Không còn Giáng Sinh cho người Mỹ : Nguyên nhân đến từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáng sinh năm nay ở Mỹ sẽ khó có thể được tổ chức. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Á khiến trẻ nhỏ Mỹ không thể mua được đồ chơi vào tháng 12.

Ít nhất thì đó là điều mà Phó Tổng thống Kamala Harris đã nêu lên trong chuyến đi đến Đông Nam Á, và bà ấy đã đúng. Vào đầu năm nay, các kệ hàng trên khắp nước Mỹ hầu như trống rỗng. Trong những ngày tới đây, tình hình ấy sẽ lặp lại bởi sự gián đoạn bất thường trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và khắp Đông Á.

Có một giải pháp giúp loại bỏ những gián đoạn này và cứu cả thế giới. Bà Harris đã không đề cập đến nó, và giới tinh hoa toàn cầu thì không ưa gì nó.

Bà Harris cho biết tại hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Singapore hôm 23/08: “Những lời cảnh báo mà hiện nay chúng ta đang nghe rằng nếu bạn muốn có đồ chơi Giáng sinh cho con mình, thì bây giờ là lúc để tìm mua, bởi vì sự chậm trễ trong giao hàng có thể kéo dài trong nhiều tháng. Trên toàn thế giới, mọi người đang phải đối mặt với vấn đề này".

Tại sao trẻ nhỏ Mỹ sẽ phải thất vọng trong kỳ nghỉ Giáng Sinh? Bà Harris tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm sự việc trở nên khó khăn hơn. Các cơn bão mạnh đã làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển, khiến nước biển dâng cao, và đe dọa cơ sở hạ tầng cảng. Những vấn đề đó đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Không, thưa bà Phó Tổng thống, biến đổi khí hậu hầu như không liên quan gì đến những gián đoạn đang diễn ra. Có nhiều yếu tố như là sự dịch chuyển dài hạn của ngành sản xuất sang Đông Á, hay các vấn đề ngắn hạn bao gồm việc vận chuyển các container rỗng... mới là nguyên nhân.

Một thủ phạm khác là biến thể Delta. Một làn sóng COVID-19 mới ở Đông Nam Á đã khiến Thái Lan, Malaysia, và Việt Nam phải giãn cách xã hội. Tại TP. HCM, từ hôm 23/08, chính quyền đã yêu cầu người dân phải thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

Trên khắp Trung Quốc, các vụ phong tỏa đã khiến các nhà máy phải đóng cửa, vận tải đường bộ phải ngừng hoạt động, và các cảng bị tê liệt. Vào tháng Năm, dịch bệnh đã khiến cảng Yantian ở Thâm Quyến, cảng lớn thứ ba châu Á, phải đóng cửa. Nhà chức trách nước này hôm 11/08 cũng đã đóng cửa bến Meishan ở cảng Ningbo-Zhoushan. Bến Meishan là cảng container bận rộn thứ ba thế giới và xử lý khoảng 1/5 lưu lượng toàn cảng.

Việc đóng cửa bến Meishan gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với người tiêu dùng Mỹ vì các chủ hàng thường sử dụng cảng Ningbo để chở hàng đến Long Beach. Hơn nữa, việc đóng cửa này đã xảy ra vào một thời điểm không thể tồi tệ hơn. Tháng Tám là thời gian giao hàng cao điểm chỉ đứng sau dịp Lễ Tạ ơn, được biết đến trong giới bán lẻ và ở các hộ gia đình Mỹ là ngày Black Friday.

Tất cả yếu tố kể trên đã khiến cước vận chuyển tăng chóng mặt. Ví dụ, chi phí vận chuyển container qua Thái Bình Dương năm 2020 đã tăng hơn 500%. Tỷ giá giao ngay của các tuyến đường Bờ Đông Hoa Kỳ-Trung Quốc là 20.804 USD vào tuần đầu tiên của tháng Tám; trong khi tỷ giá này chỉ ở dưới mức 11.000 USD hôm 27/07.

Khi nói về các cơn bão và COVID, ông Philip Damas của công ty Tư vấn hàng hải Drewry cho biết: “Những tác nhân này đã biến vận chuyển container toàn cầu trở thành một thị trường người bán đầy biến động với mức cầu vượt xa mức cung. Các công ty vận tải có thể tính phí gấp 4 đến 10 lần giá bình thường. Điều này chưa từng xảy ra trong hơn 30 năm qua”.

Chi phí vận chuyển cao không phải chỉ là tạm thời. Ông Damas dự kiến loại ​​"tỷ giá cực đoan" này sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm sau. Một số dự đoán khác cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối năm 2022, đặc biệt là khi các tàu chở hàng sẽ bị kéo khỏi các tuyến đường biển để chuyển đổi từ việc sử dụng dầu Bunker sang khí đốt tự nhiên hay dầu diesel sạch hơn.

