Khi tâm hồn càng trống rỗng, con người càng thích giao lưu và giải trí ‘nghèo nàn’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người thường theo đuổi những cách giải trí đơn điệu như tán gẫu hoặc những thú tiêu khiển “nghèo nàn”; đôi khi họ ngồi bên cạnh cửa sổ và nhìn ra ngoài với ánh mắt mông lung. Nhưng ít ai biết rằng chính vì sự trống rỗng bên trong tâm hồn mà con người theo đuổi mọi thứ của xã hội...

Con người ngày nay ngày càng hướng đến truy cầu những thứ như: Vui chơi, giải trí và mong muốn một cuộc sống giàu có, xa hoa. Khi không đạt được điều mình mong cầu, nhiều người rơi vào đau khổ và tuyệt vọng. Cách tốt nhất để cứu chúng ta khỏi những nỗi đau này là lấp đầy tầm hồn mình bằng những ‘của cải’ tinh thần.

Schopenhauer là một triết học gia nổi tiếng người Đức, ông là người đầu tiên trong lịch sử triết học công khai phản đối triết học ‘Duy lý’ và tạo tiền đề cho triết học ‘Duy ý chí’. Ông cũng là một trong những người nhận định rằng ý chí là sức mạnh chi phối hoạt động của thế giới

Tính cách sẽ làm bộc lộ bản chất của một người

Nhìn chung, chúng ta biết rằng hạnh phúc của một người không nằm ở tài sản mà anh ta đang có, hoặc từ sự đánh giá của người khác. Hạnh phúc là những cảm nhận nằm sâu bên trong bản chất và nội tâm con người.

Tính cách sẽ làm bộc lộ bản chất của một người, tất cả những trải nghiệm và suy nghĩ của người đó được tô vẽ bằng màu sắc tính cách của chính họ, và thể hiện ra thái độ sống của họ ở bất cứ nơi đâu.

Đối với người có tính cách vô ưu, hạnh phúc là điều gì đó giống như rượu ngon trong miệng, vừa như mật ngọt vừa có vị đắng, và mùi vị cũng thay đổi theo nhiều cách thú vị khác nhau.

Vì vậy, may mắn của cuộc sống không nằm ở những gì đã xảy đến với chúng ta, mà nằm ở cách chúng ta đối xử với vấn đề ấy như thế nào. Đó là cách mà chúng ta cảm nhận sự vật hay sự việc.

Một người với tính cách vốn có của mình và tất cả những gì liên quan đến tính cách của họ, sẽ quyết định hạnh phúc của chính người đó. Mọi thứ khác chỉ là yếu tố gián tiếp và có thể dễ dàng loại bỏ, chỉ những gì tạo nên tính cách của chúng ta mới là vĩnh cửu và lâu dài.

Nhân cách của con người luôn đóng vai trò chính trong hầu hết mọi thời điểm của cuộc sống, trong khi những ảnh hưởng khác chỉ là tạm thời, ngẫu nhiên, hay thoáng qua và dễ bị hạn chế bởi các yếu tố thay đổi khác nhau. Vì lý do này, Aristotle nói: "Không phải sự giàu có mà là tính cách sẽ tồn tại mãi mãi”.

Phẩm chất cần có bên trong mỗi người là: Nhân cách cao quý, trí tuệ xuất chúng, khí chất tao nhã, tinh thần minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh.

Nói một cách nôm na, "thân thể khỏe mạnh cộng với tâm trí sáng suốt" là chìa khóa quan trọng nhất mở ra cánh cửa hạnh phúc của con người. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì và nâng cao chất lượng của những phẩm chất này, không nên chỉ ham sở hữu của cải vật chất và danh vọng bên ngoài.

Tâm thái vui vẻ và an lạc

Trong số tất cả những phẩm chất tốt đẹp này, điều trực tiếp mang lại cho chúng ta hạnh phúc là một tâm thái vui vẻ và an lạc.

Một người an lạc luôn tìm thấy lý do để hạnh phúc, đơn giản vì an lạc khiến anh ta ‘vui vẻ’. Không có phẩm chất nào thay thế được sự an lạc trong tâm hồn.

Nếu hạnh phúc đến gõ cửa, chúng ta phải mở rộng tâm thái để chào đón nó. Nhưng trong thực tế, chúng ta thường do dự và ngại chấp nhận điều gì đó đang hoặc sắp xảy ra. Đầu tiên, chúng ta muốn tìm hiểu xem: “Liệu điều này có khiến mình hài lòng hay không, có lý do chính đáng để mình chấp nhận việc này không?”.

