Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử trong 20 ngày để nghiệm thu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt (Bộ GTVT) vừa cho biết, tuần đầu tiên của tháng 12, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày.

Cụ thể ngày 18/11, đại diện BQL dự án đường sắt (Bộ GTVT) chia sẻ với truyền thông, việc vận hành thử toàn hệ thống đóng vai trò quan trọng để đơn vị tư vấn Pháp (Liên danh Apave - Certifer – Tricc, do Việt Nam thuê) đưa ra các đánh giá, phục vụ nghiệm thu.

Nguyên nhân vận hành thử trên được BQL đưa ra là do Tổng thầu Trung Quốc:

  • Chưa cung cấp được các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất.
  • Chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.

Vì vậy, tư vấn đề xuất thực hiện công tác đánh giá kiểm chứng tại hiện trường trong thời gian vận hành 20 ngày cuối cùng và diễn tập các tình huống khẩn cấp.

Quá trình vận hành thử toàn hệ thống trên, tư vấn sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Nếu chưa đạt BQL dự án đường sắt sẽ yêu cầu Tổng thầu khắc phục.

Đây được xem là khâu cuối cùng để tư vấn hoàn tất báo cáo về đánh giá an toàn hệ thống. Qua đó, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan mới quyết định được thời điểm chính xác để bàn giao dự án cho TP. Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Tại lần chạy thử này, toàn bộ nhân sự vận hành tuyến tàu điện với khoảng 800 người (trong đó có 200 người của tổng thầu Trung Quốc) sẽ được huy động; tất cả hạng mục trong nhà ga hoạt động giống như khai thác thương mại để đánh giá an toàn, nghiệm thu.

Đại diện Ban quản lý dự án cho hay, trong quý 1/2021, căn cứ kết quả vận hành ở trên, Liên danh tư vấn độc lập Pháp sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án. Tiếp theo, Bộ GTVT sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho TP. Hà Nội quản lý, vận hành.

Hiện Tổng Giám đốc liên danh tư vấn độc lập Pháp (ACT) đã có mặt ở dự án. Mấy ngày tới, thêm 7 chuyên gia của ACT sẽ sang Việt Nam để chuẩn bị đánh giá công tác vận hành thử.

Cùng với nhóm chuyên gia trên, trước đó, Tổng thầu Trung Quốc đã đưa gần 100 người sang dự án. Đây là các chuyên gia kỹ thuật, giám sát thiết bị của dự án.

Khi hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2018, tàu Cát Linh - Hà Đông từng chạy thử liên động để khớp nối các hạng mục thiết bị. Tuy nhiên lúc đó, việc chạy thử không có sự tham gia của nhiều nhân sự.

Giữa tháng 10, Bộ GTVT khẳng định, cuối tháng 12 sẽ hoàn thành vận hành thử dự án, diễn tập các tình huống để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống, đánh giá theo quy định. Tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể để bàn giao tuyến đường sắt cho Hà Nội.

Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết, sẽ cố gắng hoàn thành vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020 và chỉ đạo Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan hoàn thành các công tác để đến cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc vận hành thử, diễn tập các tình huống an toàn để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nghiệm thu tổng thể từ tháng 2/2021.

Đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng gồm 13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh. Đã hoàn thành việc mua sắm 13 đoàn tàu lắp đặt tại dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu là 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên thành 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.

Việt Nam Xã hội

Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử trong 20 ngày để nghiệm thu