Britney Spears và cái giá của sự nổi tiếng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có nhiều người thà chấp nhận làm việc gì đó thái quá để được nổi tiếng, hơn là không ai biết đến họ. Với những người ấy, một vài phút nổi tiếng hay thậm chí “tai tiếng” là tất cả đối với cuộc đời họ. Do đó, họ nhiệt tình phô diễn bản thân mình với cả thế giới. Nhưng liệu điều này có thật sự tốt? Bác sĩ Theodore Dalrymple sẽ cho chúng ta một góc nhìn thú vị.

Người nổi tiếng là người tôi chưa từng biết đến

Đối với tôi, “người nổi tiếng” được định nghĩa là người tôi chưa bao giờ nghe đến. Bởi chỉ luôn đặt tâm vào những điều mình thực sự quan tâm, tôi hầu như không biết gì nhiều về thế giới của những người nổi tiếng.

Nhớ lại trước đây, khi tôi thoáng nghe nói đến cái tên “Britney Spears”, tôi không biết cô ấy làm gì để kiếm sống, hay tại sao cô ấy lại nổi tiếng. Cô ấy là một diễn viên, một vận động viên, một ca sĩ hay chỉ đơn thuần là một người có tầm ảnh hưởng?

Trong một chuyến đi đường dài của mình ở Pháp, tôi đã dừng lại ở một trạm dừng chân, và mua một tờ báo. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Britney Spears, qua việc cô ấy đang nỗ lực thoát khỏi quyền quản thúc mà cô phải chịu suốt nhiều năm từ cha mình. Tờ báo dành hẳn ba trang đầu tiên để nói về Britney Spears, như thể nó là một chuyện hết sức quan trọng. Cũng phải công nhận rằng, câu chuyện về cô ấy khá ly kỳ và hấp dẫn.

Họ đăng một tấm ảnh của Britney Spears vào năm 2008, ngay sau khi cô ấy xăm mình và cạo trọc đầu. Theo tờ báo, Britney Spears gửi đi những tấm ảnh trong bộ dạng như thế là nhằm phản đối những người hâm mộ và các tay săn ảnh đã xâm phạm quá mức đến đời tư của cô.

Britney Spears cạo trọc và xăm mình để phản đối những người hâm mộ và các tay săn ảnh đã xâm phạm quá mức đến đời tư của cô (Ảnh: tổng hợp)
Britney Spears cạo trọc và xăm mình để phản đối những người hâm mộ và các tay săn ảnh đã xâm phạm quá mức đến đời tư của cô (Ảnh: tổng hợp)

“Lui về ở ẩn với cuộc sống của riêng mình” có thể là một giải pháp tốt cho một thực tế: những người nổi tiếng như cô ấy sẽ sớm bị lãng quên.

Điều đáng xấu hổ lại trở thành niềm đáng tự hào

Tuy nhiên, ước muốn được nổi tiếng lại thường mạnh mẽ đến mức nó dễ dàng lấn át những bất tiện và tác động tiêu cực mà nó mang lại.

Có nhiều người thà chấp nhận làm việc gì đó thái quá để được nổi tiếng, hơn là không ai biết đến họ. Với những người ấy, một vài phút nổi tiếng hay thậm chí “tai tiếng” là tất cả đối với cuộc đời họ. Do đó, họ nhiệt tình phô diễn bản thân mình với cả thế giới.

Lần đầu tôi nhận ra điều ấy là cách đây hơn 20 năm, khi một công ty truyền thông biết được rằng tôi đã không xem ti-vi trong suốt 30 năm. Họ hỏi tôi liệu tôi có đồng ý xem lại ti-vi trong một tuần, rồi báo cho họ biết về những ấn tượng mà tôi có được. (Thời ấy, việc không xem ti-vi bị coi là điều bất thường trong cuộc sống).

Họ lắp cho tôi một cái ti-vi và tôi đồng ý lời đề nghị của họ với một điều kiện - họ phải mang nó đi sau khi hết một tuần.

Tôi đã bật ti-vi sau 30 năm gián đoạn. Chương trình đầu tiên mà tôi xem là một trong những chương trình phô diễn sự suy bại các giá trị xã hội, để thu hút những khán giả khó tính.

Trong chương trình này, một người mẹ trung lưu than thở rằng ba cô con gái của bà, ở độ tuổi 12, 13 và 14, đã bỏ nhà đi bụi, nghiện hút ma túy và trở thành gái mại dâm. Tôi biết các chủ đề dạng này luôn hấp dẫn một số người.

Các nhà sản xuất chương trình đã chiếu một số cảnh mà họ quay được từ các cô con gái hút ma túy và bán dâm ở độ tuổi vị thành niên ấy. Và khi các cô xuất hiện ở cầu thang của phim trường, khán giả trường quay đã nhiệt liệt chào đón họ. Rồi chăm chú theo dõi cảnh họ mắng nhiếc mẹ mình, vì đã bỏ bê họ như thế nào.

Tất nhiên, khi xem cảnh này tôi vừa cảm thấy bị cuốn hút vừa kinh hoàng nhận ra rằng, thật dễ khiến người ta đắm chìm vào những thể loại chương trình như thế này. Tệ hại hơn là người ta dễ cảm thấy mãn nhãn mà theo dõi chúng hàng giờ liền. Phải chăng không còn cách nào thư giãn tốt hơn, khi vừa có thể thưởng thức những trò bại hoại của xã hội, vừa nhấm nháp một món ăn hay thức uống nào đó?

