Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo chiều – dấu hiệu một cuộc khủng hoảng mới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử tài chính Mỹ, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) đảo chiều đã dẫn báo chính xác 7 cuộc khủng hoảng kể từ năm 1970 đến nay. Đường cong lợi suất TPCP Mỹ đã duy trì trạng thái đảo chiều suốt 5 tháng trong năm 2019, nay lại đảo chiều làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới tại Mỹ.

Vậy đường cong lợi suất là gì? Thực trạng của biến động của đường cong lợi suất của các nền kinh tế lớn hiện ra sao? Đường cong lợi suất duy trì sự đảo ngược trong bao lâu thì có khả năng xảy ra khủng hoảng?

Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Mỹ lao dốc xuống mức kỷ lục, hiện giao dịch ở mức dưới 1,3% (27/2)

Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm lao dốc xuống mức kỷ lục, hiện được giao dịch ở mức thấp hơn 1,3% (27/2). Thêm vào đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ lao dốc trong 5 ngày qua do các thông tin xấu về bùng nổ đại dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới ngoài Trung Quốc. Chỉ số Dow John mất 8% trong 5 ngày, mất 2,353 điểm; chỉ số S&P 500 mất 264 điểm, tương ứng với 7,8%. Trong khi đó, giá vàng tăng cao kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây, ở mức 1647,25 USD/Ounce (27/2). Dường như nhà đầu tư có dấu hiệu bán tháo các tài sản rủi ro và dòng tiền tìm tới các tài sản trú ngụ an toàn hơn như vàng.

“Các kỷ lục đang bị phá vỡ theo từng loại tài sản. Tuần trước, giá trị vốn đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, hôm nay đã mất 8%. Về tỷ giá, trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 30 năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử hôm thứ Hai (24/2) và kể từ đó vẫn tiếp tục giảm trong khi trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức thấp nhất hôm nay (26/2)”, ông Allen Sukholitsky, chiến lược gia vĩ mô tại Xallarap Advisory, cho biết trong một email.

“Cách giải thích truyền thống là tỷ giá thấp hơn là tốt đối với phần vốn chủ sở hữu”, ông Sukholitsky nói với The Epoch Times. “Chúng tôi tin điều ngược lại. Tỷ giá đang phản ánh một môi trường tăng trưởng kinh tế đang suy yếu do tác động của COVID-19”.

Biến động lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm 1971-2020 (trái) và biến động giá vàng 2011-2020 (phải); nguồn: investing.com và goldprice.org

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã đảo chiều

Sự sụt giảm lợi suất TPCP kỳ hạn dài đã làm đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu. Trong lịch sử thị trường tài chính Mỹ tính từ năm 1970 đến năm 2020, 7 lần đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều (lấy lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm trừ đi lợi suất TPCP kỳ hạn 1 năm, nếu là âm thì đảo chiều) đã dẫn báo đúng 7 cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra sau đó 4 – 8 quý.

Biểu đồ biến động đường cong lợi suất (lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm trừ đi lợi suất TPCP kỳ hạn 1 năm, nếu kết quả nhỏ hơn 0 thì là đảo chiều); Nguồn: gurufocus.com

Biểu đồ trên cho thấy từ năm 1970 cho đến nay, đường cong lợi suất TPCP đã đảo chiều 7 lần và sau đó 4-8 quý đã xảy ra khủng hoảng (đường gạch xám là giai đoạn xảy ra khủng hoảng). Tuy nhiên, số liệu lịch sử cũng cho thấy đường cong lợi suất cần phải đảo chiều trong khoảng thời gian đủ lớn, tính theo đơn vị là tháng hoặc năm thì mới có khả năng xảy ra khủng hoảng.

Một lần duy nhất đường cong lợi suất đảo chiều mà khủng hoảng không xảy ra là vào giữa thập niên 60, thời điểm đó tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức rất thấp (nền kinh tế suy trầm).

Đường cong lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 1 tháng đến 30 năm thời điểm hiện tại (27/2) và cùng kỳ 2 năm trước

Vậy đường cong lợi suất là gì, tại sao nó lại dự báo được khủng hoảng kinh tế?

