Luật sư nói gì về ý kiến cho rằng cá nhân quyên góp tiền cứu trợ là vi phạm pháp luật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước việc nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu trợ người dân vùng lũ nhưng có khả năng bị xem là vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC, các luật sư đã đưa ra các nhận định trái chiều.

Cụ thể, Luật sư Ngô Ngọc Trai (từ Hà Nội) cho hay, cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".

Viết trên Facebook cá nhân, vị luật sư Hà Nội chỉ ra rằng, nội dung Nghị định 64/2008/NĐ-CP quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Có diễn giải khác, ông Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019. Tại cả 2 văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện.

Ông Bá cho biết, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định rõ, hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm.

Theo luật sư Vũ Quang Bá, việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như: Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện.

Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hoạt động kêu gọi từ thiện từ cá nhân như của nữ ca sĩ Thủy Tiên vừa qua là từ thiện tự phát và không phải tuân theo các quy định của pháp luật, mà được điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức.

Luật sư Cường cho biết, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Theo luật sư Cường, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng, cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức.

Về Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP, luật sư Cường cho biết, những quy định này đang có những hạn chế nhất định và chưa thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Theo luật sư Cường, những quy định pháp luật không còn phù hợp có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện.

Quan điểm của luật sư Cường là Chính phủ nên có những dự thảo sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật này, hoặc có những văn bản dạng thông tư, quyết định, chỉ thị để bổ sung làm rõ những trường hợp hoạt động từ thiện từ cá nhân như Thủy Tiên, để tránh gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo đúng Nghị định 64

Truyền thông Việt Nam tối 21/10 đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ.

Bảo đảm việc quyên góp hỗ trợ theo đúng quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.

Chiều 21/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, tinh thần chung là các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo đúng Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Ông Mẫn nhấn mạnh, Nghị định này vẫn đang còn hiệu lực thi hành và không có gì lạc hậu.

Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".

Việt Nam Chính trị

Luật sư nói gì về ý kiến cho rằng cá nhân quyên góp tiền cứu trợ là vi phạm pháp luật?