phí không còn quá mới. Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất nổi tiếng với khái niệm “Học giá” và phát biểu “Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”. Như vậy, theo các vị lãnh đạo của ngành giáo dục thì học phí và chất lượng giáo dục là tỉ lệ thuận với nhau.

Thực tế là ở một số nước, học phí đã trở thành một công cụ phân luồng học sinh. Như ở Mỹ, hầu hết sinh viên đều vay nợ để đi học và họ chịu áp lực tự cân đối tài chính khi học đại học. Chính vì vậy mà sinh viên có trách nhiệm, học tập và hòa nhập xã hội tốt hơn, dễ kiếm được việc làm hơn.

Những đại học có danh tiếng như Harvard, Massachusetts hay Stratford, … chất lượng giáo dục của họ rất cao và đi đôi với đó là học phí cũng không hề thấp.

Ngược lại, cũng có những quốc gia thậm chí không thu học phí đại học công lập (như Đức) nhưng chất lượng giáo dục vẫn rất cao. Và dù định vị học phí cao, thấp hay miễn phí, với mọi quốc gia trên thế giới, học phí luôn được miễn cho các ngành cần sự cống hiến cho xã hội như sư phạm và an ninh.

Khác biệt là ở chỗ, các ưu ái với ngành (không chỉ học phí, mà cả môi trường làm việc khi ra trường) đủ hấp dẫn để quốc gia đó lựa chọn được những người tâm huyết nhất, mong muốn cống hiến nhất, giỏi nhất cho giáo dục và dũng cảm nhất cho ngành an ninh.

Nhìn ra ngoài thế giới, có vẻ như chất lượng giáo dục nằm ở triết lý giáo dục, chiến lược giáo dục và một thể chế xã hội đồng bộ với triết lý giáo dục đó. Nó không phải là câu chuyện của riêng ngành giáo dục, dù ngành giáo dục có vai trò định hướng, dẫn dắt nó đi đúng hướng.

Nỗi bi ai của nền giáo dục Việt Nam

Đáng tiếc, triết lý và chiến lược giáo dục ở Việt Nam hết sức mơ hồ và đôi khi cứng nhắc, chạy theo thành tích.

Bệnh thành tích trong giáo dục khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Bệnh thành tích trong giáo dục khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Như TS Tạ Quang Đàm - Th.S Đỗ Thị Minh Nguyệt khẳng định: Bệnh thành tích trong giáo dục cho ra sản phẩm giả mạo, gian dối, che giấu chất lượng thấp bằng những nhãn mác in dấu chất lượng cao. Một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự.

Nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG KHOA/most.gov.vn
Nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG KHOA/most.gov.vn

Chạy theo thành tích khiến chúng ta có những giáo viên khắc nghiệt, thiếu cảm thông, có những học sinh đứa trẻ ngu ngơ, có thể nói dối để có thành tích và không có khái niệm về động lực, càng không nói đến sáng tạo hay say mê...

Chạy theo thành tích khiến chúng ta có những tấm bằng đỏ sau tốt nghiệp đại học nhưng xanh lòng. Chạy theo thành tích khiến học sinh ngày một mất đi khái niệm "đúp", "không đạt", 100% sinh viên đỗ vào trường cũng sẽ ra được trường.

Chạy theo thành tích khiến chúng ta có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ giấy, những người thừa bài báo khoa học, thừa công trình khoa học trong và ngoài nước, chỉ là thiếu tri thức để nghĩ mới, làm mới, sáng tạo ra cái mới và/hoặc dám trung thực, đàng hoàng truyền tải 'tri' (trí tuệ) của họ để 'thức' tỉnh đồng bào, thức tỉnh xã hội.

Bệnh thành tích trong giáo dục còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng luyện học sinh thành “gà nòi” tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường còn những môn khác thì học cho xong, không cần đầu tư thời gian công sức học tập.

Bệnh thành tích trong giáo dục có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở. Chỉ cần có thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Thấy người cá nhân, đơn vị khác được nêu gương nên cũng đua tranh.

Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng giáo dục họ lại đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta hoàn thành hết.

Không tu bổ cái gốc của giáo dục, học phí cao sẽ thành thảm họa

Tại Việt Nam, thực tế thời gian vừa qua, học phí ở một số trường đại học hàng đầu đã tăng rất nhanh. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cũng rất lớn bởi vậy học sinh chọn học cao đẳng và các trường nghề cũng đã tăng lên. Và đương nhiên, chẳng phải một lý do cho sự lựa chọn này chính là học phí?

Đúng vậy, nhưng xét đi cũng cần xét lại. Khi ông Nhạ và ông Quân tuyên bố như vậy, thì phải chăng họ đang định nghĩa dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa? Và đã là hàng hóa thì loại hàng hóa ấy có tính chất gì và cần đảm bảo logic nào trong kinh doanh?

Trong kinh doanh thì một nguyên tắc bất di bất dịch là tiền nào của ấy. Vậy hàng hóa mà 2 vị lãnh đạo này đang nói tới có thể đảm bảo chất lượng khi bán ra hay không? Bởi giáo dục không phải là một mặt hàng thông thường chỉ cần nhập về một cách đa dạng về để đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người mua; mà chất lượng giáo dục gắn chặt với con người, với bộ máy cho nên nếu họ chưa thay đổi những yếu tố ấy thì có gì để đảm bảo được rằng khi người mua bỏ tiền nhiều thì sẽ chắc chắn nhận về một món hàng giáo dục tốt?

Có nghĩa là, nếu họ muốn bán một món hàng bằng giá cao thì trước tiên món hàng ấy cần có chất lượng tốt trước đã. Chất lượng của dịch vụ giáo dục đã cao chưa mà lại muốn định giá lớn? Điều gì có thể chứng minh rằng chất lượng đã tốt, đã đáp ứng được yêu cầu của người học, và nếu có cuộc khảo sát về giáo dục, thì bao nhiêu người dân Việt Nam đã hài lòng với chất lượng giáo dục đại học hiện tại? Tỷ lệ ra trường có việc làm, không phải đào tạo lại là bao nhiêu? và rằng giáo dục nước nhà đang đứng thứ mấy trên nấc thang học thuật của thế giới?

Vì thế, nếu đã coi giáo dục là hàng hóa, họ cần chứng minh chất lượng trước khi yêu cầu người học phải trả giá cao. Còn nếu họ bảo “Cứ đưa tiền trước đã, tôi sẽ dùng tiền ấy để chế tạo cho anh món hàng tốt tương ứng” thì đây là lý thuyết gì trong kinh tế? Muốn kinh doanh thì trước hết người ta phải bỏ vốn để đầu tư và tạo ra sản phẩm tốt rồi mới đưa ra thị trường, không ai bán hàng mà lại dám đòi khách hàng trả tiền trước khi có hàng bao giờ. Kể cả các công ty đầu tư để nghiên cứu sản phẩm mới, thì điều khoản với người nghiên cứu kinh doanh cũng rất rõ ràng: Không tạo ra được sản phẩm theo yêu cầu, thì mức phạt đối với người cam kết đó cũng rất khủng khiếp.

Kể cả nếu trường hợp người mua vì không có lựa chọn nào khác đành phải mua món hàng chưa có kia, thì nếu trường hợp các vị lại sản xuất thất bại thì sẽ giải quyết như thế nào? Kinh doanh mà, phải rõ ràng chứ. Ai sẽ hoàn vốn cho các học sinh kia? Và cái gì có thể bù đắp được 4 đến 7 năm thanh xuân đại học của họ? Ai sẽ chịu trách nhiệm cả cuộc đời tương lai của họ? Mà đâu phải chỉ một vài người, đó là cả 1 hoặc nhiều thế hệ. Nếu vậy, đừng nói tiền đền bù, ngay cả ngồi tù hoặc xử bắn thì cũng liệu có bù đắp được hay không?

