Thời báo Hoàn Cầu: Trung Quốc thu hoạch 1,5 tấn rau ở Hoàng Sa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hải quân Trung Quốc gần đây đã thu hoạch 1,5 tấn rau trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Hôm 20/5, tờ Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Trung Quốc đã đưa thông tin trên như một động thái khẳng định "chủ quyền" của họ ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự và thành lập cơ sở hành chính trái phép trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa.

Bản tin cho biết, Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành một dự án canh tác trên nền đất cát của đảo Phú Lâm, sau khi phối hợp với một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Qua đó, kết quả này có khả năng mở đường cho nông nghiệp tự cung tự cấp trên các rạn san hô và đá chiếm đóng khác của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Thời báo Hoàn cầu.

Theo đó, binh lính Trung Quốc đồn trú trên đảo Phú Lâm đã thu hoạch rau từ một bãi biển được thử nghiệm với phương pháp "biến cát thành đất màu mỡ". Dự án được thành lập bởi một nhóm nghiên cứu từ Đại học Giao thông Trùng Khánh.

Gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các việc cải tạo đất đai nhiều trên các khu vực tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thiết lập các căn cứ và thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Biển Đông, nói rằng vụ thu hoạch rau trên đảo Phú Lâm đã chống lại các quan điểm quốc tế, bao gồm cả vụ kiện trọng tài năm 2016 giữa Philippines và Trung Quốc. Quan điểm quốc tế cho rằng, Biển Đông không thể hỗ trợ cho cuộc sống của các cộng đồng dân cư.

"Bây giờ nhiều khả năng Trung Quốc có thể hỗ trợ dân thường trên các đảo này và sẽ cho phép nhiều người sống trên đảo hơn", ông Chen nói.

Đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc thành lập trái phép thành phố Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), hòn đảo phải có khả năng duy trì nơi sinh sống của con người và là một nền kinh tế độc lập không phụ thuộc vào nhập khẩu. Các khả năng như vậy tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế xung quanh đảo.

Không có căn cứ quân sự và đảo nhân tạo nào của Trung Quốc ở Biển Đông hiện đáp ứng tiêu chuẩn này. Do đó, chúng được phán quyết là đá hoặc các thực thể khác, theo phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực năm 2016.

Việc biến các đảo nhân tạo và các rạn san hô ở Biển Đông thành nơi sinh sống được là một vấn đề lâu dài đối với Trung Quốc, vì các cơ sở xây dựng ở đó đều thiếu nước ngọt và không có đất để trồng trọt. Trung Quốc đã từng thất bại trong việc làm nhà kính để cung cấp lương thực cho các căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Zachary Haver, một nhà phân tích tình hình Trung Quốc từ Washington, cho biết thành phố Tam Sa - nơi Trung Quốc dựng lên trên đảo Phú Lâm - vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm từ đảo Hải Nam.

Theo ông Haver, chính quyền Trung Quốc cũng đã triển khai một loạt các ưu đãi như trợ cấp và các chương trình nhà ở công cộng để thu hút dân thường đến sống trên đảo này, theo đài RFA.

Ông Haver phân tích, dự án này có khả năng còn được Trung Quốc dùng để "củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông". Trung Quốc dựa vào những khái niệm về "quyền lịch sử", tuy không được luật pháp quốc tế ủng hộ.

Ông Haver cho rằng, mô hình của đảo Phú Lâm có thể sẽ được (hoặc đã được) mở rộng sang các căn cứ đảo nhân tạo của Trung Quốc khác tại Quần đảo Trường Sa.

Xem thêm:

Việt Nam


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

Thời báo Hoàn Cầu: Trung Quốc thu hoạch 1,5 tấn rau ở Hoàng Sa