Nhiều thí sinh đạt 29,5 điểm vẫn trượt đại học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm nay, nhiều thí sinh đã phải ngậm ngùi tiếc nuối vì không thể đỗ vào ngành học mình yêu thích, dù mức điểm đạt được cao hơn nhiều so với điểm chuẩn của năm ngoái. Có ngành tăng đến 9 điểm so với năm 2020, có ngành lấy trên 30 điểm (tức mỗi môn 10 điểm) nhưng thí sinh vẫn trượt nếu không có điểm cộng ưu tiên.

Tối ngày 19/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có 61 thí sinh đạt tổng 29,5 điểm xét tuyển trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Trong số này, có 60 em chỉ đăng ký một nguyện vọng, một em đăng ký hai nguyện vọng.

Tại Học viện Chính trị Công an nhân dân, có 50 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Nguyên nhân là điểm chuẩn vào trường là 30,34 điểm và chỉ lấy 50 chỉ tiêu nhưng có tới 800 thí sinh đăng ký.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có ngành Sư phạm chất lượng cao lấy 30,5 điểm và Lịch sử chất lượng cao lấy 29,75 điểm; nhưng mỗi ngành chỉ tuyển có 15 sinh viên...

Nhiều bất cập trong xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn của nhiều trường ĐH tăng mạnh

Sau hai ngày 15 - 16/9, đã có hơn 200 trường đại học công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, điểm chuẩn “cao chót vót”, dẫn tới nhiều thí sinh đạt 27 điểm nhưng vẫn trượt nhiều nguyện vọng.

Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, điểm chuẩn tăng một phần do số thí sinh xét tuyển đại học tăng trong khi chỉ tiêu giữ nguyên.

Ngoài ra, sự dịch chuyển trong xu hướng lựa chọn ngành nghề, điểm thi tốt nghiệp THPT cao cũng tác động đến mức điểm trúng tuyển.

Năm nay, số thí sinh đạt điểm thi từ 24 điểm trở lên ở nhiều tổ hợp tăng mạnh. Khối D01 tăng khoảng 74.000 thí sinh. Khối A01 tăng khoảng 42.000. Khối C01 tăng khoảng 11.300. Trong khi đó, khối A00 giảm 8.700 thí sinh, khối B00 giảm khoảng 900 thí sinh.

So với năm 2019, điểm các môn Toán, Lý, Hóa không có nhiều biến động. Do đó, điểm chuẩn của những tổ hợp có xét 2 môn: Toán, Lý hoặc Toán, Hóa năm nay đều không tăng mạnh.

Cụ thể, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, tỉ lệ thí sinh đạt 8 - 10 điểm môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay lên tới 25,8%; so với cách đây 4 năm thì tỉ lệ này chỉ là 1,2%.

Với môn Toán, tỉ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 25,87%, năm ngoái là 29,7%, năm 2019 là 9,2% và 2018 chỉ có 1,2%. Số điểm trung bình của thí sinh ở môn này cũng tăng dần theo từng năm: từ 4,86 điểm vào năm 2018 lên 6,61 điểm vào năm 2021.

Môn Lý, tỉ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 18,3%, năm ngoái là 23,95%, năm 2019 là 6% và năm 2018 chỉ có 2,7%. Số điểm trung bình thí sinh đạt được ở môn này cũng tăng từ 4,97 điểm (năm 2018) lên 6,56 điểm (năm 2021).

Môn Hóa, tỉ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên chiếm 24,9% tổng số bài thi, trong khi tỉ lệ này năm 2020 là 27,4%, năm 2019 là 3,9% và năm 2018 là 2,6%. Số điểm trung bình thí sinh đạt được ở môn Hóa vào năm 2021 cũng tương tự như năm 2020.

Tiếng Anh là môn gây nhiều bất ngờ nhất trong năm nay khi số lượng điểm giỏi tăng đột biến. Tỉ lệ điểm 8 trở lên chiếm 22,4% tổng số bài thi, trong khi tỉ lệ này vào năm 2020 là 6,4%, năm 2019 là 5,96% và năm 2018 là 2,7%.

Ngoài ra, số lượng điểm 10 môn tiếng Anh năm nay cũng tăng gấp hơn 20 lần năm ngoái. Vì vậy, có một số trường có các ngành xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh có điểm chuẩn tăng rất mạnh. Nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến hơn 10 điểm so với năm trước.

Môn Ngữ văn, tỉ lệ bài thi từ điểm 7 trở lên cũng rất cao, chiếm 41,7% tổng số bài thi. Tỉ lệ này năm 2020 là 46%, năm 2019 là 14,4% và năm 2018 là 17,4%. Mức điểm trung bình của môn này cũng không có nhiều biến động.

Môn Địa lý, tỉ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 22%, trong khi năm ngoái là 16,5%, năm 2019 là 5,55% và 2018 chỉ có 3,16%...

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Hà Nội), điểm chuẩn năm nay cao do nhiều lý do như: Mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỉ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...

Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, ông Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, các trường sẽ chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.

Một vị phụ huynh tại Nghệ An chia sẻ, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một đề thi tốt nghiệp THPT không nhiều tính phân hóa đã dẫn đến kết quả “đánh đồng” học sinh khá và giỏi, nhưng các trường đại học lại lấy đó làm căn cứ tuyển sinh.

Thành Trung

Việt Nam Giáo dục

Nhiều thí sinh đạt 29,5 điểm vẫn trượt đại học