Cách bệnh viện nơi tôi làm việc không xa, có một người đàn ông béo phì nghiện rượu, ông ấy thường hay gọi xe cứu thương đến. Và khi xe cứu thương đến nơi, ông thường chửi rủa họ và đuổi họ đi, vì giờ ông không cần đến sự trợ giúp của họ nữa.

Sống chung với ông ấy là 3 người con gái, cũng béo phì và tất cả họ đều mang thai đơn tính từ tinh trùng của cùng một người đàn ông. Vì họ quá mập nên không thể lập gia đình, và chính việc có con sẽ giúp họ trục lợi từ trợ cấp an sinh xã hội.

Một đài truyền hình biết được thông tin này. Họ đã trả cho 3 cô con gái một số tiền để họ xuất hiện trên ti-vi. Số tiền ấy khá lớn đối với gia đình họ, và việc được xuất hiện trên ti-vi như thế là điều khiến họ tự hào và hạnh phúc.

Từ trước tới giờ, lần xuất hiện trên ti-vi này như một mốc son cho sự tồn tại của họ, và có lẽ họ sẽ mang theo nó trong suốt phần đời còn lại của mình. Thế là, điều đáng xấu hổ lại trở thành niềm tự hào.

‘Tôi nổi tiếng, nên tôi tồn tại’

Khi sự phô diễn là một phương tiện để đạt được thành tựu (và đối với nhiều người đó là phương tiện duy nhất để đạt được thành tựu), thì hầu như việc phô diễn nơi công cộng này sẽ là kết quả “không có gì quá ngạc nhiên”, hoặc có thể nói là “quá hợp lý”. Những hành vi từng bị coi là kỳ quặc trước kia, thì giờ đây lại trở nên phổ biến hơn bao giờ hết - miễn là nó có thể thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Trong thời đại người ta cuồng được nổi tiếng, việc không được chú ý “không thể tồn tại”. Đối với những người ấy, việc không nổi tiếng hay không được chú ý, ngay cả trong một nhóm nhỏ, là một điều sỉ nhục.

Đối với người nổi tiếng, việc tồn tại một cách vô hình ấy là một sự thất bại và là điều tồi tệ nhất của số phận, dù biết rằng đôi khi việc không được chú ý lại là điều tốt.

Nếu nhà triết học Descartes còn sống đến nay, có thể nào ông sẽ nói rằng: "Tôi nổi tiếng, nên tôi tồn tại", thay vì: "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" như ông từng khẳng định?

Nổi tiếng ‘vô nghĩa’ bằng mọi giá

Bản thân việc nổi tiếng đã trở thành điều đáng ao ước, nhưng nó lại không liên quan đến những thành tựu chân chính giúp họ được nổi tiếng đúng nghĩa.

Do tôi chưa bao giờ chủ đích nghe bất kỳ bài hát nào của Britney Spears, nên tôi không thể bình luận về việc cô ấy có xứng đáng với sự nổi tiếng của mình hay không.

Tôi có chút nghi ngờ vì sự nổi tiếng của cô ấy, cũng có thể là tôi đánh giá sai. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tên các bài hát của cô ấy mà bài báo nói đến, đã ngụ ý thể hiện sự mong muốn nổi tiếng của cô trước công chúng.

Đối với cá nhân tôi, việc Britney bị kìm kẹp và quản thúc thật sự là điều rất tồi tệ. Cô ấy dường như không còn là một cô gái đã trưởng thành, mà thay vào đó là một con thú đang biểu diễn trong một rạp xiếc. Mặc dù Britney Spears thường hay có hành vi tự hủy hoại bản thân mình, nhưng đó là một quyền của con người, và không thể bị coi là cơ sở để trừng phạt cô ấy vô thời hạn, hoặc để áp đặt việc giám sát pháp lý lên cô ấy.

Có thể nói một vài hành vi điên rồ của cô ấy là lời biện minh cho việc cô ấy phải gánh chịu sự giám sát quá mức từ người cha. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy, những hành vi điên rồ này lại hoàn toàn không phù hợp với sự nghiệp huy hoàng mà cô ấy đã có.

Sự bất lực trong cuộc sống của Britney Spears ngày càng trở nên lớn mạnh và cô ấy đã thể hiện sự bất lực đó ngày một nhiều. Với chút kiến thức về y tế và tâm lý học của mình, tôi hiểu rằng nếu tần suất “cảm thấy bản thân mình quá bất lực” như thế xuất hiện ngày càng nhiều, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Một lý do giải thích cho việc lan tràn những giá trị kém cỏi này là “sự khát khao nổi tiếng bất chấp các giá trị khác”. Con người dễ dẫn đến những hành vi rối loạn ý thức, mất kiểm soát bản thân, khi luôn muốn đạt được sự nổi tiếng “vô nghĩa” này bằng mọi giá. Và nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, thì một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ cần được đặt dưới sự quản thúc.

Tác giả bài viết - ông Theodore Dalrymple là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông là biên tập viên cộng tác của Tạp chí Thành phố New York (the City Journal of New York) và là tác giả của 30 cuốn sách, trong đó có cuốn “Cuộc đời ở dưới đáy” (Life at the Bottom). Cuốn sách mới nhất của ông là “Cấm vận và Những câu chuyện khác” (Embargo and Other Stories).

Bài viết thể hiện quan điểm riêng ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Hoa Long

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Britney Spears và cái giá của sự nổi tiếng