Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng nay (5/4), Quốc hội Việt Nam đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, trở thành tân Chủ tịch nước với tỷ lệ tán thành 97,5%.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử được bầu giữ chức người đứng đầu Nhà nước và trở thành Chủ tịch nước Việt Nam thứ 11 kể từ năm 1945. Trước đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng vào hôm 2/4.

Do Quốc hội chưa bầu nhiệm kỳ mới nên các chức danh mới được bầu đều được tạm ghi nhận là nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã có nhiều sự thay đổi nhân sự chức danh Chủ tịch nước. Giữa năm 2018, ông Trần Đại Quang từ trần khi đang đương chức, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước từ 23/9 đến 23/10/2018. Ngày 23/10/2018, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước kiêm chức Tổng bí thư.

Ông Nguyễn Xuân Phúc (67 tuổi), là cử nhân Kinh tế, quê ở Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông trở về làm công tác tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với nhiều vị trí công tác ở tỉnh nhà.

Giai đoạn từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng; và vào năm 2016, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng thay ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tại Đại hội XIII (đầu năm 2021), ông Nguyễn Xuân Phúc ông Nguyễn Phú Trọng là hai "trường hợp đặc biệt" (quá tuổi quy định) tái cử và được bầu vào Bộ Chính trị.

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc có thể trở thành Chủ tịch nước đã được giới quan sát tình hình Việt Nam dự đoán từ lâu, theo báo RFA. Hồi tháng 2, một báo cáo ngắn của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cập nhật về quan hệ Mỹ - Việt đánh giá, ông Phúc có thể được chọn để trở thành Chủ tịch nước Việt Nam vào tháng 5 năm nay.

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Việt Nam về hoạt động đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Tân Chủ tịch nước: Việt Nam sẽ 'vượt qua mọi sóng to, gió cả'

Trong bài phát biểu nhậm chức dài gần 9 phút, ông Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, theo Vnexpress đưa tin.

Theo tân Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ vừa qua, "con tàu Việt Nam" đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố, từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp tác động rất nặng nề đến sự phát triển của đất nước.

Lãnh đạo Nhà nước nhận định trong thời gian sắp tới, "con tàu Việt Nam" sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn. Tuy nhiên, ông Phúc tin tưởng đất nước nhất định "sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc".

Việt Nam Chính trị

Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam