Nguyên nhân 'cảnh sát bụng to' sẽ không làm nhiệm vụ ngoài đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Công an xác định cảnh sát giao thông là lực lượng "mặt tiền của mặt tiền", thường xuyên tiếp xúc với người dân ở ngoài đường, nên cần có quy chuẩn riêng.

Ngày 29/9, Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) cho biết về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện dự thảo luật này đang được Quốc hội xem xét.

Theo dự thảo, Cục CSGT sẽ nghiên cứu, đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của các cảnh sát giao thông (CSGT) trước khi tuyển chọn làm nhiệm vụ ngoài đường.

“Anh nào vòng 2 to không cho ra đường luôn, sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ một”, Phó Cục trưởng C08 nói với truyền thông trong nước.

Dự kiến, Cục CSGT sẽ điều chuyển những cảnh sát không đủ điều kiện làm nhiệm vụ ngoài đường do vòng bụng to đến làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn. Khi được ban hành, quy định này sẽ áp dụng cho CSGT trên toàn quốc.

Vì sao cảnh sát bụng to sẽ không được làm nhiệm vụ ngoài đường?

"Cảnh sát bụng to sẽ gặp khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy, do vậy chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng quy định những cán bộ vòng 2 to sẽ không làm nhiệm vụ ngoài đường", lãnh đạo Cục CSGT giải thích.

Ngoài ra, Bộ Công an xác định cảnh sát giao thông là "mặt tiền của mặt tiền", thường tiếp xúc với dân ở ngoài đường nên cần xây dựng hình ảnh mạnh khỏe, chuyên nghiệp.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, hiện vẫn còn cán bộ bụng to làm nhiệm vụ ngoài đường. Các nhiệm vụ bình thường như xử phạt, họ vẫn đáp ứng được. Nhưng khi có tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải quyết, hỗ trợ nạn nhân tai nạn, cảnh sát béo quá sẽ ục ịch, nặng nề, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Thông tư 24/2013 về tiêu chuẩn rèn luyện thể lực hàng năm trong công an nhân dân áp dụng với các lực lượng, trong đó có cảnh sát giao thông, nam sẽ phải kiểm tra đủ 4 môn gồm chạy 100 m; chạy 1.500 m; tại chỗ bật xa; nằm sấp chống đẩy hoặc co tay xà đơn (được chọn một trong hai nội dung). Nữ phải chạy 100 m; chạy 800 m; tại chỗ bật xa.

Ý kiến của người dân về "cảnh sát bụng bự" ra đường

Một ý kiến nói với hãng tin RFA: "Chuyện này đã có từ lâu, không chỉ có cảnh sát giao thông mà những ai bên lực lượng cảnh sát an ninh có giao tiếp với người dân thường xuyên mà bụng to thì trông rất phản cảm".

Một bạn trẻ nói: "Em nghĩ cái đó cũng hợp lý vì nếu một người cảnh sát giao thông bụng bự, cơ thể quá nặng nề thì khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra thì họ không thể nào chạy rượt đuổi hay truy bắt, đủ sức lực để thực hiện nhiệm vụ. Còn về thẩm mỹ thì người cảnh sát có tướng đẹp thì nhìn sẽ được hơn là một người bụng bự”.

Một ý kiến khác cho rằng: "Bụng to trông như ông quan rõ ràng là sinh hoạt bê tha, rượu, bia, ít tập luyện thể lực, những người như thế không đủ tư cách, không đủ sức khỏe là đúng. Đấy thì bất cứ đơn vị chuyên môn nào về lãnh vực mang tính chất kỷ luật phải dùng đến sức khỏe cũng như hình dáng và sự nhanh nhẹn giống như quân đội, công an hay biên phòng, hải quan".

Một ý kiến bình luận trên báo Thanh Niên: "Có một thời ra đường toàn gặp CSGT "ông địa" trông rất phản cảm, so sánh với CSGT các nước trong khu vực thấy xấu hổ!"

Một bình luận khác: "Cái cần nhất là đạo đức nghiệp vụ, cách hành xử văn minh, ăn nói nhẹ nhàng khi làm nhiệm vụ".

Việt Nam không phải là nước đầu tiên hạn chế nhiệm vụ lực lượng cảnh sát do có vòng bụng lớn mà ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia được nói cũng đã áp dụng trước đây.

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Nguyên nhân 'cảnh sát bụng to' sẽ không làm nhiệm vụ ngoài đường