Sáng 27/4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19; Thiết lập BV dã chiến tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng 27/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Khu vực Tây Nam Bộ đang nhanh chóng thiết lập các biện pháp ứng phó trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các nước láng giềng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 27/4, Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 38.919 người, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện: 518 người;
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác 23.409 người;
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.992 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 48 ca.

Ngày 26/4, Việt Nam có thêm 50.104 người tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Cần Thơ kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh phòng, chống dịch; Thiết lập ngay bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng và nguy cơ người nhập cư trái phép vào Việt Nam tăng cao, ngành y tế và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đang nhanh chóng thiết lập các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó với nhiều kịch bản có thể xảy ra.

Chiều 26/4, tại buổi làm việc về phòng chống dịch COVID-19 và công tác y tế của TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, vấn đề trọng tâm và quan ngại hiện nay đối với khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có TP Cần Thơ, là nếu xuất hiện ca nhiễm COVID-19 cộng đồng, các địa phương sẽ lúng túng hơn trong cách ly, điều trị, bởi lâu nay các ca bệnh ở khu vực này chủ yếu là ca nhập cảnh, phát hiện trong các khu cách ly.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương, Trường đại học Y dược Cần Thơ, nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ với quy mô 800 giường (có thể mở rộng), sử dụng cơ sở vật chất sẵn có tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU) trong bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch. Lúc đó sẽ không phải chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Nhiệm vụ số 1 của Bệnh viện dã chiến vùng là thiết lập Khoa Cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm, phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp ngay với các địa phương như: An Giang, Đồng Tháp… trao đổi và hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thiết lập bệnh viện dã chiến tại các địa phương này.

Hôm 19/4, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ thiết lập hai bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên (quy mô khoảng 300 - 500 giường) và TP Rạch Giá (có thể trên 500 giường). PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, bệnh viện dã chiến Hà Tiên đã sẵn sàng và chuẩn bị tiếp nhận điều trị bệnh nhân.

Bệnh viện dã chiến cấp khu vực (vùng) của Cần Thơ sẽ cùng với bệnh viện dã chiến Hà Tiên là đầu mối giúp Bộ Y tế điều hành hoạt động khám chữa bệnh bệnh nhân COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ: thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là xử lý được các ca bệnh nặng nguy cấp; là đầu mối đào tạo kết nối các khoa cấp cứu điều trị với những kỹ thuật ECMO, kỹ thuật cấp cứu, tim mạch, hô hấp, chuyên ngành truyền nhiễm phối hợp các chuyên khoa khác...

Với đặc thù của khu vực có nguy cơ cao, bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ sẽ là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất, xử lý được các ca bệnh nặng, nguy cấp và thực hiện chỉ đạo điều trị cho các địa phương khác. Hiện việc xét nghiệm tại Cần Thơ đang được thực hiện với công suất 700 mẫu xét nghiệm/ngày, cần tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm mẫu cho kịch bản xấu nhất.

Ngành y tế Cần Thơ đã kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh phòng, chống dịch để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Từ khi bắt đầu dịch tháng 1/2020, thành phố đã rà soát, điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm 12.605 trường hợp có nguy cơ bằng phương pháp RT-PCR, đồng thời làm 2.514 mẫu test nhanh cho đối tượng là thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2021.

Nhiều tỉnh thành dừng bắn pháo hoa dịp 30/4

Trong cuộc họp khẩn về phòng chống dịch COVID-19 trưa 26/4, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu dừng bắn pháo hoa trong ngày 30/4 sắp tới.

Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cũng cho hay thành phố sẽ không tổ chức bắn pháo hoa vào dịp 30/4 năm nay. Thay vào đó, thành phố sẽ tập trung vào các hoạt động trang trí các tuyến đường phố khu vực trung tâm.

Cũng trong chiều 26/4, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng bắn pháo hoa đêm 30/4. Kinh phí từ việc dự kiến bắn pháo hoa sẽ được sử dụng vào việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch.

Trước đó, Quảng Ninh đã có kế hoạch bắn pháo hoa tầm thấp vào đêm 30/4 tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả… Trong đó, riêng tại TP Hạ Long có 3 điểm bắn pháo hoa, gồm: Tuần Châu, Quảng trường 30/10 và Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long.

Các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị cũng đã quyết định dừng bắn pháo hoa, hạn chế các lễ hội tập trung đông người dịp 30/4 để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo trang thống kê Worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 649.300 ca mắc mới COVID-19 và 9.926 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đến nay đã tăng lên đến hơn 148,44 triệu ca; với 126 triệu ca phục hồi; 3,13 triệu ca tử vong.

 

Tại Ấn Độ, số ca mắc mới trong ngày 26/4 đã giảm xuống sau 5 ngày liên tiếp tăng kỷ lục, xuống còn 319.435 ca. Mặc dù vậy, quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng cho các bệnh nhân COVID-19.

Nhiều gia đình và bệnh nhân COVID-19 phải xếp hàng dài bên ngoài các bệnh viện để chờ nạp oxy. Tình trạng thiếu oxy đã trở nên cấp bách đến mức một đền thờ của đạo Sikh ở thủ đô New Delhi phải tổ chức các buổi thở miễn phí bằng bình dùng chung cho các bệnh nhân COVID-19 đang chờ giường bệnh. Có gia đình bệnh nhân đã chấp nhận để bệnh viện rút máy thở của người thân (là bệnh nhân lớn tuổi mắc COVID-19 nặng) để nhường dưỡng khí cho những người có cơ hội sống lớn hơn.

Hiện tổng số ca bệnh COVID-19 ở vùng dịch lớn thứ hai thế giới này đang là 17,6 triệu người. Trong ngày 26/4, Ấn Độ có thêm 2.764 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 197.880 ca.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp.

Ngày 26/4, Bộ Y tế Philippines thông báo tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đã vượt mức 1 triệu ca trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, trong ngày 26/4, Philippines ghi nhận thêm 8.929 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 1.006.428 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại đây cũng tăng thêm 70 ca lên mức 16.853 ca. Chính phủ Philippines đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại vùng đô thị Manila và 4 tỉnh phụ cận.

Indonesia hiện có hơn 1,64 triệu ca mắc COVID-19. Ngày 26/4, nước này ghi nhận thêm 5.944 ca nhiễm mới. Với 176 ca tử vong được báo cáo, tổng số ca tử vong ở nước này đang là 44.770 người.

Tại Malaysia, ngành Y tế cho biết có thêm 2.776 ca nhiễm mới và 13 ca tử vong do COVID-19. Quốc gia này đang có tổng cộng 395.718 ca nhiễm COVID-19, 1.449 ca tử vong.

Thái Lan trong ngày 26/4 ghi nhận thêm 2.048 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 57.508 ca. Có thêm 8 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 148 ca.

Đức Lâm


Sáng 27/4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19; Thiết lập BV dã chiến tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp