Phẫu thuật lấy ra 11 que tăm làm thủng ruột non người đàn ông ở Đồng Tháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 19/3, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, vừa phẫu thuật lấy ra 11 cây tăm xỉa răng làm thủng ruột non của bệnh nhân N.B.T.T. (47 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười).

Trước đó, ông T. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả siêu âm, chụp X-quang và làm các xét nghiệm cần thiết, phát hiện ruột non bị tổn thương, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu ông T..

Êkip phẫu thuật lấy ra 11 que tăm trong ruột non của bệnh nhân này, trong đó, 1 cây xuyên thủng ruột non gây viêm phúc mạc, đau đớn nhiều cho ông T..

Sau phẫu thuật gắp 11 cây tăm ra khỏi cơ thể, ông T. đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, bớt đau bụng, dần hồi phục và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

11 que tăm được lấy ra trong ruột non của bệnh nhân T. ở Đồng Tháp. (Ảnh: PLO/Thanh Niên)

Bệnh nhân T. cho hay, cách đây vài ngày có nhậu cùng với một số người bạn, trong lúc nhậu có món gỏi dưa leo. Trong món gỏi này có tăm xỉa răng, có thể ông đã nuốt số tăm này trong lúc say mà không hay biết.

Ngoài ra, ông T. cho biết thêm, ông có thói quen ngậm tăm xỉa răng khi ngủ, rất có thể đã vô tình nuốt tăm vào bụng.

Bác sĩ Lê Văn Bé Ba, trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, bệnh viện thường cấp cứu nhiều trường hợp thủng ruột do dị vật như tăm tre, xương cá, xương gà nhưng như trường hợp ông T. là khá hiếm. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Thủng đường tiêu hóa là gì?

Trang tin Vinmec cho biết, thủng đường tiêu hóa là hiện tượng thành ống tiêu hóa bị thủng khiến cho các chất lỏng chứa bên trong đường tiêu hóa chảy ra ngoài. Thủng đường tiêu hóa là một sự việc trầm trọng và cần được cấp cứu ngoại khoa kịp thời. Vỡ đường tiêu hóa có thể xảy ra tại:

  • Thực quản: Thủng thực quản có thể dẫn tới việc bị nhiễm khuẩn màng phổi hoặc làm rò ống phế quản và khí quản. Đây là tổn thương thủng nặng nhất trong các loại thủng đường tiêu hoá, điều trị còn khó khăn nên tỷ lệ tử vong cao.
  • Dạ dày - tá tràng: Thủng dạ dày – tá tràng dẫn tới sự viêm phúc mạc, loét hoặc thủng phúc mạc.
  • Đường ruột: Khi bị thủng đường ruột, những chất lỏng trong ruột bị rò rỉ ra ngoài gây nên viêm, nhiễm màng bụng.

Nguyên nhân thủng đường tiêu hóa

Những hiện tượng thủng của một bộ phận nào đó trong ổ bụng có nhiều nguyên nhân. Cụ thể:

Thực quản:

  • Thủng thực quản do vết thương, chấn thương từ ngoài vào (vết thương, tai biến của phẫu thuật), chấn thương từ trong ra ngoài (quá trình nội soi thực quản làm thủng, có dị vật) và thủng thực quản tự phát (tăng áp lực đột ngột trong lòng làm thủng thực quản)
  • Thủng thực quản do bệnh lý thực quản.

Dạ dày - tá tràng:

  • Thủng dạ dày - tá tràng xảy ra do nhiễm khuẩn gây nên;
  • Thủng tá tràng có thể xảy ra do hội chứng viêm ruột có thể gây thủng dạ dày.

Đường ruột:

  • Thủng ruột non xảy ra khi ruột non có khối u hoặc bị xoắn dẫn tới căng ruột và các mạch máu bị chèn ép; chấn thương liên quan ngực hoặc bụng dưới.
  • Thủng ruột già (đại tràng) có thể do ruột đã có chỗ bị viêm, loét, bị tắc vì xoắn hoặc ung thư.
  • Thủng đường ruột có thể do bệnh loét đường tiêu hóa, chứng viêm ruột thừa cấp tính, viêm túi thừa cấp tính và viêm túi thừa Meckel.
  • Thủng đường ruột do nội soi xảy ra chấn thương khi nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng và nội soi đại tràng hoặc đặt stent đường mật qua nội soi sai vị trí
  • Đối với người bị viêm ruột mạn tính, thủng ruột có thể xảy ra cùng với loét đại tràng cấp tính hoặc với bệnh nhân bị Crohn.
  • Thủng đường ruột do thiếu máu đại tràng thứ cấp.
  • Thủng đường ruột do khối u ác tính, ung thư hạch; khối u lành tính vẫn có thể gây thủng; xạ trị ung thư cổ tử cung và khối u ác tính trong ổ bụng; biến chứng thủng ruột do cấy ghép thận; nuốt phải các hóa chất.

Một số nguyên nhân khác:

  • Thủng đường tiêu hóa có thể do các xúc tác bên ngoài;
  • Chứng thiếu máu cục bộ tới sự nghẽn mạch ở ruột.

Điều trị thủng đường tiêu hóa

Các phương pháp chủ yếu để điều trị thủng đường tiêu hóa là:

  • Phẫu thuật: Để đóng lỗ thủng và mục tiêu là chữa nguyên nhân gây ra viêm phúc mạc; loại bỏ các chất do vỡ đường tiêu hóa có trong ổ bụng như phân, mật, thực phẩm...
  • Điều trị nội khoa: Lỗ thủng đã đóng thì người bệnh có thể không phải phẫu thuật và chỉ cần điều trị nội khoa.
  • Có thể phải cắt bỏ một phần của ruột.


Phẫu thuật lấy ra 11 que tăm làm thủng ruột non người đàn ông ở Đồng Tháp