Muốn đừng ‘giận quá hóa rồ’, hãy mau 'nghĩ lại'... giận liền hóa không

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi chúng ta cảm thấy khó chịu với ai đó, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta thường là cảm xúc và nông nổi. Nhưng nếu nghĩ xa hơn về lý do “tại sao người kia lại làm như thế”, thì có thể một bức tranh lớn hơn sẽ mở ra trong tâm trí ta, và mâu thuẫn có thể hoàn toàn tránh được.

Câu chuyện thứ 1:

"Nào! Đèn xanh rồi! Tên đó đang làm cái gì vậy?"

Tôi bấm còi hai lần trước khi chiếc xe phía trước chịu đi tiếp.

"Chính những người như thế phải chịu trách nhiệm cho việc kẹt xe! Họ bị mù màu hay sao? Họ vượt đèn đỏ nhưng lại không chịu nhúc nhích khi đèn xanh! Họ có biết lái xe không vậy?", tôi càu nhàu với người bạn đi cùng xe, nghe như thể tôi là người lái xe giỏi nhất thế giới vậy.

Một vài ngày sau…

"Bíppp…!"

"Cái quái gì thế!" Chiếc xe phía sau xe tôi đang điên cuồng bấm còi. Tôi bỗng nhận ra đã đèn xanh rồi và nhanh chóng đạp ga.

Mẹ tôi mới ốm hôm qua và đã được đưa vào Khoa chăm sóc tích cực. Tôi và anh trai đang suy tính xem khi nào nên để bà phẫu thuật. Tôi rất lo lắng về điều đó, vì mẹ đã lớn tuổi rồi. Nhưng nếu không phẫu thuật, tình trạng của bà sẽ xấu đi... Việc này đè nặng tâm trí tôi, khiến tôi không nhận ra đèn giao thông đã chuyển sang màu xanh từ thuở nào.

"Người đó thật là thiếu kiên nhẫn! Vội như vậy để làm gì chứ?!”, tôi lầm bầm khi lái xe đi, nhưng rồi chợt nhớ ra chính mình đã từng là người “thiếu kiên nhẫn” như thế.

Chúng ta rất thường xuyên nhìn mọi thứ dựa trên quan điểm của mình cho đến khi nhận ra sự thật.

Tức giận (tức khí) là sự tình thường thấy trong cuộc sống, đôi khi phẫn nộ bày tỏ tâm trạng thì cũng không sao, nhưng nếu để tức giận thành thói quen thì không tốt.
Chúng ta rất thường xuyên nhìn mọi thứ dựa trên quan điểm của mình cho đến khi nhận ra sự thật.(Pexels)

Câu chuyện thứ 2:

Một cậu bé đang nổi cơn tam bành trên tàu điện ngầm ở New York. Nhưng người đàn ông bên cạnh trông giống như là cha cậu đã không cố gắng ngăn cản đứa bé. Mọi người xung quanh đều bị họ làm cho khó chịu.

Cuối cùng tôi đã “hết chịu nổi” và lên tiếng bằng cách nói với người đàn ông: "Anh không thấy con trai mình đang ăn vạ sao? Anh nên xử lý đi chứ".

Người đàn ông nhận ra những gì đang xảy ra và xin lỗi: "Tôi xin lỗi. Con trai tôi vừa mất mẹ trong bệnh viện hai giờ trước. Từ bây giờ tôi không biết phải làm gì...Tôi thực sự xin lỗi”.

Đột nhiên, tôi thấy mình thật tàn nhẫn.

Khi có điều gì đó xảy ra, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác, nhưng lại thường mong người khác thông cảm cho mình.

“Đặt mình vào vị trí của người khác”, điều này thật sự “nói dễ hơn làm”.

Không ai là thánh nhân cả. Tất cả chúng ta đều có tâm trạng của mình. Trước khi làm bất cứ điều gì, chúng ta hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ cho người khác.

Khi suy nghĩ lại…

Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta thường là cảm xúc và nông nổi. Nhưng nếu chúng ta nghĩ xa hơn về lý do tại sao người kia lại làm như thế, biết đâu chúng ta sẽ thấy được bức tranh rộng lớn hơn, và mâu thuẫn có thể hoàn toàn tránh được.

Người kia tại sao lại thờ ơ, chậm chạp, vô lý, điên rồ… như thế, phải chăng trong thâm tâm họ đang gánh chịu điều gì?

Hãy suy nghĩ lại...

Vì vậy, lần sau khi dừng xe trước đèn giao thông, chúng ta hãy kiên nhẫn hơn nữa, vì có thể chủ nhân của chiếc xe phía trước đang phải trải qua một đau khổ hay thử thách nào đó trong cuộc sống.

Bất cứ khi nào tôi gặp phải tình huống bế tắc trong cuộc sống, tôi đều hỏi ý kiến ​​người bạn mang tên “hãy suy nghĩ lại” này, và người ấy luôn khai sáng cho tôi.

Người xưa nói: Tức giận quá hại gan, lo sợ quá hại thận, vui mừng quá hại tâm, đau buồn quá hại phổi.
"Cuộc sống của tôi bất ngờ bị phá vỡ bởi một người nào đó, và sau đó nó lại được cứu bởi một người khác" (Max Pixel)

‘Không phải là bạn đã đi đến cuối con đường, mà đã đến lúc phải rẽ’

Đó là một bài báo được viết bởi một cô gái và nó làm tôi cảm động. Cô đã không thể vượt qua được mối tình đầu và đau khổ đến mức nghĩ đến việc tự tử. Ngay khi cô ấy chuẩn bị làm điều đó, cô ấy nhìn thấy một dòng trên xe buýt có nội dung “Không phải bạn đã đến cuối con đường, mà đã đến lúc phải rẽ”. Và cô đã từ bỏ ý nghĩ tự tử.

Cuối bài báo, cô viết: "Cuộc sống của tôi bất ngờ bị phá vỡ bởi một người nào đó, và sau đó nó lại được cứu bởi một người khác".

Có những bước lùi trong cuộc sống, nhưng điều này không có nghĩa là bạn đã ở cuối con đường, mà là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng bạn nên rẽ hướng.

Khi một vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và bạn không thể giải quyết nó, tại sao không dừng lại và suy nghĩ xem “liệu có thể điều chỉnh nó hay không”. Có lẽ việc sử dụng cách tiếp cận khác hoặc đi theo con đường khác có thể giúp mọi thứ dễ dàng hơn.

Nhưng chúng ta rất thường xuyên có xu hướng “gài bẫy” mình trong vực thẳm của sự đau khổ và đi vòng vèo ở cùng một chỗ. Chúng ta cần biết rằng đường lùi không có nghĩa là cuối con đường, chỉ có nghĩa là đã đến lúc phải rẽ.

Thay đổi tâm lý sẽ thay đổi thái độ;

Thay đổi thái độ sẽ thay đổi thói quen;

Thay đổi thói quen sẽ thay đổi tính cách;

Thay đổi tính cách sẽ thay đổi cuộc đời.

Hãy biết ơn khi thịnh vượng và vui vẻ trong nghịch cảnh.

Hà Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Muốn đừng ‘giận quá hóa rồ’, hãy mau 'nghĩ lại'... giận liền hóa không