TP. HCM ghi nhận thêm 1 bé trai tử vong do bạch hầu ác tính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trưa 14/9, TS.BS Phan Tứ Quí, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP. HCM) cho biết, bệnh nhân A.N. (là nam, 12 tuổi, ngụ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã tử vong do mắc bệnh bạch hầu ác tính.

Truyền thông trong nước cho biết, trước đó, vào khoảng 3h ngày 13/9, bệnh nhân N. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP. HCM) vào ngày thứ 7 của bệnh.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim cao, các bác sĩ tiến hành đặt máy tạo nhịp, dùng thuốc vận mạch, đồng thời hội chẩn xem xét cho sử dụng ECMO. Tuy nhiên, bệnh nhân N. bất ngờ tử vong lúc 13h55 cùng ngày.

BS Quí cho biết thêm, ngay lúc nhập viện, bệnh nhân N. đã có bằng chứng hoại tử cơ tim rất nặng.

Bệnh nhân N. là ca thứ 3 mắc bệnh bạch hầu ác tính, có biến chứng tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ tháng 6 đến nay.

Trước đó chiều 3/7, bé trai G.A.P. (13 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Nông) đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã tử vong do bệnh bạch hầu ác tính. Đây là ca thứ 2 của tỉnh Đắc Nông mắc bệnh bạch hầu ác tính, có biến chứng tử vong tử vong tại Bệnh viện này.

Bệnh nhi 13 tuổi này nhập viện tại bệnh viện địa phương ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, nhiễm độc, nhiễm trùng nặng.

Đại diện Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em cho biết, từ khi nhập viện đến nay, tình trạng bệnh nhi liên tục chuyển biến xấu. Bệnh nhi bị viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20-30 lần so với bình thường.

Bệnh viện đã điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi nhưng bệnh nhi không qua khỏi. Các bác sĩ cho biết, với trường hợp bệnh bạch hầu biến chứng nặng, tổn thương nhiều như bệnh nhi G.A.P. thì nguy cơ tử vong đến 70-80%.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.


TP. HCM ghi nhận thêm 1 bé trai tử vong do bạch hầu ác tính