Sau đó thì chúng ta bắt đầu lo lắng rằng cuộc sống và những suy nghĩ hay niềm vui hiện tại của mình sẽ bị “xáo trộn”, và thế là chúng ta đánh mất sự an lạc.

Giữ gìn sức khỏe tốt là một cách để vươn đến sự an lạc. Chúng ta cần tránh tất cả các hành vi quá buông thả, cảm xúc bạo lực và tiêu cực, giảm thiểu trạng thái căng thẳng tinh thần hoặc mệt mỏi bằng cách tập thể dục ngoài trời hàng ngày, và các hoạt động lành mạnh khác. Vẻ ngoài cũng là một phần của sức khỏe. Một người có phong thái tự tin, thanh lịch thường có sức thu hút và khả năng lan tỏa niềm vui, mang lại sự vui tươi, thanh bình cho người khác.

Khi trong tâm hồn trống rỗng và buồn chán...

Trong cuộc sống, “đau đớn” và “buồn chán” được xem là kẻ thù của hạnh phúc. Khi chúng ta thoát được một trong 2 điều này thì chúng ta tiến gần đến “hạnh phúc” hơn. Nhưng bạn biết đấy, cuộc sống luôn xoay vần giữa hai cán cân là “nỗi đau” và “sự buồn chán”.

Nguyên nhân là bởi giữa hai yếu tố này có mối quan hệ đối kháng song song; một là bên ngoài và khách quan, hai là bên trong và chủ quan.

Tình trạng khó khăn và nghèo đói làm cho con người trở nên khốn khổ, do đó nó hình thành nên “nỗi đau”; tuy nhiên, sự giàu có và một cuộc sống quá dễ dàng lại khiến con người trở nên “buồn chán”.

Khi trong tâm hồn trống rỗng và buồn chán, người ta có xu hướng tìm kiếm điều gì đó để khỏa lấp “nỗi đau” và sự “buồn chán” đó, ví dụ như: giao lưu gặp gỡ, xem các chương trình giải trí “nghèo nàn” trên phim ảnh, mua sắm xa hoa hoặc tham gia các loại hình vui chơi khác.

Có người thì “tựa cửa” trông ra ngoài với ánh mắt vô định vì thậm chí họ còn không biết mình mong muốn điều gì. Chính nỗ lực để lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn khiến nhiều người lao vào cuộc sống để truy cầu một điều gì đó mới lạ hoặc hư vinh. Khi không đạt được sự giàu có và những ham muốn khác họ lại rơi vào vòng xoáy của sự đau khổ và buồn chán.

Cách tốt nhất để giải thoát chúng ta khỏi nỗi đau này là làm sao để nội tâm chúng ta “giàu có” từ bên trong - tức là sự giàu có về tinh thần. Bởi khi tinh thần “giàu có” thì sẽ không còn chỗ cho sự nhàm chán. Nó khiến trí huệ của chúng ta sáng tỏ và không có giới hạn.

Những điều này sẽ khiến chúng ta tràn đầy năng lượng và tiếp thêm sinh lực cho bạn trong cuộc sống, bạn cũng sẽ không tốn thời gian vào các trò giải trí ngắn hạn để “giết thời gian” và khỏa lấp sự trống trải trong tâm hồn mình.

Của cải tinh thần

Nhưng để có được “của cải tinh thần” này bạn cần có ý chí kiên cường, khả năng cảm thụ và niềm đam mê chân chính. Sự kết hợp của 3 yếu tố này sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng cảm nhận cuộc sống, dù là nỗi đau thể xác hay tinh thần, cho đến sự nhẫn nại khi đối diện với mọi khó khăn mà không chút bất mãn hay phàn nàn.

Điều này khiến nội tâm chúng ta dần thích ứng được với hoàn cảnh sống bên ngoài (những yếu tố khách quan), nghĩa là nội tâm một người sẽ có nền tảng vững vàng để đương đầu với những đau khổ có thể làm chúng ta tổn thương.

Những người có trí huệ thường sẽ tìm kiếm sự tự do trong tâm hồn và không thích vướng vào các rắc rối hay phiền toái của các mối quan hệ. Họ theo đuổi sự yên tĩnh và thư thái, tức là theo đuổi một lối sống yên tĩnh, bình hoà, hồn nhiên và đơn giản, và cố gắng tránh những mối quan hệ có thể mang lại phiền phức, ồn ào.

