TP.HCM 'bẻ lái' cấp giấy đi đường liên tục, doanh nghiệp ‘hụt hơi'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc thay đổi liên tục quy định trong việc cấp mẫu giấy đi đường cùng quy trình thủ công khiến các doanh nghiệp ở TP. HCM gặp nhiều bất cập, gây ách tắc lưu thông hàng hóa trong những ngày qua.

Ngày 25/8, các Hiệp hội ngành hàng gồm: thuỷ sản, hồ tiêu, cao su, rau quả, cà phê, ca cao, nhựa đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. HCM… kiến nghị về việc cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp hội viên trong thời gian thành phố giãn cách xã hội.

Các hoạt động xuất khẩu, sản xuất, phân phối đều bị ngưng trệ do doanh nghiệp không kịp hoàn tất giấy đi đường mới.

Sở Công Thương loay hoay cấp giấy đi đường

Các Hiệp hội cho biết, ngày 21/8, theo văn bản 2791 của UBND TP. HCM, Sở Công Thương sẽ cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp cung cấp gas, xăng dầu, logistic...

Ngày 22/8, Sở Công Thương ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 5/9.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, cho đến ngày 24/8, vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các Hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công Thương.

Lý do cho việc này là các quy định thay đổi quá nhanh và diễn ra vào ngày cuối tuần, đã khiến nhiều đơn vị quản lý cấp giấy bị quá tải, lúng túng và xảy ra hàng loạt bất cập.

Một trong những bất cập này là theo quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường do Sở Công Thương TP. HCM cập nhật chiều 22/8, có Bước 5 là: “... Khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Chuyên viên phụ trách địa bàn chuyển Giấy đi đường đã được thẩm định về văn phòng Sở, để thực hiện việc đối chiếu khi doanh nghiệp đem Giấy đi đường đến Sở Công Thương để đóng dấu và phát hành”.

Theo đó, một số doanh nghiệp đã nhận được mẫu giấy qua email và theo quy định phải mang lên Sở để đóng dấu. Tuy nhiên, một số chốt kiểm soát đã không cho qua vì… giấy phải có đóng dấu mới được... lên Sở... Vì vậy, nhân viên của các doanh nghiệp phải quay về lại công ty.

Phân quyền cấp giấy đi đường cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện

Đến ngày 24/8, Sở Công Thương TP. HCM tiếp tục ban hành công văn số 3996 về việc phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất trong khu vực thành phố từ ngày 23/8 đến 6/9.

Theo nội dung cập nhật, Sở Công Thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp); còn UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu (thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” nêu tại mục 12 Phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX).

Điều này đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định được doanh nghiệp của mình thuộc nhóm nào và ai phụ trách. Các Hiệp hội doanh nghiệp cho biết điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất khi xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ.

“Bẻ lái" chỉ sau 1 ngày: Giấy đi đường do Công an cấp

Tuy nhiên, từ 0h ngày 25/8, TP. HCM lại có quy định mới là tất cả 17 nhóm tại Công văn 2800 và nhóm bổ sung tại Công văn 2850 của UBND thành phố phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng CSGT đường bộ - đường thuỷ (PC08) Công an TP. HCM hoặc công an quận, huyện, TP. Thủ Đức; phường, xã, thị trấn cấp.

Việc thay đổi bất ngờ này khiến Sở Công Thương TP. HCM phải làm thủ tục cấp lại giấy đi đường từ đầu. Trước đó, đến ngày 23/8, Sở Công Thương đã cấp khoảng 80.000 giấy lưu thông cho hệ thống phân phối, shipper, logistics, xăng dầu… Hiện, Sở Công Thương đã nhận được khoảng 100.000 đề nghị cấp giấy đi đường nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu giấy đi đường từ Công an TP. HCM nên Sở phải tính toán, cắt giảm.

Hiện tại, đối với ngành logistics, Sở Công Thương đã nhận được hơn 4.100 bộ hồ sơ, trong đó đã cấp giấy đi đường cho 831 bộ hồ sơ và từ chối 352 bộ hồ sơ.

“Công nghệ 4.0” cấp giấy đi đường “thủ công"

Mặc dù doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá nằm trong nhóm do Sở Công Thương cấp giấy đi đường nhưng một bất cập khác cũng gây nhiều khó khăn là các doanh nghiệp đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan.

Một lãnh đạo doanh nghiệp làm linh kiện cho Apple cho biết trên báo Vnexpress, hiện, thủ tục cấp C/O xuất hàng sang các nước ASEAN đã thực hiện quy trình điện tử, còn thủ tục xin cấp C/O sang các thị trường khác vẫn phải thực hiện bản giấy.

Theo đó, thủ tục khai hồ sơ xin cấp C/O xuất khẩu được doanh nghiệp khai báo điện tử trên trang web của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhưng sau đó, doanh nghiệp vẫn buộc phải làm thủ tục trực tiếp tại các cơ quan có thẩm quyền.

Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối cũng trong tình trạng tương tự. Một đại diện Công ty giao nhận G.A ở TP. HCM cho biết, tất cả các cơ quan cấp giấy phép đi đường đợt này vẫn sử dụng công cụ thủ công ngay trong mùa dịch.

Trong khi đó, việc phân phối mặt hàng thiết yếu như gas cũng bị ách tắc. Nhiều cửa hàng gas cho biết không thể nhận giao gas khi khách đặt hàng vì chưa được cấp giấy đi đường hoặc các doanh nghiệp đã được cấp giấy đi đường nhưng chỉ có hiệu lực trong vài giờ đồng hồ.

Trước những bất cập mới được ghi nhận, Sở Công Thương cho biết sẽ cân nhắc kỹ đối với những loại hình phải có sự ưu tiên nhân lực vận hành, những doanh nghiệp có hàng hoá phải xuất khẩu ngay…

Theo phân tích của ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, đối với các đơn vị phân phối bán lẻ đang cung ứng hàng hoá cho người dân thành phố (như siêu thị, cửa hàng tiện lợi), thì cần đủ nhân lực hoặc chỉ cắt giảm 10%, nếu cắt giảm 90% thì nhân lực còn lại không thể vận hành được.

Tới đây, Sở Công Thương TP. HCM sẽ tiếp tục giải quyết các hồ sơ còn lại cũng như có văn bản kiến nghị Công an thành phố cấp thêm các mẫu giấy đi đường để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cho biết, chưa biết việc lập danh sách gửi đến công an là do doanh nghiệp tự làm hay quận, huyện sẽ chuyển danh sách cũ đến ngành công an và thời gian cấp là bao lâu.

Thành Trung - Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

TP.HCM 'bẻ lái' cấp giấy đi đường liên tục, doanh nghiệp ‘hụt hơi'