Trung Quốc khẩn cấp thu mua - Việt Nam ngừng xuất khẩu gạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 2 năm trầm lắng, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng đột biến, với mức tăng 595% về lượng và 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn (tương đương 37 triệu USD). Điều này trái ngược với năm 2018 và 2019, khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Để biết được lý do vì sao lại có sự tăng đột biến này, cùng NTDVN.COM điểm lại “hành trình” sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020.

Con số ấn tượng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 929.000 tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Điều này trái ngược với năm 2018 và 2019, khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm mạnh (chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã giảm tới 20%).

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác cũng đang có xu hướng tăng cường nhập khẩu gạo, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu và nạn hạn hán đe dọa nguồn cung ở một số nước xuất khẩu gạo quan trọng, nhất là Thái Lan.

Trong bối cảnh đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam đối với các nước có chiều hướng tăng nhanh so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể như: Philippines tăng 13% về lượng và tăng 23% về kim ngạch, Malaysia tăng 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch, Pháp tăng 554% về lượng và 723% về kim ngạch, Đài Loan tăng 215% về lượng và tăng 258% về kim ngạch, Senegal tăng 172% về lượng và tăng 198% về kim ngạch, Nga tăng 218% về lượng và tăng 156% kim ngạch.

Riêng Iraq nhập khẩu 90.000 tấn gạo, tương đương 48 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái Iraq không hề nhập khẩu gạo Việt Nam.

Vì sao Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo Việt Nam?

Có 2 nguyên nhân chính: do dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm và do tập quán tiêu dùng gạo nội địa của đại lục.

1. Dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm:

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng, là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn.

Theo Financial Times, một cuộc khảo sát của Đại học Qufu vào tháng trước dành cho các cán bộ thôn, làng xã ở 1.636 quận Trung Quốc, cho thấy 60% số người (được hỏi) cảm thấy bi quan hoặc rất bi quan về mùa trồng trọt năm nay. Các trang trại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lượng lao động nhập cư và giờ đang chật vật tìm đủ số nhân công sau những ảnh hưởng tác động của lệnh phong tỏa.

Ông Wang Heqing, chủ một trang trại rộng 94 ha ở phía Nam tỉnh Quảng Đông cho biết, 80% công nhân của mình đang bị mắc kẹt tại nhà ở tỉnh Quý Châu do những hạn chế đi lại. Ông nói: “Tình trạng thiếu lao động đã giáng đòn mạnh vào các trang trại trồng rau ở Quảng Đông, chúng tôi phải khéo xoay xở với những gì mình có”.

Theo Financial Times, người nông dân cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phân bón và hạt giống, đặc biệt ở tỉnh Hồ Bắc - nơi sản xuất phân bón lớn nhất cả nước và cũng là tâm dịch của coronavirus. Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sản xuất Nông nghiệp Beifeng - một “đại gia” phân phối phân bón cho biết, các tỉnh phía Đông Bắc của Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn sản lượng ngũ cốc của cả nước, đang phải đối mặt với sự thiếu hụt 1,3 triệu tấn phân lân, tương đương 40% lượng tiêu thụ hằng năm, do bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa.

Ngoài việc phải đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc còn phải đối mặt với một “thảm họa kép” - cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra bởi nạn châu chấu sa mạc đang áp sát biên giới nước này.

Trung Quốc đang lo lắng phải “căng mình” chống đỡ với đàn châu chấu khổng lồ có khả năng sẽ tràn qua biên giới, sau khi chúng đã “càn quét” một loạt các nước tại châu Phi, Pakistan và Ấn Độ, gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp. Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng, có khả năng đàn châu chấu khổng lồ này sẽ xâm nhập Trung Quốc vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Bắc Kinh đã phải triệu tập một đội đặc nhiệm chuyên theo dõi, kiểm soát nhằm ngăn chặn loài côn trùng phàm ăn này.

Năm 2019, nền nông nghiệp Trung Quốc đã phải trải qua một năm đầy khó khăn sau nạn sâu keo tấn công trên 1 triệu ha đất nông nghiệp. Tiếp theo là dịch tả lợn châu Phi khiến hơn một nửa trong số 440 triệu con heo trên toàn Trung Quốc phải bị tiêu hủy.

Đến năm 2020, nạn châu chấu có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc vào nguy cơ khủng hoảng sau dịch bệnh Covid-19. Châu chấu là loài gây hại lâu đời nhất và có tính tàn phá lớn với mùa màng, đồng cỏ và thực vật.

Theo Liên Hợp Quốc, số lượng châu chấu trên mỗi kilomet vuông có thể lên tới 40 triệu con, chúng có thể bay 150km mỗi ngày và ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người chỉ trong một ngày. Các nhà phân tích nói rằng sản lượng nông nghiệp giảm mạnh, đặc biệt là ngũ cốc, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát giá lương thực vốn đã đạt tới 21,9% vào tháng Hai - mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Theo Financial Times nhận định, điều này sẽ đặt ra một thách thức chính trị khác cho ĐCSTQ, vốn đang phải đối mặt với cáo buộc che đậy sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Một học giả ở Bắc Kinh nhận xét: “Người Trung Quốc có thể chỉ càu nhàu khi giá thịt lợn tăng gấp đôi, nhưng họ sẽ nổi dậy chống lại ĐCSTQ nếu giá gạo tăng vọt”.

2. Tập quán tiêu dùng gạo nội địa:

Về tổng thể, sản lượng gạo của Trung Quốc vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào tháng 3/2020 cho biết, dự báo sản lượng gạo năm thị trường 2019/2020 (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020) của Trung Quốc là 146,7 triệu tấn, trong khi tổng nhu cầu nội địa vào khoảng 143 triệu tấn.

