TP.HCM: 1 học sinh ngất xỉu sau tiêm vaccine COVID-19, 4 học sinh hoãn tiêm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điểm tiêm tại trường tiểu học thị trấn Củ Chi (TP. HCM) sáng nay ghi nhận 1 học sinh bị ngất xỉu sau khi tiêm vaccine COVID-19 và 4 học sinh khác phải hoãn tiêm, chuyển tiêm ở bệnh viện.

Sáng 27/10, TP. HCM bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Tại huyện Củ Chi, điểm tiêm đầu tiên là trường tiểu học thị trấn Củ Chi (đường Nguyễn Phúc Trú, khu phố 1, thị trấn Củ Chi), tổ chức tiêm cho 1.500 em học sinh đang học lớp 11 và 12 tại 3 trường THPT ở thị trấn.

Tại điểm tiêm, cơ quan chức năng bố trí lối đi 1 chiều, có 10 bàn tiêm. Đội tiêm gồm 35 y bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.

Học sinh đến điểm tiêm đều được đo thân nhiệt, hướng dẫn vào khu vực chờ tiêm, sau đó được khám sàng lọc trước tiêm. Sau khi tiêm, các em về khu vực theo dõi sức khoẻ trong khoảng 30 phút rồi ra về.

Theo ghi nhận của PV báo Dân Trí, khoảng 9h, một em học sinh sau khi tiêm vaccine COVID-19 bất ngờ bị ngất, khiến các bạn xung quanh lo lắng. Nhân viên y tế đã đưa em vào phòng hỗ trợ sau tiêm, cho uống sữa, em đã tỉnh lại và sức khỏe dần ổn định.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), vaccine COVID-19 tiêm cho học sinh lần này là vaccine Pfizer với liều tiêm 0,3 ml. Sau tiêm chủng, học sinh sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vaccine và được hướng dẫn khai báo sau tiêm trong 7 ngày tại nhà.

4 học sinh phải hoãn tiêm vaccine COVID-19

Cũng trong sáng nay, Bác sĩ Lê Thị Mai - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi - cho biết, sau khi khám sàng lọc, có 4 học sinh phải hoãn tiêm vaccine và chuyển tiêm ở bệnh viện do từng mắc COVID-19 và có bệnh nền.

Cụ thể, một em học sinh đã từng mắc COVID-19 khoảng 1 tháng trước, do đó cơ thể vẫn còn miễn dịch, không đáp ứng điều kiện tiêm vaccine là ít nhất sau 6 tháng kể từ thời điểm mắc bệnh.

Một trường hợp khác là có bướu cổ to, nhịp tim nhanh, bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh cường giáp nhưng chưa được điều trị và chẩn đoán trước đây.

Hai trường hợp còn lại mắc bệnh hen suyễn chưa điều trị ổn định và có tiền sử phản vệ nặng từng nhập viện.

Chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trong trường hợp nào?

Sáng 26/10, Sở Y tế TP. HCM đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em.

Tại buổi tập huấn, Bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Viện Pasteur TP. HCM – cho biết, trẻ trước khi tiêm vaccine COVID-19 phải được khám sàng lọc để đảm bảo an toàn. Có bốn nhóm sàng lọc, gồm đủ điều kiện tiêm chủng, cần thận trọng tiêm chủng, trì hoãn tiêm chủng và chống chỉ định tiêm chủng.

Cụ thể:

Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng: là trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vaccine của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.

Nhóm cần thận trọng tiêm chủng gồm: trẻ có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính; trẻ mất tri giác, mất năng lực hành vi; trẻ có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên; trẻ phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.

Nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm: trẻ có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ có thai dưới 13 tuần.

Nhóm chống chỉ định tiêm chủng gồm: trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine COVID-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất vaccine.

Sau tiêm vaccine COVID-19, trẻ có những phản ứng nào?

Theo Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM, các biểu hiện gợi ý trẻ bị phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 liên quan đến da và niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch.

Phản ứng ở phân độ nặng chia thành 4 cấp độ:

Độ 1: trẻ chỉ có các triệu chứng ở da, niêm mạc như: mề đay, ngứa, phù mạch.

Độ 2: trẻ có biểu hiện ở từ hai cơ quan trở lên. Cụ thể: Mề đay, phù mặt xuất hiện nhanh; khó thở nhanh, tức ngực, khàn tiếng, nghẹt mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, huyết áp bình thường.

Độ 3: trẻ có biểu hiện ở nhiều cơ quan, mức độ nặng. Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản. Thở: Nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở. Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ vòng. Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh, nhẹ, tụt huyết áp.

Độ 4: trẻ ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn.

Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ cần lưu ý những gì?

Theo HCDC, trẻ nên mặc áo ngắn tay hay áo dễ lộ cánh tay khi đi tiêm. Phụ huynh mang đầy đủ giấy tờ cần thiết theo quy định đến điểm tiêm và khai báo y tế trước khi đi tiêm.

Để ngăn ngừa tình trạng trẻ ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm và trong 15 phút sau khi tiêm vaccine . Sau khi tiêm, phụ huynh và học sinh cần ở lại trong 15 - 30 phút để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.

HCDC cho hay, sau khi tiêm vaccine, trẻ có thể bị một số tác dụng phụ như: đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt buồn nôn... Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày.

Nếu trẻ có bất kỳ cảm giác đau và khó chịu nào sau khi được tiêm phòng, phụ huynh có thể làm giảm đau và khó chịu nơi vị trí tiêm của trẻ bằng cách đắp khăn sạch, mát lên vị trí này, kèm vận động cánh tay trẻ nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, để giảm khó chịu do sốt, hãy cho trẻ uống nhiều nước và mặc thoáng.

Phụ huynh cần theo dõi trẻ chặt. Nếu thấy có vết đỏ hoặc vết thương nơi tiêm trở nên nặng hơn sau 24 giờ hoặc nếu các tác dụng phụ ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng, dường như không biến mất sau một vài ngày thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

HCDC cũng khuyến cáo dù được tiêm vaccine, việc tuân thủ 5K vẫn rất cần thiết để đạt hiệu quả trong việc phòng dịch COVID-19.

Theo thống kê, TP. HCM có hơn 980.000 trẻ em từ 12 – 17 tuổi dự kiến tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tới. Qua khảo sát, 92,13% phụ huynh, người giám hộ đồng ý cho các em tiêm vaccine.

 

Theo kế hoạch, sau huyện Củ Chi, chiều 27/10, quận 1 sẽ tổ chức tiêm vaccine cho 1.600 em tại 3 điểm tiêm gồm: Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Ernst Thälmann và Bệnh viện quận 1.

Từ ngày mai (28/10), tất cả các quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ đồng loạt tổ chức các điểm tiêm cho trẻ.

TP. HCM dự kiến tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 cho trẻ trong 5 ngày. Sau đó, tiêm vét trong 2 ngày. Đến hạn của vaccine, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tiêm mũi 2 cũng trong vòng 5 ngày.

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM – cho biết, thành phố chỉ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ nếu có thư đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ. Chỉ đơn vị nào chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế mới được tiêm chủng cho các em, còn ngược lại sẽ không được tổ chức tiêm cho đến khi đảm bảo an toàn thực sự.

Minh Nguyệt (Tổng hợp)


TP.HCM: 1 học sinh ngất xỉu sau tiêm vaccine COVID-19, 4 học sinh hoãn tiêm