Thừa Thiên Huế phát hiện một người phụ nữ nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn nem

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 17/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa phát hiện một ca nhiễm liên cầu lợn trên địa bàn.

Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân Trần Thị H. (59 tuổi, ngụ xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, làm nghề bán vé số).

Truyền thông trong nước cho biết, từ ngày 8/7, bà H. có các triệu chứng như sốt cao liên tục, rét run, nhức mỏi toàn cơ thể. Bệnh nhân đến quầy thuốc tây tự mua thuốc uống nhưng không khỏi.

Đến ngày 10/7, bà H. đau đầu liên tục kèm nôn mửa nên được người nhà đưa nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não. Ngày 14/7, kết quả xét nghiệm cấy dịch não tủy cho kết quả: Bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.

Người mắc liên cầu lợn trên da có xuất huyết nhiều mảng màu thâm đen (Ảnh minh họa)

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường đi lại tại TP. Huế cuối ngày mới về nhà. Bệnh nhân này sống cùng con, gia đình không nuôi lợn và các hộ dân xung quanh cũng không nuôi lợn.

Trước khi khởi bệnh vài ngày, bà H. kể đã ăn nem chua mua ở một quầy hàng tại TP. Huế. Do bà H. đi bán vé số cả ngày nên người thân không nắm rõ việc ăn trưa như thế nào. Gia đình bệnh nhân cũng thỉnh thoảng có ăn thịt lợn nên nguồn lây không rõ.

Các cơ quan chức năng ghi nhận, 2 tuần qua khu vực quanh nhà bà H. sinh sống không có lợn mắc bệnh, cũng không có người nào mắc bệnh tương tự. Những người thân trong gia đình và những người xung quanh đã tiếp xúc với bà H. được theo dõi sức khỏe hàng ngày, hiện sức khỏe ổn định.

Món tiết canh gây ra 70% ca bệnh liên cầu lợn trên người. (Ảnh minh họa)

Theo vncdc.gov.vn, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.

Nhiễm S.suis ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp.

Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết v.v... Tỷ lệ chết có thể tới 7%. Khả năng xét nghiệm xác định týp liên cầu lợn gây bệnh ở người tại nước ta hiện nay rất hạn chế.


Thừa Thiên Huế phát hiện một người phụ nữ nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn nem