Ngược lại, một người càng có tinh thần thấp kém và thô tục thì càng thích kết giao nhiều, họ tham gia vào các mối quan hệ “không sâu sắc”. Bởi vì, họ không chịu đựng được sự cô đơn, trống trải và cũng không biết làm gì để lấp đầy sự trống trải đó.

Cuộc sống không phải là ‘những quân bài’

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trò tiêu khiển chính của các cuộc vui và tụ họp là chơi bài. Đó cũng là một kiểu “giao lưu” và tương tác xã hội, nhưng nó đồng thời cũng phá hủy các ý tưởng, khi mọi người không có gì để trao đổi với nhau ngoài những lá bài, và cố gắng giành tiền của nhau.

Công bằng mà nói, chơi bài ấy cũng không phải dễ. Bạn cũng phải học cách che đậy cảm xúc, để đối phương mất cảnh giác và khó phán đoán khi nhìn sắc mặt bạn. Chính vì lẽ đó mà đánh bài cũng là một hành vi băng hoại đạo đức, vì mục đích của nó là tận dụng mọi thủ đoạn, sự khéo léo để giành lấy những gì thuộc về người khác.

Thói quen học hỏi và tiếp thu những “mánh khóe” trong mỗi ván bài này sẽ bắt rễ và lan rộng trong cuộc sống thực của mọi người.

Trong công việc hàng ngày, người ta sẽ dần coi trọng những thứ “của tôi”, và mong muốn chiếm hữu những gì “của bạn” - họ sa vào những ván bài của cuộc đời, hành động theo thói quen chơi bài và nghĩ rằng mình có thể sử dụng tất cả những lợi thế mà mình biết để có được điều mình muốn, miễn là không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng mọi phúc phận trên đời đều là những “phẩm chất cao quý” bên trong tâm hồn, đặc biệt là những tài năng xuất chúng. Cho dù những phẩm chất này không nhất thiết sẽ cho chúng ta một cuộc sống giàu sang huy hoàng.

Nếu một người được số mệnh ban tặng cho món quà trí tuệ, anh ấy phải đảm bảo rằng những phẩm chất cao quý bên trong tâm hồn mình không bị cản trở. Muốn vậy, người ấy phải có được sự tự do trong tư duy và duy trì trạng thái thanh tĩnh - bằng cách kiểm soát ham muốn của mình và duy trì sự giàu có về tinh thần.

Người như vậy sẽ không giống như những người khác - vốn chỉ có thể dựa vào thế giới bên ngoài để có được hạnh phúc.

Anh ấy sẽ không lạc lối vì ham muốn địa vị, tiền bạc, sự ưu ái và tán thưởng của thế gian, và sẽ không hy sinh bản thân mình để phục vụ cho thị hiếu thô tục của mọi người.

Trong trường hợp này, anh ấy sẽ làm theo lời khuyên của Horace: “Hy sinh cái tôi bên trong, từ bỏ tất cả hoặc hầu hết sự yên bình của mình vì lợi ích, vinh quang, địa vị, danh vọng bên ngoài là hành vi cực kỳ ngu ngốc”.

Chúng ta hãy xem xét kiểu người phổ biến hơn ở giữa hai thái cực này. Tài năng của họ không quá xuất sắc và nổi trội, nhưng nhìn chung họ vượt trội hơn hẳn những người bình thường. Họ nghiên cứu một môn nghệ thuật nhất định hoặc dành sự quan tâm của mình cho một số ngành khoa học tự nhiên, nhưng không thể toàn tâm toàn ý theo đuổi nghệ thuật và khoa học chân chính.

Chỉ có một số ít những người được gọi là “thiên tài” mới làm được điều như vậy. Những người có cảnh giới tinh thần cao, họ dành toàn bộ thời gian và sự tồn tại của mình để cố gắng thể hiện tư duy độc đáo của họ về thế giới - thông qua văn học, nghệ thuật hoặc triết học.

Vì vậy, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng những người hạnh phúc nhất là những người mà tạo hoá đã ban tặng cho họ những “của cải tinh thần” vô cùng quý giá.

Đông Mai

Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Khi tâm hồn càng trống rỗng, con người càng thích giao lưu và giải trí ‘nghèo nàn’