Việt Nam có dấu hiệu thay đổi cách phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất và kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dấu hiệu chuyển hướng phòng dịch ở Việt Nam có thể thấy được qua phát biểu mới đây của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam hôm 24/5.

Ngày 24/5 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với lãnh đạo Bắc Giang và Bắc Ninh - hai tỉnh điểm nóng về dịch. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế đây là những nơi đầu tiên trực tiếp phòng chống dịch bệnh trong khu công nghiệp.

“Chúng ta muốn đưa nhà máy, khu công nghiệp trở lại hoạt động từng phần một thì phải linh hoạt hơn”, ông Đam phát biểu.

Theo Cổng Thông tin của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Đam chỉ đạo rằng nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý thật chặt tại nơi ở - một hình thức cách ly - có xe đưa đến nơi làm việc, bố trí sản xuất an toàn, thì đây là cách tốt hơn việc dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, khu công nghiệp và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung.

“Đây là thực tiễn mà hướng dẫn trước đây không còn phù hợp và phải điều chỉnh”, ông Đam nói, đồng thời nói rằng Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, từ đó rút ra kinh nghiệm, và nếu kết quả tốt, có thể đem áp dụng trên toàn quốc.

Cùng ngày 24/5, nhận định về lý do đằng sau khả năng chuyển hướng phòng chống dịch ở Việt Nam, thể hiện qua phát biểu mới đây của vị phó thủ tướng hôm 24/5, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, nói với VOA:

“Lực lượng lao động ở các khu công nghiệp có số người rất lớn và thường là người lao động nghèo, không có tích lũy, nên nếu đóng cửa, đó là việc rất là gay. Chính vì vậy, đợt này khi xảy ra lây nhiễm ở khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, phó thủ tướng mới phải đưa ra những biện pháp linh hoạt như thế”.

Phó giáo sư-tiến sĩ Ánh phân tích thêm rằng với ưu điểm là nước xuất khẩu nhiều, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chạy theo quán tính có được nhờ các đơn hàng cũ. Song tình hình đó đang đứng trước thách thức. Bà nói:

“Khi nền kinh tế đi xuống, nó không sập ngay mà có một giai đoạn ăn nhờ vào các đơn hàng trước đó. Đến một lúc nào đó mà không còn được nữa, lúc đấy sẽ khó khăn hơn. Hiện nay, trên bề mặt, Việt Nam vẫn ổn, nhưng có lẽ sự chịu đựng cũng không thể quá lâu dài. Kinh tế Việt Nam chắc hẳn không thể chịu đựng được nữa thì chính phủ mới phải đưa ra giải pháp đấy”.

Bà phân tích thêm rằng chủ trương mới của chính phủ cũng vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Trong quan điểm của bà, cách lâu dài là Việt Nam phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phần đông người dân.

Theo thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam, tính trên hơn 96 triệu dân, đến nay mới có hơn 1 triệu liều vaccine được tiêm cho các đối tượng là cán bộ y tế, các nhân viên tuyến đầu khác, và các lực lượng công an, quân đội.

Theo thông tin chính thức của Bộ Y tế Việt Nam, đến giữa ngày 24/5, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam được thống kê là 5.378, trong đó 2.609 người đang được điều trị và 44 ca tử vong.

Theo thông tin từ trang web của Bộ Y tế Việt Nam, trường hợp tử vong mới nhất nhiễm Covid-19 được ghi nhận lúc 4h30 chiều ngày 24/5, là một phụ nữ 38 tuổi, không có bệnh nền, công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang.

Nguyễn Minh

 

 


Việt Nam có dấu hiệu thay đổi cách phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất và kinh tế