Vì sao công ty Huê Phong phải sa thải hàng ngàn công nhân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty Huê Phong đã gặp khó khăn thế nào khi sa thải hàng ngàn công nhân? Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công ty ra sao?

Gần đây, một video lan truyền trên mạng cho thấy cảnh ban lãnh đạo công ty Huê Phong cúi đầu xin lỗi trước nhân viên, khi thông báo cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc.

Huê Phong là công ty sản xuất giày dép có tiếng ở TPHCM, địa chỉ tại 225 Phạm Văn Chiêu, P.14, quận Gò Vấp. Công ty được thành lập từ ngày 19/10/1992, có khoảng hơn 4.700 nhân viên, sản xuất chủ yếu là giày da xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Mỹ.

Ngày 16/5 vừa qua, công ty đã phải giải quyết chế độ cho 2.200 công nhân tại TP. HCM nghỉ việc theo các quy định pháp luật.

Hôm 25/5, ông Nguyễn Quang Hưng, trưởng phòng nhân sự của Công ty cổ phần giày da Huê Phong, cho biết thêm tình hình khó khăn của công ty trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi trẻ.

Khó khăn bất ngờ vì dịch bệnh

Ông Hưng cho biết, sau tết công nhân công ty Huê Phong vẫn trở lại nhà xưởng làm việc bình thường nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra, công ty gặp khó khăn do nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Sau khi dịch lan rộng đến châu Âu và Mỹ, trong khi khách hàng chính của công ty lại chủ yếu ở khu vực này, nên đơn hàng của công ty bị hủy nhiều. Nhiều khách hàng không biết khi nào họ sẽ khôi phục lại đơn hàng nên công ty buộc lòng phải cắt giảm lao động.

Tình hình diễn ra khá bất ngờ, ngoài dự tính của lãnh đạo công ty Huê Phong. Trước tết, công ty vẫn cho người đi một số địa phương để tuyển dụng thêm lao động.

Về thông tin lan truyền rằng công ty Huê Phong giải thể, chuyển cơ sở về Trà Vinh, ông Hưng cho biết: "Chúng tôi chỉ có một cơ sở duy nhất tại Gò Vấp, TP. HCM. Công ty ở Trà Vinh và Huê Phong chỉ là các đơn vị cùng ngành và cùng làm đơn hàng cho một khách hàng nên có mối liên quan."

Vì vậy, công ty Huê Phong không có phương án chuyển lao động về Trà Vinh để làm việc như thông tin lan truyền.

Chi hơn 68 tỉ đồng giải quyết chế độ cho công nhân

Hôm 24/5, lãnh đạo Công ty Huê Phong khẳng định: "Công ty không phải phá sản hoặc giải thể, mà chỉ thu hẹp sản xuất". Số lao động tiếp tục làm việc là 2.354 người.

Công ty đã chi trả chế độ trợ cấp mất việc cho những công nhân làm việc từ năm 2008 trở về trước, chốt sổ bảo hiểm xã hội để công nhân thực hiện bảo hiểm tự nguyện. Tổng số tiền công ty chi trả trợ cấp mất việc là 52 tỉ 747 triệu đồng cho 2.222 lao động.

Công ty cũng trả lương đầy đủ cho công nhân trong thời gian thông báo 30 ngày cho công nhân nghỉ việc (từ ngày 16/5 đến 15/6). Tổng số tiền công ty trả lương là 15 tỉ 709 triệu đồng.

Hiện tại chỉ sản xuất cầm chừng

Công ty Huê Phong đã sản xuất ở Việt Nam từ năm 1996, tới nay đã có 24 năm hoạt động. Lãnh đạo công ty khẳng định nếu trong thời gian tới khách hàng khôi phục lại và tiếp tục có đơn hàng thì vẫn tiếp tục sản xuất. Hiện tại công ty chưa có hướng chuyển sản xuất sang lĩnh vực khác.

Hiện nay Huê Phong đang làm đơn hàng cũ, còn những đơn hàng mới thì đối tác chưa trả lời cụ thể. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, công ty sẽ phải cắt giảm thêm khoảng 500 lao động nữa, ông Hưng cho biết.

Trước đây, Huê Phong sản xuất khoảng 17 triệu USD/năm nhưng từ tết tới giờ chỉ hoạt động cầm chừng. Khó khăn hiện là khó khăn chung của cả thế giới nên việc đi tìm thị trường mới cũng chưa có gì khả quan, ông Hưng nói.

Về vấn đề đầu vào nguyên liệu, Huê Phong cũng đã nghĩ đến khả năng nhập từ các thị trường khác như Ấn Độ. Tuy nhiên vấn đề đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đang gặp khó khăn nhất.

Dịch Covid-19 vẫn đang có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động hoặc đi đến quyết định giải thể do gặp khó khăn trong kinh doanh.

Xem thêm:

Việt Nam

Vì sao công ty Huê Phong phải sa thải hàng ngàn công nhân?