Vì sao Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình bị kỷ luật cảnh cáo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan kỷ luật của Việt Nam vừa đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình vì những vi phạm "nghiêm trọng" khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tin từ Ủy ban kiểm tra Trung ương Việt Nam (UBKTTW) hôm 3/11 cho biết cơ quan này đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị.

Lý do, ông Bình khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự”.

UBKTTW khẳng định “những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân ông”.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKTTW đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình.

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Bình

Bộ Chính trị Việt Nam quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bằng hình thức cảnh cáo, theo thông báo ngày 6/11.

Thông báo cho biết, ông Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Ông Bình cũng vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm, theo báo Thanh niên đưa tin.

Bộ Chính trị cũng cho rằng, ông Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.

Ngoài ra, ông Bình đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc khi không báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng. Không báo cáo đầy đủ và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền".

"Ông Nguyễn Văn Bình cũng đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự", thông báo cho biết.

Quá trình làm việc của ông Nguyễn Văn Bình

  • Sinh năm 1961 tại Phú Thọ, ông Bình là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa XI, XII và Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
  • Sự nghiệp của ông Bình gắn bó trong ngành ngân hàng, bắt đầu làm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ 1986.
  • Ông Bình giữ trọng trách Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Hà Nội trong 4 năm (1998-2001).
  • Sau đó, ông Nguyễn Văn Bình sang Nga với vai trò Phó chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB) tại nước này.
  • Về nước năm 2005, ông Nguyễn Văn Bình làm Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Năm 2011, ông Bình được Quốc hội phê chuẩn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Năm 2016, ông Bình được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tới nay.

Ngân hàng 0 đồng

Hồi cuối tháng 8/2020, chính trường Việt Nam đã đề cập tới các vấn đề bất cập xảy ra dưới thời của ông Bình làm Thống đốc, đặc biệt là về Ngân hàng 0 đồng.

Trước đó, khoảng tháng 3/2015, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc một số ngân hàng với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng Xây Dựng (VNCB, nay đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Tức là NHNN phải mua lại các ngân hàng này và cơ cấu lại.

Hiện nay, cổ đông lớn hoặc lãnh đạo của các ngân hàng này hầu hết đang bị giam giữ như: Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Tạ Bá Long, Đoàn Văn An…. Đến nay, các ngân hàng trên vẫn trong quá trình tái cơ cấu, thu hồi nợ xấu để giảm lỗ lũy kế.

Liệu có liên quan đến vụ án Trần Bắc Hà?

Ngay trước khi ông Bình bị đề xuất kỷ luật, từ ngày 12/10 - 2/11, Tòa án thành phố Hà Nội đưa vụ án cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà ra xét xử sơ thẩm.

Dù ông Hà đã chết, không bị xem xét trách nhiệm hình sự nữa, nhưng theo Hội đồng xét xử, ông Hà bị xác định là người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho BIDV. Trong vụ án, ông Trần Bắc Hà bị xác định vi phạm pháp luật dẫn tới thất thoát tiền của BIDV nên cần tiếp tục kê biên tài sản của ông Hà để xử lý các khoản nợ.

Đối với bị cáo Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, hiện vẫn đang bỏ trốn nên chưa bị xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng phải tiếp tục kê biên tải sản để xử lý.

Tháng 7/2019, ông Trần Bắc Hà tử vong trong trại giam vì "bệnh hiểm nghèo" nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra bị can.

Trong cuộc phỏng vấn của đài RFA tháng 11/2018, một nguồn tin cho biết ông Trần Bắc Hà và ông Nguyễn Văn Bình đã từng hình thành "một trục" chi phối nền kinh tế - chính trị ở Việt Nam.

Ông Trần Bắc Hà được xem là người quyền lực nhất ở BIDV trong một thời gian dài và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BIDV - một trong 4 ngân hàng nguồn gốc quốc doanh có ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính.

Hồi tháng 8/2017, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) rúng động, các cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. Cổ phiếu của Ngân hàng BIDV giảm sàn sau khi có tin đồn cựu chủ tịch Trần Bắc Hà bị bắt. Tin đồn sau đó được bác bỏ nhưng cổ phiếu BIDV vẫn “trắng bên mua”. Vốn hóa trên TTCK bốc hơi tổng cộng 1,8 tỷ USD với hầu như toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng tụt giảm mạnh. Đến cuối tháng 11/2018, ông Trần Bắc Hà chính thức bị bắt giữ.

Phát biểu gần đây của ông Nguyễn Văn Bình

Hôm 24/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định với báo giới rằng "mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn".

"Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự phân công và dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số Nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc, đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội, cho phát triển lực lượng sản xuất", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Vì sao Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình bị kỷ luật cảnh cáo?