Tự mua cồn về đốt thử, bé trai 10 tuổi ở Quảng Ninh bị bỏng nặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bé Đ.D.H. (10 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) bị bỏng cồn nặng, vừa được cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, bé H. xem một đoạn clip hướng dẫn trên mạng, sau đó tự mua cồn về đốt thử bằng bật lửa. Sau khi đốt, ngọn lửa lập tức bùng lên khiến bệnh nhi bị bỏng toàn bộ vùng tay và mặt.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng có nhiều nốt dạng phỏng nước vùng mặt, mức độ I-II, diện tích khoảng 1%.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được làm sạch, cắt lọc bề mặt da diện bỏng hoại tử, đắp gạc tẩm silvirin diện bỏng và băng bỏng. Sức khỏe bệnh nhi ổn định, đang được điều trị bỏng tại Khoa Ngoại và Chuyên khoa.

Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu, khoa Ngoại và Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khuyến cáo: Bố mẹ tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước, đồng thời làm rào chắn, nắp đậy hay lấp kín những ao hồ không cần thiết. Các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn. Ổ điện cần có hệ thống chống giật, thiết kế cao, ngoài tầm với của trẻ. Gia đình cũng phải tránh để trẻ chơi với lửa, dụng cụ sắc nhọn...

Ngoài ra, khi không may xảy ra tai nạn, gia đình cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để kiểm tra sớm, xử trí kịp thời nhằm loại trừ nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Xử lý khi bị bỏng cồn

Các bác sĩ khoa Chấn thương – Chỉnh hình & Bỏng cho biết, khi bị bỏng cồn, nếu xử lý kịp thời, vết bỏng sẽ để lại ít di chứng, ngược lại nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, vết bỏng sâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng bỏng do điều trị không đúng cách, sẹo co rút, ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận bị bỏng, tổn thương thần kinh… Vì vậy, khi bị bỏng cồn cần:

  • Nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi đám cháy cồn.
  • Dùng nước để dập lửa, cởi bỏ bớt quần áo, giày dép bị bắt cháy nếu có thể.
  • Ngay sau đó nên xả dưới vòi nước hoặc ngâm vết bỏng trong nước tầm 10-15 phút ngay sau khi bị bỏng (nếu để sau 15-20 phút sẽ không có tác dụng). Bước này cực kì quan trọng để giảm nhiệt độ vết bỏng, ngăn ngừa bỏng tiến triển nặng hơn.
  • Dùng băng gạc quấn lỏng quanh chỗ bỏng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.
  • Nếu bệnh nhân bỏng nặng cần cho bệnh nhân uống nước hay nước orezon để tránh sốc.

Chú ý:

  • Không dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh đắp lên vết bỏng vì các tinh thể đá sẽ làm đông cứng tế bào, gây tổn thương hoại tử ướt, khiến tình trạng bỏng của bệnh nhân càng nặng thêm. Hoại tử do bỏng lạnh không diễn biến mạnh nhưng khiến khả năng bảo tồn khi điều trị vết bỏng khó khăn, thậm chí buộc phải cắt cụt bộ phận bị bỏng.
  • Không bôi kem đánh răng lên vết bỏng vì trong kem đánh răng có chứa kiềm, nếu gặp môi trường thuận lợi như những vết bỏng do nhiệt độ cao gây ra thì có thể xâm nhập vào sâu trong vết thương, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc gây nhiễm trùng ở khu vực bị bỏng, làm vết thương lâu lành hoặc tăng mức độ đau rát của vết bỏng.
  • Không ngâm rửa vết bỏng bằng nước ấm, không đắp các loại mỡ, dầu, nước tương, nước mắm, nước muối dưa cà, trứng gà, đắp thuốc lá, thuốc đông y không rõ nguồn gốc,… vào vùng bị bỏng khi chưa rửa sạch vết thương vì có thể gây nhiễm trùng, khiến da bị hoại tử, gây ảnh hưởng không tốt.
  • Không nên làm trượt loét vết bỏng, bóc bỏ nốt phồng, không nên bôi nghệ tươi hay các loại kem có thành phần nghệ lên vết bỏng để trị thâm vì tỷ lệ dị ứng do nghệ tươi khá cao và nhiều người sau khi bôi nghệ bị đen bóng lâu dài ở vết sẹo, rất khó khắc phục.
  • Không tự điều trị bằng các thuốc tự có hay kinh nghiệm dân gian vì có thể khiến tình trạng bỏng nặng thêm, gây biến chứng khó lường. Người nhà nên đưa bệnh nhân bị bỏng tới bệnh viện để được bác sĩ xác định mức độ tổn thương bỏng và đề xuất phương án điều trị thích hợp.


Tự mua cồn về đốt thử, bé trai 10 tuổi ở Quảng Ninh bị bỏng nặng