Vì sao Bộ Y tế Việt Nam công bố ca tử vong, ca nhiễm chậm hơn các địa phương?

Giúp NTDVN sửa lỗi

UBND TP. HCM trong cuộc họp ngày 14/7 ghi nhận số ca tử vong tại thành phố đợt dịch thứ 4 lên 130, trong khi Bộ Y tế mới công bố 32 ca và số tử vong tính trên cả nước là 103. Ngày 7/7, khi CDC Đồng Tháp ghi nhận số ca tử vong lên 10 trong vòng 12 ngày, thì số Bộ Y tế công bố chỉ mới 3 ca.

Ngày 15/7, giải thích về việc Bộ Y tế Việt Nam thường công bố các ca dương tính mới và các ca tử vong do COVID-19 chậm hơn các địa phương, một đại diện Bộ Y tế Việt Nam (không muốn nêu tên) cho biết, hiện Bộ có 2 hệ thống phần mềm.

Hệ thống thứ nhất là phần mềm quản lý các ca mắc mới do Cục Y tế dự phòng phụ trách. Tất cả các ca sau xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố cập nhật lên hệ thống đó. Phần mềm này sẽ cấp mã số cho từng ca bệnh. Sau khi có mã số kèm theo các yếu tố dịch tễ của ca bệnh, Bộ Y tế mới có đầy đủ dữ liệu để công bố.

"Việc hoàn thiện dữ liệu ca bệnh này phụ thuộc rất nhiều vào CDC các tỉnh, thành phố. Hiện, một số địa phương bùng phát dịch, mỗi ngày có vài trăm ca bệnh, các nhân viên thu thập thông tin dịch tễ và cập nhật dữ liệu thực sự bị quá tải, không cập nhật được đầy đủ. Khi có kết quả xét nghiệm các ca dương tính, lãnh đạo tỉnh, thành phố có thể biết ngay tổng số ca mắc mới ở địa phương mình. Thế nhưng, khi CDC đẩy thông tin lên hệ thống của Bộ Y tế thì phải có điều tra dịch tễ. Đây là lý do khiến việc công bố các ca bệnh bị chênh lệch về thời gian", đại diện Bộ Y tế lý giải.

Hệ thống thứ 2 là theo dõi tình hình điều trị bệnh nhân của Cục Quản lý khám, chữa bệnh. Hệ thống này hiển thị các cơ sở điều trị, tình trạng nặng, nhẹ của bệnh nhân, các ca hồi phục, ca tử vong... Khi có ca tử vong, quy trình công bố sẽ giống như công bố các ca dương tính nhưng chi tiết hơn, như xác định nguyên nhân tử vong. Thông thường khi có ca tử vong, hội đồng chuyên môn của bệnh viện cần họp để xác định nguyên nhân. Do đó, để đẩy thông tin ca tử vong lên hệ thống của Bộ Y tế thì lại mất thời gian. Trong khi nếu có bệnh nhân tử vong, lãnh đạo cơ sở điều trị sẽ biết ngay để báo cáo lên sở y tế và UBND các tỉnh, thành phố.

Hiện, Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã yêu cầu CDC các tỉnh, thành và các cơ sở điều trị đẩy nhanh tốc độ báo cáo và cập nhật số liệu nhanh chóng, đầy đủ, chính xác trên hai hệ thống quản lý này của Bộ Y tế.

Tính đến ngày 14/7, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố 138 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, các tỉnh, thành đã có 104 bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Phim Tài Liệu: Truy tìm nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán


Vì sao Bộ Y tế Việt Nam công bố ca tử vong, ca nhiễm chậm hơn các địa phương?