Ngày 20/08 đã ghi nhận ​​một kỷ lục đối với các tàu mắc kẹt ngoài khơi ở các cảng container ở Los Angeles và Long Beach. Tuy nhiên, sự gián đoạn này không phải là tất cả. Công ty FreightWaves cho hay: “Có một vụ tắc nghẽn vận tải biển rất lớn khác, ở một nơi đang chứa nhiều hàng hóa hơn”. Sự gián đoạn trong lĩnh vực hàng rời thậm chí còn tồi tệ hơn, một phần là do các quy định COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc, đặc biệt là các biện pháp cách ly áp dụng đối với các thủy thủ.

Ông Nick Ristic, nhà phân tích vận tải hàng khô tại Braemar ACM Shipbroking, cho hay vào giữa tháng Tám, trên thế giới có 1.692 tàu chở hàng rời với tổng công suất 142 triệu tấn trọng tải đang phải neo đợi. Ông cho biết thêm, đó là “mức cao nhất mà chúng tôi có thể tìm được trong hồ sơ và cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Giá bán lẻ kỳ vọng ở Mỹ sẽ tăng. Nếu bạn là giám đốc quản lý vận chuyển hàng hóa của Apple thì bạn sẽ không thực sự cần quan tâm, vì chi phí thêm vào cho việc vận chuyển của một chiếc iPhone là không đáng kể.

Tuy nhiên, chi phí tăng thêm là tương đối lớn nếu bạn sản xuất các mặt hàng lớn hơn. Ông Jonathan Bass, nhà điều hành của công ty trang trí gia đình WhomHome, nói với Gatestone: “Một container 12 mét có thể chứa 20 chiếc ghế sofa. Với mức tăng giá ngất ngưởng hiện nay, có thể tốn 25.000 USD để vận chuyển một container qua Thái Bình Dương đến Bờ Đông, tức là thêm khoảng 1.625 USD cho mỗi chiếc ghế sofa”. Chi phí gia tăng đó khiến mặt hàng nội thất này trở nên xa xỉ đối với hầu hết người tiêu dùng Mỹ.

Vấn đề này cần được giải quyết như thế nào? Trong chuyến đi của bà Harris, Tòa Bạch Ốc đã thông báo rằng Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã thiết lập quan hệ đối tác “để tăng cường khả năng chống đỡ của chuỗi cung ứng”. Bà Harris đã liên tục nêu vấn đề này trong chuyến thăm Singapore, thậm chí còn thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Lý Hiển Long.

Bà Harris nói trong cuộc gặp với ông Lý Hiển Long: “Đại dịch đã khiến chúng ta nhận ra những đứt gãy, sai lầm, và vết nứt trong chuỗi cung ứng. Và đây cũng là cơ hội khắc phục, tìm ra giải pháp cho các vấn đề dài hạn đã và đang thách thức chúng ta.”

Ông Bass, một người ủng hộ việc Mỹ chuyển hoạt động sản xuất đến các quốc gia lân cận, có một giải pháp: “Với chi phí vận chuyển cao và các yếu tố bất lợi lâu dài khác như hiện nay, sẽ rẻ hơn nếu sản xuất ghế sofa và các mặt hàng khác ở Bắc Mỹ”.

Phó Tổng thống Harris, người tin rằng tất cả các vấn đề của thế giới là do biến đổi khí hậu, nên hài lòng với giải pháp đó, vì nó sẽ loại bỏ khí thải carbon từ vận chuyển xuyên Thái Bình Dương. Ông Bass cho biết thêm, “hàng ngày, đội tàu chở hàng của thế giới hiện đang làm nóng nước biển tương đương với 4 quả bom hạt nhân”.

Việc dịch chuyển sản xuất sẽ không chỉ sử dụng lao động Bắc Mỹ và mang lại sự thịnh vượng cho khu vực, mà còn có nghĩa là người Mỹ sẽ ngừng làm giàu cho một chế độ thù địch - Trung Quốc. Trên thực tế thì Bắc Kinh luôn coi Mỹ là “kẻ thù”.

Chúng ta hãy nhớ rằng: Mỗi chiếc ghế sofa mà người Mỹ mua từ Trung Quốc đều cung cấp cho chế độ độc ác này tiền để phát triển vũ khí sinh học, đào hầm chứa tên lửa, và phát triển nhiều phương tiện khác để sát hại người Mỹ. Vì vậy, mỗi chiếc ghế sofa mà chúng ta sản xuất ở phía bên này của Thái Bình Dương đều sẽ góp phần bảo vệ nền cộng hòa Mỹ.

Từ Viện Gatestone .

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả ông Gordon G. Chang là một thành viên cao cấp xuất sắc tại Viện Gatestone, thành viên Ban cố vấn của viện này, và là tác giả của cuốn “Sự sụp đổ đang đến gần của Trung Quốc”. Theo dõi Gordon tại GordonChang.com và trên Twitter @GordonGChang.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Không còn Giáng Sinh cho người Mỹ : Nguyên nhân đến từ Trung Quốc