Cũng theo USDA, tồn kho gạo năm thị trường 2019/2020 của Trung Quốc vào khoảng 117,7 triệu tấn, chiếm tới gần 70% lượng gạo tồn kho toàn cầu. Năm ngoái, Trung Quốc xuất 2,5 triệu tấn, tăng 40% và nhập 2,1 triệu tấn, giảm 25% so với năm 2018. Trong năm thị trường 2019/2020, Trung Quốc có thể sẽ xuất khẩu 3,3 triệu tấn gạo và nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn.

Trung Quốc đang xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm và nhiều khả năng sẽ vươn lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 5 thế giới trong năm nay. Nhưng gạo xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là gạo trắng hạt dài và hạt vừa, được dự trữ theo chính sách tăng giá thu mua tối thiểu của Chính phủ Trung Quốc. Trong mấy năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức đấu thầu bán gạo dự trữ với giá thấp. Vì vậy, các công ty Trung Quốc sau khi mua được gạo dự trữ đã đẩy mạnh xuất khẩu với giá rất rẻ sang các nước châu Phi.

Tuy nhiên, theo chiều hướng ngược lại, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm, bởi người dân nước này thích ăn gạo mới hơn là gạo cũ tồn kho. Đó là lý do vì sao mỗi năm Trung Quốc cùng lúc xuất khẩu nhưng cũng như nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng này.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, nhu cầu tích trữ lương thực của người dân Trung Quốc tăng lên, hệ thống logistics (hệ thống chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng) nội địa bị gián đoạn bởi các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại; nhiều nước xuất khẩu lớn đang gặp khó khăn về nguồn cung do hạn hán…

Trung Quốc đã quay lại nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều hơn sau một năm (2019) rất “trầm lắng” (sản lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2019 giảm tới 64,2% về lượng và 64,82% về giá trị so năm 2018).

Việt Nam có nên xuất khẩu gạo số lượng lớn như hiện nay?

Trước con số tăng trưởng xuất khẩu “khủng” sang Trung Quốc như nêu trên, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên hạn chế xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang gia tăng ở trong nước. Đặc biệt, khi nạn hạn mặn ở các tỉnh miền Tây đang gây ảnh hưởng đến sản lượng lúa, cũng đã tạo nên tâm lý hoang mang cho người dân.

Tuy nhiên, khi so sánh dữ liệu thống kê về tình hình xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc, sự sụt giảm sản lượng lúa năm 2016 (năm thiệt hại nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây bởi nạn hạn mặn) với kết quả của năm 2020, thì vấn đề đặt ra ở đây là: Liệu Việt Nam có nên hạn chế xuất khẩu gạo sang Trung Quốc hay không?

Cụ thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, vụ Đông Xuân năm 2015-2016, Đồng bằng sông Cửu Long - nơi cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thì có đến 405.000 ha diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn, nhưng tổng lượng gạo xuất khẩu riêng sang Trung Quốc vào năm 2016 vẫn lên tới 1,7 triệu tấn.

Một nông dân đang làm việc trên một cánh đồng lúa bị hạn hán vào ngày 4/5/2016 tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam.
Một nông dân đang làm việc trên một cánh đồng lúa bị hạn hán vào ngày 4/5/2016 tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam. (Ảnh: Getty)

Còn vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 39.000 ha diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn (chỉ bằng 9,6% diện tích thiệt hại của năm 2015-2016), tức thiệt hại năm 2019-2020 ít hơn 2015-2016 khoảng 366.000 ha. Trong khi lượng gạo xuất sang Trung Quốc vào 2 tháng đầu năm 2020 chỉ mới đạt hơn 66.000 tấn, nghĩa là khoảng 33.000 tấn/tháng, vẫn thấp hơn năm 2016 với mức trung bình xuất khẩu gạo hơn 141.000 tấn/tháng (1,7 triệu tấn/năm).

Theo báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn Việt Nam cho biết, sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm (gồm toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước) dự kiến đạt 20,1 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc là 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 13,2 triệu tấn. Riêng 6 tháng cuối năm, dự kiến cả nước thu hoạch trong vụ Hè thu, vụ mùa, vụ Thu đông với toàn bộ toàn bộ sản lượng là 23,4 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.

Báo cáo cũng nêu rõ, kế hoạch vụ Thu đông năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ duy trì diện tích canh tác là 750.000 ha. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu lại tăng 3,7 triệu tấn.

Qua số liệu so sánh như nêu trên, rõ ràng cơ hội để Việt Nam có thể tăng xuất khẩu sang Trung Quốc là khá lớn. Tuy vậy, với tình hình dịch bệnh có khả năng diễn biến leo thang sẽ dễ dẫn tới những hệ lụy sau: Hạn chế việc đi lại của người dân; tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu trong nước; không thể nhập các mặt hàng này từ Trung Quốc do hạn chế giao thương trong mùa dịch; thương lái ngừng thu mua... Tất cả những điều này có thể khiến ngành nông nghiệp của Việt Nam rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.

Do đó, với diễn biến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang khó lường như hiện nay, Việt Nam cũng nên cân nhắc kỹ về việc xuất khẩu gạo, cũng như số lượng gạo được phép xuất khẩu, bởi vấn đề an ninh lương thực là một yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia.

Vì vậy, hôm nay Tổng cục Hải quan đã gửi công điện hỏa tốc đến các Cục hải quan tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3/2020. Đây được đánh giá là một quyết định đúng đắn của Chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực và trấn an người dân trong bối cảnh dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài với những diễn biến phức tạp khó lường như hiện nay.

Mộc Trà (tổng hợp)

Theo dantri.com.vn, nongnghiep.vnssi.com.vn


Trung Quốc khẩn cấp thu mua - Việt Nam ngừng xuất khẩu gạo