Vì sao ông Tất Thành Cang bị bắt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều 16/12, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP. HCM Tất Thành Cang đã bị tạm giam, khởi tố và khám xét nơi ở. Theo cáo trạng, ông Tất Thành Cang đã vi phạm những gì?

Ông Tất Thành Cang bị cáo buộc hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015, do liên quan đến việc Công ty Tân Thuận (IPC, 100% vốn của UBND TP HCM) bán chỉ định cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại 153 tỷ đồng, theo báo Vnexpress.

Cách đây gần 2 năm, ông Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên Trung ương và Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, do có hàng loạt sai phạm.

Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam ít nhất 18 người, trong đó có:

  • Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC)
  • Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - thuộc Thành uỷ TP HCM)
  • Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco)
  • Lê Hoàng Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC)
  • Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy)
  • Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco - công ty con của IPC).

Ông Tất Thành Cang bị khai trừ Đảng

Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng đối với ông Tất Thành Cang, nguyên Thành ủy viên TP HCM, và ông Lê Văn Phước, cựu chánh án TAND Phú Yên.

Báo Vnexpress viết:

Ban bí thư nhận thấy vi phạm của hai ông này là "rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng". Ông Tất Thành Cang, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM, đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước.

Ông Tất Thành Cang từng làm gì?

Ông Cang sinh năm 1971, quê Long An, là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI (dự khuyết), khoá XII. Từ năm 2004 đến năm 2009, ông là Bí thư Thành Đoàn TP. HCM và giữ vị trí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012

Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông Cang làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, sau đó là Phó chủ tịch UBND thành phố. Ông giữ chức Phó bí thư Thành uỷ TP. HCM từ năm 2016 đến tháng 12/2018.

Theo cáo trạng, ông Tất Thành Cang đã vi phạm gì?

Trong thời gian giữ các vị trí lãnh đạo của TP. HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong 3 vụ việc chính sau:

  1. Ông Cang đã phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
    Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho thành phố để ký kết với Đại Quang Minh làm dự án bị cho là không đúng thẩm quyền. Theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT, thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.
  2. Ông Cang cũng được xác định đã có sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng (Nhà Bè) rẻ hơn giá thị trường không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.
  3. Ông Cang cũng được cho có liên quan đến sai phạm tại Công ty Tân Thuận - IPC và Sadeco khi đang là Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM đã đồng ý chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược gây thiệt hại của Nhà nước khoảng 153 tỷ đồng.

Những bị can khác có liên quan đến vụ án

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cả hai là cổ đông của SADECO), theo báo Tuổi trẻ.

Liên quan đến sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu Công ty SADECO cho Nguyễn Kim, cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can để điều tra.

Liên quan tới sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hôm 20/3 ông Lê Thanh Hải, đã bị cắt chức nguyên Bí thư Thành uỷ TP HCM giai đoạn 2010-2015. Một loạt lãnh đạo UBND thành phố thời kỳ đó cũng bị kỷ luật.

Bán rẻ cổ phần ở SADECO?

Công ty SADECO có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, SADECO có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

Công ty IPC, Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy sẽ cử nhân sự đại diện vốn nhà nước tham gia vào các vị trí, chức vụ quản lý (hội đồng quản trị, ban kiểm soát...) tại SADECO.

Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỉ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền này được SADECO gửi ngân hàng lấy lãi. Quá trình tăng vốn, bán cổ phiếu có vai trò của nhóm đại diện, quản lý vốn nhà nước tại SADECO.

Sự việc này, năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã có kết luận chỉ ra rằng thời điểm phát hành cổ phiếu SADECO chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Việc bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu có khả năng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho SADECO dẫn đến thiệt hại vốn nhà nước.

Đồng thời phi vụ bán chỉ định cổ phiếu giá rẻ trên đã giúp Nguyễn Kim thâu tóm SADECO (sau khi mua 9 triệu cổ phiếu, Nguyễn Kim sở hữu tỉ lệ 34,6% vốn tại SADECO). Trong khi hoạt động kinh doanh tại SADECO rất hiệu quả, tỉ lệ chia cổ tức hằng năm cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%, năm 2017 là 10%).

Còn nhóm cổ đông nhà nước sau khi bán 9 triệu cổ phiếu thì tỉ lệ sở hữu vốn tại SADECO đã giảm sâu.

Ông Tất Thành Cang từng bị phê bình vì sai phạm ở Thủ Thiêm

Hồi tháng 8 năm nay, truyền thông trong nước đưa tin ông Tất Thành Cang vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật về đất đai ở Thủ Thiêm. Nhưng do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên lãnh đạo TP. HCM thống nhất chỉ đưa ra "kết luận phê bình".

Cụ thể, ông Tất Thành Cang thuộc trong số 66 đảng viên do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có dấu hiệu vi phạm liên quan quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ở quận 2, TP.HCM.