Bán cái mình không có (hoặc chưa có) thực ra là bán lời hứa. Vậy hàng hóa giáo dục ở đây là lời hứa sao? Hãy nhìn vào những cam kết bao giờ đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành, hãy nhìn vào các đời bộ trưởng giáo dục trước đây đã hứa hẹn những gì, bao nhiêu lời hứa đó trở thành sự thật? Vậy lấy cái gì để giao kèo, để người mua có thể đặt niềm tin để đặt cược cho “món hàng” mà các vị hứa sẽ giao?

Vì thế, nếu đã coi dịch vụ giáo dục là hàng hóa, đã có tư duy kinh doanh giáo dục, trước hết xin hãy là một người kinh doanh lương thiện và có trách nhiệm, thì khi ấy các vị mới có thể bán được hàng.

Mà với tất cả lỗ hổng từ gốc rễ của giáo dục đề cập ở trên kia, nếu không tu bổ nó, hàng hóa giáo dục Việt vĩnh viễn sẽ chỉ là những mặt hàng kém phẩm chất mà thôi.

Học phí cao có là giải pháp tốt cho giáo dục đại học?

Ở Đức, nơi học phí đại học công hoàn toàn là miễn phí, có nghĩa là “đầu vào” hoàn toàn thả nổi.

Theo tiến sĩ Dorothea Rüland (Tổng thư kí DAAD – Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức): “Chương trình học (đại học ở Đức) sẽ đảm bảo kiến thức của chuyên ngành học sinh, sinh viên đăng ký và trong quá trình học, người học phải đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp Đại học.

Nếu không đủ chất lượng thì sẽ phải học lại, một sinh viên có thể không phải chỉ mất 4 năm học Đại học mà kéo dài tới 6 - 7 năm. Thường sẽ có khoảng 30% sinh viên Đức của một niên khóa bỏ học giữa chừng.

Việc siết chặt đầu ra cũng vì mục đích bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai”.

Tại sao các trường đại học ở Đức có thể mạnh tay siết chặt đầu ra? Vì những gì họ nhận được từ chính phủ có không có tiêu chí tỷ lệ % sinh viên ra được trường. Nếu bị bó buộc bởi tiêu chí thành tích này (thì mới nhận được trợ cấp từ chính phủ), giáo dục đại học của Đức không thể đánh trượt một lượng lớn sinh viên không đạt chuẩn, họ cũng không thể đảm bảo danh tiếng chất lượng giáo dục của mình.

Vì thế, nếu đã coi dịch vụ giáo dục là hàng hóa, đã có tư duy kinh doanh giáo dục, trước hết xin hãy là một người kinh doanh lương thiện và có trách nhiệm, thì khi ấy các vị mới có thể bán được hàng. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)
Vì thế, nếu đã coi dịch vụ giáo dục là hàng hóa, đã có tư duy kinh doanh giáo dục, trước hết xin hãy là một người kinh doanh lương thiện và có trách nhiệm, thì khi ấy các vị mới có thể bán được hàng. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)

Ngoài ra, ở Đức hay các nước Châu Âu và Mỹ cũng vậy, hầu hết hội đồng quản trị của nhà trường (những người lo chiến lược tài chính, gây quỹ, truyền thông, quảng bá...) hoàn toàn độc lập với Ban giám hiệu trường, những nhà khoa học và giáo dục học, lo phát triển chương trình đào tạo, thực thi đào tạo và đảm bảo chất lượng ra trường của sinh viên. Khi không bị vướng vào cơm áo gạo tiên và thể chế chính trị thì các quyết định thuần túy khoa học và giáo dục hơn. Đó là có chế giảm hiểu các tiêu cực trong giáo dục đại học.

Như vậy, cái gì sẽ là rào cản cho các sinh viên "học đại" ở đại học tốt hơn? Chắc chắn đó không phải là học phí ngất ngưởng, đó là tư duy giáo dục, là triết lý giáo dục đúng hướng và nhân văn, một triết lý giáo dục sạch sẽ, nằm ngoài mưu lợi, nằm ngoài thành tích chính trị mang tính nhiệm kỳ.

