Xuất hiện 3 ổ bệnh bạch hầu, vì sao phải cách ly hàng trăm hộ dân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh bạch hầu đột nhiên xuất hiện liên tiếp ở một số khu vực khiến có trường hợp tử vong và phải cách ly toàn bộ dân cư. Vậy bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Cách ly cả khu vực sau 1 ca tử vong

Ngành y tế tỉnh Đắk Nông đang phải cách ly 355 người dân sau khi phát hiện ổ bệnh bạch hầu thứ 2 khiến 1 cháu nhỏ tử vong, theo truyền thông trong nước đưa tin.

Ổ bệnh tại đội 2, thôn 6, xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) mới xuất hiện 3 ngày nay. Đây là ổ bệnh thứ 2 tại tỉnh Đắk Nông.

Tại ổ dịch xã Quảng Hòa có 2 học sinh dương tính là cháu Sùng Thị Hoa và cháu Ma Văn Thành, cùng 9 tuổi, là hàng xóm, hay tiếp xúc với nhau. Trong đó, cháu Hoa đã không qua khỏi còn cháu Thành hiện đang được cấp cứu. Hiện nay, cháu Thành đang trong tình trạng nặng và đang được tích cực điều trị.

Sau đó, Sở Y tế Đắk Nông đã thực hiện khử khuẩn 100% các hộ gia đình tại đội 2, tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn và trạm y tế xã Quảng Hòa. Ngành y tế cũng điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắcxin phòng chống dịch cho khoảng 550 người từ 7 tuổi tới dưới 40 tuổi quanh khu vực. Địa phương cũng lập 2 đội chốt chặn, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch.

3 ổ bệnh bạch cầu liên tiếp trong tháng 6

Đồng thời, từ ngày 20/6 đến nay, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 14 trường hợp (gồm 13 trẻ em và 01 người lớn 65 tuổi) chuyển đến từ 3 ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông (2 ổ dịch ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong và 01 ổ dịch ở xã Đắk Sô, huyện Krông Nô), theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk.

Qua kiểm tra, xét nghiệm đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu là 01 trẻ em và 01 người lớn 65 tuổi. Hai bệnh nhân này mắc bệnh bạch hầu ác tính viêm cơ tim cấp tính rất nặng. Các trường hợp còn lại đang được theo dõi tại một khu cách ly riêng biệt và lấy mẫu xét nghiệm.

Trước đó, ngày 14/6, tại Trung tâm Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cũng có 4 trường hợp từ 9-15 tuổi dương tính với bệnh bạch hầu. Các bé khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói.

Tính đến nay có sáu trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu ở ba ổ bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Việc xác định nguồn lây bệnh đang gặp khó khăn vì các trường hợp mắc bệnh đều không di chuyển khỏi địa phương (14 ngày theo quy định).

Trước đó, vào tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng xuất hiện một ổ dịch bạch hầu tại xã Ea H’Dinh, huyện Cư M’gar khiến một trẻ tử vong và 3 người khác bị lây nhiễm.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Sở Y tế Đắk Lắk cho biết bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và lây lan rất nhanh.

Triệu chứng bệnh khá rõ ràng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng lạ như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng hay nổi hạch trắng trong cổ họng. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng phải đi kiểm tra, xét nghiệm để báo cơ quan chức năng sớm dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng.

Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng sáu ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5-10%. Tỉ lệ tử vong có thể cao hơn với trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vì khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Thế giới từng trải qua nhiều đợt bùng phát dịch bạch hầu nghiêm trọng. Năm 1921, Mỹ có hơn 200.000 người nhiễm và 15.500 người tử vong. Năm 1943, Thế Chiến II gây ra đợt bùng phát dịch bạch hầu ở châu Âu với khoảng một triệu ca nhiễm và 50.000 người chết, theo Medical News Today.

Những năm 1990, căn bệnh này khiến hơn 80.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong ở Nga. Giai đoạn 2014-2019, dịch bạch hầu cũng bùng phát ở Indonesia, Venezuela, Haiti và cộng đồng người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Xuất hiện 3 ổ bệnh bạch hầu, vì sao phải cách ly hàng trăm hộ dân?