Hồi tháng 5/2018, truyền thông đã đưa tin về vụ việc liên quan Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng khu đất 32,5 ha tại xã Phước Kiển (Tân Thuận) cho công ty Quốc Cường Gia Lai.

Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM cho rằng Phó bí thư thường trực Thanh ủy Tất Thành Cang "có trách nhiệm liên quan" tới việc chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền, yêu cầu phải kiểm điểm.

Vụ việc ban đầu được tường thuật vào tháng 4/2018 trên báo Người Tiêu Dùng, với cáo buộc khu đất công được bán với giá "bèo bọt" 419 tỷ đồng. Tờ báo cho rằng nhà nước bị thất thoát tới gần 2.000 tỷ.

Báo Người Tiêu Dùng cáo buộc ông Tất Thành Cang vào khoảng tháng 6/2017 đã "lạm quyền" khi chỉ đạo đồng ý chủ trương chuyển nhượng phần đất.

Hy vọng gì cho dân Thủ Thiêm?

Dù lý do chính khởi tố bắt giữ ông Cang hôm 16/12 không phải là sai phạm liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân mất đất ở Thủ Thiêm cũng có những bình luận.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một dân oan mất đất ở Thủ Thiêm nói với đài RFA hôm 16/12:

“Khi bắt ông Cang thì người dân Thủ Thiêm cảm thấy nhẹ một chút, yên ủi một chút, vì dù sao cái tay thủ ác đã vào tù, còn lý do vào tù thì từ từ tính sau và sẽ liên quan Thủ Thiêm. Vì Thủ Thiêm là một đại án, mà số tiền tham nhũng hàng trăm năm qua trên đất nước này chưa ai có, tính ra tới hàng trăm tấn vàng... Ông Cang này là loại kinh khiếp trong lịch sử.”

Ông Cao Thăng Ca từ Sài Gòn cũng hy vọng trong quá trình điều tra ông Cang, công an sẽ làm việc thêm vấn đề Thủ Thiêm:

“Chắc chắn trong quá trình điều tra ông Cang, công an sẽ làm việc vấn đề Thủ Thiêm. Tại vì vấn đề Thủ Thiêm nặng hơn vụ liên cang công ty Tân Thuận nhiều... Vụ Thủ Thiêm thì ông Cang là sai phạm chính dưới bàn tay sắt của Lê Thanh Hải để cưỡng chế hơn 3.000 hộ dân ngoài ranh quy hoạch, tội này chắc chắn ông Cang phải trả lời trước pháp luật. Còn tội thứ hai là ổng ký làm con đường 12km, mà thanh tra phát hiện 1 ngàn tỷ mỗi cây số vuông, thì chưa chính xác... vì 12km họ đổi từ 79 hecta đất, hơn một trăm ngàn tỷ... Tương đương 7 hecta mỗi cây số là 12 ngàn tỷ mỗi cây số là tội vô cùng nặng.”

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 TP.HCM. Để xây dựng khu đô thị mới này, TP.HCM đã giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Hơn 14 ngàn hộ dân với hơn 60 ngàn người đã mất nhà cửa nên gần 20 năm qua khiếu kiện do mức bồi thường không thoả đáng.

Vấn đề Thủ Thiêm tiếp tục “nóng”

Sáng ngày 1/12 vừa qua, đoàn đại biểu quốc hội TP. HCM khoá 14 và đại biểu HĐND TP. HCM khoá 9 tiếp xúc cử tri quận 2, theo báo Lao Động.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng, họ là người có liên quan trong 5 khu phố 3 phường Bình An, An Khánh, Bình Khánh (quận 2) nhưng không được dự buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 27/11.

Trong khi đó, dù được tham dự buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ nhưng cử tri khác cho rằng, một vụ việc kéo dài hơn 20 năm nhưng người dân chỉ nói vài phút tại buổi đối thoại nên không thể nói lên hết ý kiến.

Một cử tri khác đề nghị chính quyền cần nhanh chóng giải quyết cho người dân ở khu tái định cư, bởi khu tạm cư hiện xuống cấp, không đảm bảo chất lượng sống.

Cử tri Trần Thị Mỹ (79 tuổi) cho rằng, vấn đề Thủ Thiêm đã quá lâu nên TPHCM cần phải thành tâm giải quyết. Bà Mỹ cho rằng, thành phố đã chỉ đạo nhưng cấp dưới không thực hiện và người dân như quả bóng bị đá đi đá lại, theo báo VOV.

"Lãnh đạo Thành phố, cấp trên thành tâm. Đúng, nhưng cần những cán bộ cấp dưới tham mưu phải là người có tâm, có tầm, hết lòng phục vụ dân thì mới giải quyết được. Chứ bây giờ trên thành tâm nhưng ở dưới chính mình gây oan sai nhưng vẫn giữ cái sai, không muốn chỉnh sửa thì 1000 năm cũng không giải quyết được", bà Mỹ bày tỏ.

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Vì sao ông Tất Thành Cang bị bắt?