Việt Nam, Ấn Độ ký kết 7 thỏa thuận hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự và dầu khí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều 21/12, sau Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết 7 văn kiện, công bố 3 chương trình hợp tác mới.

Theo trang tin của VGP, 2 nước đã ký kết 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, dầu khí, năng lượng sạch, y tế, hợp tác phát triển, bảo tồn di sản và giao lưu văn hoá. Cụ thể như sau:

7 bản ghi nhớ/thoả thuận được ký kết gồm:

  1. Thoả thuận triển khai giữa Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục Sản xuất quốc phòng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ về hợp tác công nghiệp quốc phòng;
  2. Thoả thuận triển khai Dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thuộc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Ngoại ngữ giữa Trường Đại học Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Nha Trang và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam;
  3. Thoả thuận triển khai giữa Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam và Trung tâm Gìn giữ hoà bình Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc;
  4. Bản ghi nhớ về hợp tác an toàn hạt nhân và bảo vệ bức xạ giữa Cục An toàn bức xạ hạt nhân Việt Nam (VARANS) và Ban Pháp quy về Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (AERB);
  5. Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện dầu khí Ấn Độ (CSIR-IIP) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI);
  6. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch giữa Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) và Liên đoàn năng lượng mặt trời Ấn Độ (NSEFI);
  7. Bản ghi nhớ về chữa trị bệnh ung thư giữa Bệnh viện K và Bệnh viện Tata Memorial.

3 chương trình hợp tác Việt Nam - Ấn Độ mới gồm:

  1. Số lượng dự án Tác động nhanh (QIP) hỗ trợ thường niên của Ấn Độ dành cho Việt Nam tăng từ 5 lên 10 từ năm tài khoá 2021-2022.
  2. Các dự án hỗ trợ phát triển mới trong lĩnh vực bảo tồn di sản ở Việt Nam (Nhóm tháp F ở Mỹ Sơn, Thiền viện Phật giáo Đồng Dương ở Quảng Nam và Tháp Nhạn ở Phú Yên).
  3. Khởi động dự án xây dựng Bách khoa toàn thư về liên kết văn hoá, văn minh Việt Nam - Ấn Độ.

Trước đó, tại buổi Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí nỗ lực sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều 15 tỷ USD/năm thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách không có lợi cho xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối các chuỗi sản xuất...

Hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Kết thúc hội đàm, 2 Thủ tướng đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân” để định hướng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong những năm tới.

Việt Nam Chính trị

Việt Nam, Ấn Độ ký kết 7 thỏa thuận hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự và dầu khí