Siêu bão Goni giật cấp 17 mạnh thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Siêu bão Goni trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2020 chỉ sau một ngày, dự kiến đi vào biển Đông vào ngày 3/11.

Tính đến 1h sáng ngày 31/10, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão Goni gần 290 km/h. Goni mạnh lên và trở thành siêu bão mạnh nhất thế giới chỉ sau một ngày nhờ nền nhiệt ấm trên vùng biển ở phía đông Philippines.

Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng tại bang Hawaii, Mỹ, mô tả Goni là "một cơn rất mạnh". Ảnh vệ tinh cho thấy Goni có hình dạng đối xứng "gần như hoàn hảo" với tâm rõ ràng, đặc trưng của những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất.

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, khoảng ngày 2/11, sau khi vượt qua Philippines, siêu bão Goni sẽ suy yếu thành một cơn bão mạnh và có khả năng đi vào Biển Đông.

  • Lúc 7h sáng nay (31/10), vị trí tâm siêu bão Goni ở cách đảo Ludong (Philippines) khoảng 810 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220 km/giờ), giật trên cấp 17.
  • Đến sáng 1/11, vị trí tâm bão ở trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185 km/giờ), giật trên cấp 17.
  • Đến 7h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115 km/giờ), giật cấp 13.
  • Tới sáng ngày 3/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.

Tờ Inquirer của Philippines đưa tin hàng chục nghìn người dự kiến đến các trung tâm sơ tán phải đối mặt cùng lúc với "tai họa kép" từ bão Goni và đại dịch Covid-19.

Bão Goni nhấn chìm làng mạc ở Philippines, đang tiến vào biển Đông

Hình ảnh ban đầu cho thấy bão Goni với sức gió rất mạnh đã đổ bộ vào Philippines hôm nay. Đồng thời bão Goni sẽ trở thành cơn bão số 10 và đổi hướng liên tục khi đi vào biển Đông.

Siêu bão Goni gây lũ quét, vỡ đê và mất điện diện rộng, làm ít nhất 4 người chết khi đổ bộ vào miền trung Philippines sáng nay.

Ít nhất 4 người đã thiệt mạng do siêu bão Goni, trong đó một người bị cây đổ đè trúng và một trẻ em bị lũ quét cuốn trôi, theo hãng tin Reuters.

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy gió mạnh và mưa dữ dội khi bão đổ bộ. Nước trên các con sông cũng tràn bờ, phá vỡ một số tuyến đê và nhấn chìm nhiều ngôi làng ở Bicol. Hàng loạt ngôi nhà ở miền trung Philippines cũng bị phá hủy do bão.

Siêu bão Goni sáng 1/11: Gió giật trên cấp 17

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1h sáng 1/11, vị trí tâm của siêu bão Goni ở cách miền trung Philippines khoảng 70km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/h), giật trên cấp 17.

Đến 1h sáng 3/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 13.

Lý giải về nguyên nhân bão giảm cấp nhanh khi vào Biển Đông, các chuyên gia cho biết, sau khi ma sát với đảo Luzon của Philippines, siêu bão Goni đã giảm năng lượng đáng kể. Khi đi vào Biển Đông, do tác động của không khí lạnh khiến mặt nước biển lạnh nên bão giảm sức mạnh. Ngoài ra, khi vào đến Biển Đông bão đã di chuyển qua một đường đi khá dài, qua thời kỳ mạnh nhất theo chu kỳ một cơn bão. Các yếu tố động lực học khác cũng khiến siêu bão Goni giảm cấp nhanh.

Tại Philippines, nhà chức trách đã sơ tán hơn 1 triệu dân để ứng phó khi Goni dự báo sẽ tàn phá nghiêm trọng đảo Luzon- hòn đảo lớn nhất, đông dân nhất và là vùng kinh tế quan trọng của quốc đảo Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bão Goni sẽ là cơn bão số 10, có đường đi và cường độ rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam và gây mưa lớn cho miền Trung.

Philippines phát báo động đỏ, sơ tán hàng loạt vì bão Goni

Quan chức lệnh sơ tán hàng loạt, cấm tàu phà, phát cảnh báo đỏ ở Quezon khi bão mạnh Goni dự kiến đổ bộ phía bắc Luzon, miền bắc Philippines, cuối tuần này.

Đội ứng phó Sự cố tỉnh Camarines Norte, cho biết từ sáng 30/10, chính quyền đã bắt đầu sơ tán khoảng 35.000 hộ gia đình, tương đương 159.000 người, khỏi các khu vực có nguy cơ cao, gồm Daet, thủ phủ của tỉnh.

Thống đốc Quezon Danilo Suarez đã đặt tỉnh này trong tình trạng báo động đỏ vào sáng 30/12, theo Melchor Avenilla Jr., người đứng đầu Hội đồng Ứng phó và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của tỉnh. Theo báo động đỏ, các cơ quan chức năng được yêu cầu túc trực 24/7 để ứng phó các trường hợp khẩn cấp khi thời tiết xấu đi.

Miền Trung Việt Nam phải sẵn sàng ứng phó siêu bão Goni

Để ứng phó với siêu bão Goni có thể đi vào Biển Đông và các tỉnh miền Trung Việt Nam, chiều 31/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh tiếp tục thực hiện công điện về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Goni, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Khoảng cuối tuần sau cơn bão này có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ, tập trung tại các tỉnh Trung Trung Bộ. Nửa đầu tháng 11, tình hình mưa bão trên Biển Đông và miền Trung còn diễn biến rất phức tạp.

Xem thêm:


Siêu bão Goni giật cấp 17 mạnh thế nào?