Vụ ngộ độc botulinum làm 1 người tử vong, 5 người nguy kịch: Lấy 16 mẫu chả và patê chay để xét nghiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong 2 ngày vừa qua, các cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả (loại đóng gói túi hút chân không) và patê chay để gửi kiểm nghiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện chưa xác định được loại patê chay liên quan vụ ngộ độc làm 6 người nhập viện (trong đó 1 người tử vong) sau bữa ăn tại khu vực miếu Chiêu Liêu ở TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương, do những người nấu nướng đã vứt bỏ vỏ hộp sau bữa trưa ngày 20/3 (bữa trưa có liên quan vụ ngộ độc này).

Ông Phong cho biết, theo báo cáo ban đầu, có rất nhiều loại patê và chả kiểu tương tự ở địa phương, có loại đóng túi hút chân không kiểu kinh doanh hộ gia đình, có loại đóng hộp và có nhãn hiệu, có loại chay, mặn, nhưng trong vụ ngộ độc này, ngành chức năng chú ý tới 2 món là patê chay và chả.

Ông Phong đã yêu cầu các cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra và làm rõ nhanh nhất nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc này.

Trước đó, ngày 25/3, Sở Y tế TP. HCM thông tin mới nhất về chùm ca bệnh 6 người, trong đó 1 người đã tử vong, 5 người nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay.

2 trường hợp đầu tiên nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay là một phụ nữ 53 tuổi (đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP. HCM) trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tuần hoàn hô hấp) và một bé gái 16 tuổi (đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch). Cả 2 trường hợp này đều có cùng bệnh cảnh như nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp… và trước đó đều cùng ăn patê chay.

Về bệnh nhân nữ 53 tuổi, vào trưa ngày 20/3, gia đình có nấu bún riêu chay tại miếu cho nhiều người cùng ăn, trong nguyên liệu thấy có một hộp patê chay đã bị phồng lên.

Đến tối 20/3, bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, nhìn đôi. Ngày 21/3, tình trạng bệnh diễn biến ngày càng nặng, người bệnh nói khó, nuốt khó được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị hôn mê sau ngừng tuần hoàn, hô hấp nghi nhiễm độc pate chay.

Sau 4 ngày nhập viện điều trị, diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân chưa có dấu hiệu cải thiện. Hiện người bệnh hôn mê sâu, phải thở máy qua nội khí quản, kích thích đau không đáp ứng. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực.

Sáng 26/3, sau 3 giờ truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), bệnh nhân nữ 53 tuổi đã cải thiện sức cơ, có biểu hiện nghe hiểu.

Còn trường hợp bệnh nhân nữ 16 tuổi được bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp và phải thở máy, đồng tử dãn 5 mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay).

Bệnh nhân đã được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT lúc 19h30 tối 25/3, 3 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ rõ hơn, đến sáng sớm 26/3, bé có thể rung được cơ đùi, đồng tử 4 mm có phản xạ ánh sáng tốt hơn.

3 trường hợp nguy kịch tiếp theo nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay được ghi nhận trong đêm 25/3 tại Bệnh viện Nhân Dân 115, đều có bệnh cảnh tương tự, cũng ăn bún riêu chay tại Bình Dương cùng với 2 bệnh nhân trên.

Trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm pate chay là chị gái của bệnh nhân 53 tuổi và mẹ của bệnh nhân 16 tuổi ở trên. Bệnh nhân này tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn patê cho độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Hiện bệnh viên Nhân Dân 115 và bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục hồi sức và theo dõi sát tình trạng của các bệnh nhân.

Ngộ độc do độc tố botulinum là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu cứu chữa được cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp, người liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Theo ông Phong, có khoảng 30 người có ăn bữa trưa tại khu vực miếu Chiêu Liêu, bữa trưa liên quan vụ ngộ độc kể trên, hiện có 6 người trong số này nhập viện, 1 người trong đó đã tử vong.


Vụ ngộ độc botulinum làm 1 người tử vong, 5 người nguy kịch: Lấy 16 mẫu chả và patê chay để xét nghiệm