Một số địa phương bắt đầu điều chỉnh quy định, nhiều nơi vẫn giữ chốt và yêu cầu giấy xét nghiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về việc hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", nhiều tỉnh, thành phố đã ra quy định mới về phòng chống dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm khi qua chốt kiểm soát.

Ngày 11/10, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19”. Toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa dù có dịch.

Các tỉnh thành bắt đầu điều chỉnh quy định phòng chống dịch sau Nghị quyết 128

Lâm Đồng: Những người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ các tỉnh, thành khác thuộc khu vực vùng xanh, vùng vàng (cấp 1, cấp 2) được phép vào địa phương và cho phép cách ly, theo dõi y tế tại nhà.

Đối với người đến/về từ vùng nguy cơ cao (cấp 3, cấp 4) được cách ly tại nhà nếu đảm bảo một số điều kiện như: Khi đi qua chốt kiểm soát phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực; thực hiện nghiêm thông điệp 5K; hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế việc di chuyển nhiều địa điểm khi không cần thiết...

Tại Bắc Giang: Người đến hoặc về tỉnh Bắc Giang từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) không yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19, không lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh. Tuy nhiên, trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau đầu… vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo quy định.

Tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Trường hợp người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 vẫn phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và test RT-PCR 3 lần, sau đó tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo và kết thúc bằng test COVID-19 vào ngày cuối cùng. Trường hợp còn lại cách ly 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần và thực hiện cách ly sau đó theo quy định.

Tại Sơn La: Chỉ yêu cầu người đến/về tỉnh Sơn La từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) không yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19, chỉ cần khai báo y tế, quét QR Code theo quy định.

Riêng người đến/về từ vùng cam (cấp 3) thì khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 thì phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và tuân thủ 5K. Người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 liều vaccine thì tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR.

Người đến/trở về từ vùng đỏ (cấp 4) phải khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 72 giờ. Đồng thời phải theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR, tuân thủ 5K (kể cả đã tiêm 2 mũi vaccine hay khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng).

Thừa Thiên - Huế: Người về Huế từ vùng xanh (cấp độ 1) không cần giấy xét nghiệm, chỉ cần thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về đến địa phương; xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế.

Người từ vàng (cấp 2) về Huế cũng được yêu cầu tương tự như người từ vùng xanh về. Tuy nhiên với người được tiêm 2 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 thì cách ly tại nhà 7 ngày. Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine thì phải tự cách ly 7 ngày tại nhà và sau đó theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.

Vời người đến từ vùng đỏ, cam (cấp 3, cấp 4) khi về Huế được yêu cầu có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Đồng thời trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe sau đó sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR và test nhanh.

Với người về từ vùng cam (cấp 3) tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh thì sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày sau đó. Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì cách ly tại nhà 14 ngày, theo dõi sức khỏe 14 ngày sau đó.

Với người về từ vùng đỏ (cấp 4) tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh thì cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe 7 ngày sau đó. Với người tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine thì sẽ cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày sau đó.

TP. HCM: Theo Sở Y tế TP. HCM, Tính đến 10h ngày 15/10, thành phố có 68 chợ truyền thống đang hoạt động trong tổng số 234 chợ hiện có. Riêng trong ngày 15/10 có đến 20 chợ được tổ chức hoạt động trở lại gồm: chợ Tự Đức (TP. Thủ Đức); chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1); chợ Bàn Cờ (quận 3); chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); chợ Bình Tây (quận 6); chợ Phạm Văn Hai, chợ Nghĩa Hòa, chợ Tân Hưng, chợ Tân Phước, chợ phường 11, chợ Nam Hòa, chợ Trần Văn Quang, chợ Tân Trụ (quận Tân Bình); chợ Hiệp Thành, chợ Bà Bầu, chợ An Sương (quận 12); chợ Rạch Ông, chợ Phạm Thế Hiển (quận 8); chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân).

Theo quy định, các chợ mở lại chủ yếu với công suất nhỏ, kinh doanh các ngành hàng lương thực thực phẩm. Sở Công thương TP. HCM cho biết, theo kế hoạch từ ngày 16-20/10, các quận huyện dự kiến mở lại thêm 16 chợ nữa.