Học phí cao phải đi kèm với chính sách tốt về cho vay sinh viên, học bổng ưu đãi theo ngành trong dài hạn

Học phí cao là rào cản của vô số các học sinh cấp 3 ở nông thôn, tốt nghiệp xong đã nhắm thẳng vào các khu công nghiệp để đi làm thay vì học lên các bậc đào tạo cao hơn. Chưa nói đến năng lực học tập của các em như thế nào. Rào cản càng lớn, cơ hội cho các em tiếp cận được tri thức, để thoát nghèo càng khó. Trong khi nhà giàu, dù học dốt thì vẫn thẳng tiến vào giảng đường vì thừa tiền đóng học phí. Vậy phải chăng đó sẽ là một nền giáo dục của người giàu mà ở đó người nghèo dù có tài năng cũng sẽ bị xua đuổi?

Chưa kể, như cách vị giáo sư kia nói, thì khi tăng học phí thì học sinh sẽ vì tiếc tiền mà lo học, có cư dân mạng nhận xét rằng điều đó thật sự rất tiêu cực, ví như một đứa trẻ vì sợ đánh đòn mà phải cố ăn cơm thì có nên không? Thay vào đó, nên chăng là xây dựng một tư tưởng giáo dục tích cực, đó là tạo ra động cơ học tập chính đáng như sự hấp dẫn của tri thức, sự thu hút của phương pháp, khao khát trở thành người hiểu biết v.v. ?

Và đối tượng nào sẽ thật sự tiếc tiền mà học? Chỉ có con nhà nghèo thôi, chứ những cậu ấm cô chiêu con nhà quan chức hoặc đại gia, chỉ một cuộc chơi của họ có thể bằng học phí của cả mấy năm, thì liệu họ có thể vì tiếc tiền mà học không? Vậy có phải phương pháp này gần như vô dụng với con nhà giàu? Trong khi đó, con nhà nghèo vì chính sách học phí này mà đa số đã phải dừng lại ở cổng trường. Khi đó, người tiếc tiền thì không được học, người đi học thì chẳng tiếc tiền. Khi đó, “phương pháp” tăng học phí này đã thất bại hoàn toàn về mục đích, nêu không nói là gây ra những hậu quả tai hại cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội về lâu về dài. Nếu có tác dụng, thì phải chăng chỉ là giúp các trường thu được nhiều tiền hơn mà thôi?

Cuối cùng, để đảm bảo giáo dục đại học có thể được tiếp cận bởi tất cả những học sinh có khả năng và học lực, học phí cao là thứ có thể áp dụng khi chính phủ thiết lập được hệ thống tài chính cho vay, tài trợ cho sinh viên mà không cần tài sản thế chấp, mọi học sinh có khả năng học lên đại học đều có thể tiếp cận. Khi đó, học phí cao ở những ngành đáng giá (những ngành có thể kiếm nhiều tiền sau tốt nghiệp) là phù hợp.

Thêm vào đó, các ngành khoa học cơ bản, các ngành đào tạo con người vào khu vực công cần có sự ưu đãi trong dài hạn và công bằng về cả cơ hội tiếp cận công việc, lương khi ra trường, cơ hội thăng tiến... Chỉ khi đó, các ngành này mới có thể thu hút được lực lượng học sinh tinh hoa tiến vào, làm trụ cột cho đổi mới và sáng tạo của quốc gia sau này.

Để làm tất cả điều này, cuối cùng, mọi lỗ hổng từ gốc rễ của giáo dục cần phải được nhận định và tu bổ cẩn mật, tỷ mỉ. Điều này chỉ làm được khi các chính trị gia có thể vượt qua tư duy nhiệm kỳ, có thể dũng cảm đề xuất và thực thi sự thay đổi với một trái tim nóng bỏng vì đất nước và con người Việt.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Lấy học phí làm ‘rào cản’ cho đầu vào đại học? Nhìn ngọn mà quên gốc