TP.HCM: Lập Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, cán bộ chính quyền được đi làm theo khung giờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở Y tế TP. HCM vừa có văn bản gửi TP. Thủ Đức và các quận huyện về việc triển khai thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Theo Sở Y tế, Tổ này do UBND cấp xã, phường, thị trấn lập, chịu sự điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn từ Trạm Y tế địa phương hoặc Trạm Y tế lưu động trên địa bàn.

Nhiệm vụ chính của Tổ chăm sóc là quản lý, theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà. Ngoài ra, sở Y tế cũng yêu cầu Tổ triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19 tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ cấp phát thuộc cấp phát thuốc mạn tính cho người dân trên địa bàn,…

Mỗi tổ chăm sóc dự kiến sẽ quản lý và chăm sóc từ 10 đến 20 F0. Các địa phương căn cứ số F0 tại mỗi phường, xã, thị trấn để lập đủ Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 theo quy định.

Tổ chăm sóc có ít nhất 3 người. Tổ trưởng là bí thư chi bộ/tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban quản lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó là 1 nhân viên y tế. Thành viên là người đang sinh sống trong tổ dân cư. Những người tham gia cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, trừ F0 đã khỏi bệnh.

Tổ chăm sóc có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để đảm bảo kết nối với F0. Tổ chăm sóc cần trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy/túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân...

Cán bộ cơ quan Đảng, chính quyền được đi làm theo khung giờ

Ngày 22/9, thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP, ký văn bản cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận được đi từ nơi ở đến trụ sở làm việc theo khung giờ.

Theo Công an thành phố, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được đến trụ sở làm việc với các điều kiện sau:

- Thời gian lưu thông: sáng từ 6h30 - 8h; chiều 16h30 - 18h. Tuyến đường lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.

- Những người thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ và tuyến đường vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp (trường hợp đổi ca, bị nhiễm COVID-19... thì đổi giấy). Trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc cần lưu thông thì Công an thành phố xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.

- Các đơn vị gửi danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký làm việc tại trụ sở về Sở Nội vụ tập hợp và gửi về Công an thành phố để cập nhật danh sách quản lý về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người đi đường phải khai báo y tế trên phần mềm VNEID của Bộ Công an trước khi ra đường. Công an thành phố kiểm tra thẻ ngành, thẻ nhân viên và lịch công tác (hoặc đối chiếu với danh sách làm việc đã được cung cấp, cập nhật phần mềm).

Cán bộ, công nhân viên, người lao động phải được tiêm 2 mũi vaccine, gia đình không thuộc khu vực phong tỏa cách ly (nội dung này do thủ trưởng đơn vị thẩm định, ký duyệt, cán bộ, công nhân viên, người lao động cam kết).


TP.HCM: Lập Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, cán bộ chính quyền được đi làm theo khung giờ