Theo Investopedia, đường cong lợi suất biểu thị mối quan hệ giữa lợi suất trái phiếu (lãi suất thực) và kỳ hạn trái phiếu.

Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường thường mong chờ nhiều “ưu đãi” hơn đối với các công cụ tài chính dài hạn, ví dụ TPCP kỳ hạn dài 10-30 năm (do rủi ro trong dài hạn thường cao hơn). Do đó, nếu nền kinh tế trong tình trạng sức khỏe ổn định, lãi suất dài hạn sẽ phải lớn hơn lãi suất ngắn hạn để bù cho các rủi ro liên quan đến thời gian như rủi ro về lạm phát và các biến động trong tương lai. Lúc này, đường cong lợi suất TPCP ở trạng thái bình thường.

Khi nền kinh tế xấu đi, rủi ro và bất ổn định, cầu đối với TPCP giảm hoặc cầu TPCP kỳ hạn dài tăng do lo ngại rủi ro trong ngắn hạn. Điều này làm lợi suất TPCP kỳ hạn dài suy giảm, làm đảo ngược đường cong lợi suất TPCP như tình trạng hiện nay của Mỹ. Tại Việt Nam, đường cong lãi suất đi ngang trong giai đoạn nền kinh tế suy trầm 2011-2012.

Nếu các nhà đầu tư cho rằng trong ngắn hạn nền kinh tế có nhiều biến động, họ có thể mua thêm chứng từ có giá kỳ hạn dài để đảm bảo lợi tức của mình thay vì phải chịu rủi ro đối với các công cụ ngắn hạn khi mà rủi ro trong ngắn hạn ngày càng tăng cao. Nói cách khác, nhu cầu ngày càng cao của trái phiếu dài hạn đẩy giá lên trong khi lãi suất danh nghĩa không đổi, điều này khiến cho lãi suất thực tế suy giảm, khiến cho đường cong lãi suất giảm dần thành các dạng trên.

Đường cong lãi suất đảo chiều cũng tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng – vốn là nơi huy động vốn ngắn hạn để phân bổ vào các khoản vay có kỳ hạn dài hơn – sẽ chịu tác động rất lớn khi các công cụ nợ ngắn hạn có lãi suất thực tế được đẩy cao hơn các công cụ nợ dài hạn. Nếu lãi suất đầu ra không đủ bù lãi suất đầu vào, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đường cong lợi suất TPCP đảo chiều suốt 5 tháng năm 2019 và tiếp tục đảo chiều rõ nét trong tháng 2/2020 – Fed sẽ sớm có nới lỏng tiền tệ thích hợp

Năm 2019, hiện tượng trái phiếu chính phủ ngắn hạn mang lại lợi suất cao hơn so với trái phiếu dài hạn đã kéo dài suốt "năm tháng vững chắc" từ giữa tháng 5 cho đến tháng 10 năm 2019. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, đường cong lợi suất đã đảo ngược.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế vẫn chưa tới, tất nhiên phần lớn là nhờ vào quyết định của Cục Dự trữ Liên bang khi quay trở lại chính sách tiền tệ phù hợp hơn, cắt giảm lãi suất ba lần một cách hiệu quả (theo Fortune).

Nhưng bây giờ các dấu hiệu cảnh báo đã quay trở lại. Việc Fed bơm tiền vào thị trường cho vay qua đêm bằng cách mua trái phiếu ngắn hạn của Hoa Kỳ từ các ngân hàng đã góp phần giữ cho đường cong lãi suất trở về trạng thái tương đối bình thường trước khi Covid-19 bùng phát mạnh hơn trên toàn cầu.

Có vẻ như Fed sẽ phải sớm nới lỏng tiền tệ bằng các công cụ thích hợp để đảm bảo đường cong lãi suất sớm trở lại “bình thường” trong bối cảnh đầy “bất thường” của nền kinh tế thế giới.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo chiều – dấu hiệu một cuộc khủng hoảng mới?