Sở Y tế TP.HCM đề nghị khoảng 54 tỉ đồng cung ứng thuốc với F0 cách ly tại nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở Y tế TP. HCM vừa có tờ trình gửi chính quyền thành phố về việc cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định (F0 cách ly tại nhà).

Sở Y tế TP. HCM cho hay, dự kiến số ca F0 hiện tại và trong một tháng tới của thành phố sẽ lên tới 182.408 ca, tương ứng cần mua 182.408 túi thuốc trị giá khoảng 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc/7 ngày sử dụng).

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), tính đến ngày 18/8, thành phố có 44.478 ca F0 cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà. Trong đó có 17.904 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Ngoài ra, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức là 14.302 người.

Dịch vụ hỏa táng tại TP. HCM dường như quá tải

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên được báo Thanh Niên dẫn lời hôm 16/8 cho biết, có hàng trăm người bệnh nặng phải thở ô xy, hàng ngàn ca nặng phải hồi sức và hàng ngàn người đang muốn rời thành phố vì nhiều lý do, như sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao.

Ông Nên cho biết, cứ 24 giờ trôi qua, thành phố trung bình có 240 người tử vong do COVID-19.

Thông tin của lãnh đạo TP. HCM được đưa ra trong bối cảnh Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa tại quận Bình Tân dường như quá tải và hiện chỉ nhận hỏa táng những trường hợp tử vong do COVID-19.

Theo Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM (VOH), Trung tá Nguyễn Xuân Truyền - Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự quận Bình Tân, được giao công tác điều tiết tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, cho hay: “Bình quân mỗi ngày có khoảng 85 xe chở 395 áo quan chờ thiêu đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Áp lực tại khu vực hiện rất lớn”.

Trung ta Trần Xuân Truyền cũng cho biết trên báo Tuổi Trẻ ngày 16/8: “Quân đội sẽ lo khâm liệm, đưa người mất vì COVID-19 đi hỏa táng khi nhà đòn quá tải”.

Được biết, số lượng công nhân làm việc tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) là khoảng 70 người và phân ca hoạt động 24/24h.

Thực trạng quá tải kể trên có thể là nguyên nhân dẫn đến việc người dân đưa thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 ra ngoài khu vực TP. HCM để hỏa táng.

Hôm 16/8, Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, ngành y tế tỉnh này đã tiếp nhận thông tin liên quan đến chiếc xe tải chở 46 thi thể từ TP. HCM về hỏa táng, trong đó có 41 người mắc COVID-19.

Theo thông tin ban đầu, trong hai ngày 15 - 16/8, anh L.P.H. (28 tuổi, ngụ tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã dùng xe tải vận chuyển 46 thi thể (trong đó có 41 người chết do mắc COVID-19) từ TP. HCM về Bến Tre để hỏa táng tại cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên, ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre (chưa có hợp đồng trước với cơ sở).

Anh H. cho hay, những thi thể này ở nhiều địa chỉ khác nhau tại TP. HCM. Trước đó, anh H. đã tới hai cơ sở hỏa táng ở Long An và Tiền Giang nhưng đều đã quá tải.

TP. HCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành hỗ trợ phòng dịch

Chiều 16/8, Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã gửi kiến nghị đến Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành phố bạn hỗ trợ phòng dịch cho đến khi tình hình dịch bệnh tại thành phố cơ bản được kiểm soát.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM đặt ra 3 giai đoạn phòng dịch nhằm từng bước hạn chế tối đa tình hình dịch bệnh trong khu vực thành phố trước ngày 15/9.

Cụ thể:

Giai đoạn 1: Từ ngày 15 - 22/8, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. TP. HCM xác định chiến lược chuyển đổi "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng"; và mở rộng "vùng xanh" tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Giai đoạn 2: Từ ngày 23 - 31/8, thành phố sẽ dần mở rộng "vùng xanh" tại các quận 5, 7, 11, Phú Nhuận và các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè.

Giai đoạn 3: Từ ngày 1 - 15/9, thành phố sẽ duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày. Số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân), đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP. HCM lúc 21h ngày 18/8, thành phố đã xét nghiệm 13.900 mẫu, ghi nhận 3.694 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 2.848 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm hơn 26%. Còn tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm đến 77% so với tổng số ca mắc (tăng 19% so với ngày 16/8, tăng 5% so với ngày 17/8), trong đó nhiều nhất là quận 1, 10, Bình Tân, Tân Bình, huyện Hóc Môn…

Bộ Y tế yêu cầu 7 bệnh viện hỗ trợ TP. HCM

Tối 18/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản yêu cầu 7 bệnh viện được phân công hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực, điều trị người mắc COVID-19 tại các quận, huyện của TP. HCM theo đề nghị của Cục Quản lý khám, chữa bệnh.

7 bệnh viện được phân công hỗ trợ thành phố bao gồm:

  1. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách sẽ hỗ trợ cho cơ sở y tế của TP. Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
  2. Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM có nhiệm vụ hỗ trợ cho cơ sở y tế quận 1, quận 3, quận 5 và quận 11.
  3. Trung tâm Hồi sức tích cực do Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phụ trách đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 sẽ hỗ trợ cơ sở y tế cho huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
  4. Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16 hỗ trợ cơ sở y tế cho quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
  5. Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14 hỗ trợ cơ sở y tế tại quận 10, quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.
  6. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM hỗ trợ cơ sở y tế của quận 4, quận 6 và quận Gò Vấp.
  7. Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ cơ sở y tế của quận Phú Nhuận và Tân Bình.

Bộ Y tế cho hay, phương thức hỗ trợ là cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, đào tạo, xác định khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP. HCM để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.

Theo HCDC, tính đến 06h ngày 18/8, TP. HCM có 158.499 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó: 158.096 ca được ghi nhận trong cộng đồng, 403 ca nhập cảnh. Hiện, ngành y tế thành phố đang điều trị 32.667 bệnh nhân. Trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Đông Dương


Sở Y tế TP.HCM đề nghị khoảng 54 tỉ đồng cung ứng thuốc với F0 cách ly tại nhà