Như vậy, đến thời điểm này, ngoài các chợ quy mô nhỏ, những chợ thuộc loại 1, có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đều đã được cho mở trở lại, trong đó chợ An Đông cho mở lại với tất cả các ngành hàng.

8 quận huyện hiện chưa mở lại chợ gồm: quận 4, 6, 7, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

Đà Nẵng: Mở lại hầu hết các hoạt động từ 0h ngày 16/10. Cụ thể:

  • Cho phép hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo… do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng tổ chức: Tập trung không quá 40 người.
  • Tiệc đám hiếu, đám hỷ, liên hoan, tân gia... tổ chức tại nhà riêng: Tập trung không quá 30 người.
  • Hoạt động phục vụ khách ăn, uống tại chỗ của các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tối đa không quá 50% công suất của nhà hàng, quán ăn. Trường hợp 50% công suất của nhà hàng, quán ăn mà có trên 200 người thì cũng chỉ được phục vụ không quá 200 người cùng một thời điểm.
  • Hoạt động tại rạp/phòng chiếu phim: Hoạt động tối đa không quá 50% công suất của rạp/phòng chiếu phim.
  • Hoạt động tại cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức trong nhà: Tập trung không quá 40 người.
  • Hoạt động các cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu phục vụ không quá 5 người cùng một thời điểm.

Nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm khi qua chốt

Mặc dù Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành hướng dẫn về việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở vùng đỏ (cấp 4) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở vùng cam (cấp độ 3).

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Tuy vậy, nhiều tỉnh, thành hiện vẫn yêu cầu phải trình giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính khi đi qua các chốt kiểm soát giáp ranh các địa phương. Cụ thể:

  • Hà Nội: Hiện tại chỉ dỡ bỏ 2/22 chốt kiểm soát là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Rẽ. Các chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô còn lại vẫn duy trì việc kiểm tra giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính và giấy tờ tùy thân với người ra, vào thành phố.
  • Bắc Ninh: Tiếp tục siết chặt công tác quản lý phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, đặc biệt là kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác đến bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
  • Thái Nguyên: Yêu cầu người ngoại tỉnh từ vùng xanh về phải có giấy test nhanh. Trường hợp chưa có, người dân được test tại chốt kiểm soát dịch và tự chi trả chi phí.
  • Nghệ An: Người dân ra vào TP. Vinh vẫn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh. Trường hợp phiếu báo kết quả hết hiệu lực, người dân bắt buộc phải thực hiện test COVID-19 mới được vào TP. Vinh. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được cho qua chốt.
  • Quảng Trị: Từ ngày 14/10, người vào tỉnh vẫn phải có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2; người tiêm đủ 2 liều vaccine về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày.
  • Quảng Ngãi: Yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tài xế của xe tải chở hàng hóa phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép lưu thông qua chốt.
  • An Giang: Yêu cầu đối với phương tiện vận tải hàng hóa (đã đăng ký luồng xanh), tài xế và người đi cùng đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (qua 14 ngày), có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế, hướng dẫn cho khai báo y tế (không test nhanh tại chốt) thì cho vào tỉnh An Giang. Quy định này áp dụng từ 17h ngày 13/10 cho đến khi có thông báo mới.
  • Bạc Liêu: Kểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp người và phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh. Tất cả mọi người không được di chuyển vào tỉnh nếu không có sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh; nếu vào tỉnh phải cách ly tập trung hoặc tại cơ sở lưu trú.
  • Bình Dương: Vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các chốt kiểm soát dịch. Cụ thể, người vào tỉnh phải đủ các điều kiện và có giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, kèm giấy xét nghiệm âm tính trong 7 ngày.
    UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, đang họp bàn thống nhất lại việc kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính đối với người dân vào tỉnh và lưu thông nội tỉnh. Sau khi thống nhất sẽ có hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho người dân, công nhân lao động và doanh nghiệp.


Một số địa phương bắt đầu điều chỉnh quy định, nhiều nơi vẫn giữ chốt và yêu cầu giấy xét nghiệm