Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã ở Thanh Hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11/4, chính quyền huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu cá, mẫu nước của cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân cá nuôi lồng, cá tự nhiên trên sông Mã bị chết hàng loạt không phải do dịch bệnh.

Cụ thể:

Kết quả xét nghiệm mẫu cá chết trên sông Mã (đoạn qua thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) của Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho thấy:

Khi mổ cá không thấy bị xuất huyết bên ngoài; mang và nội tạng cá bình thường; không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường; không ghi nhận dấu hiệu bệnh nào trên số cá chết.

Kết quả kiểm tra 2 mẫu cá chết trên sông Mã của Viện Nuôi trồng thủy sản I thuộc Bộ NN&PTNT cho thấy:

Không phát hiện vi khuẩn gây bệnh trên mẫu cá. Cá chết trên sông Mã không phải do mắc bệnh truyền nhiễm.

Kết quả kiểm tra 3 mẫu nước lấy từ sông Mã đoạn có cá nuôi lồng bị chết của Viện Nuôi trồng thủy sản I cho thấy:

Mật độ vi khuẩn trong 3 mẫu nước này nằm trong giới hạn cho phép, mật độ vi khuẩn trong nước không gây chết cá.

Như vậy, bước đầu cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân cá nuôi lồng, cá tự nhiên trên sông Mã bị chết hàng loạt gần một tháng qua không phải do dịch bệnh.

Trước đó, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin, từ ngày 15/3 đến nay, trên sông Mã, dọc qua địa bàn các xã Lương Ngoại, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và TT.Cành Nàng của H.Bá Thước ghi nhận tình trạng thủy sản chết trắng.

Theo thống kế từ UBND huyện Bá Thước, từ ngày 15/3 đến 8/4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng bị chết, và khoảng 380 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được.

Tổng cộng có 159 hộ nuôi cá lồng có cá chết, số lồng cá chết là 214 lồng. Được biết, toàn H.Bá Thước có hơn 600 hộ dân nuôi cá lồng trên sông Mã. Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng. Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt:

  • Đợt 1: từ ngày 15 đến 20/3;
  • Đợt 2: vào ngày 26/3;
  • Đợt 3: vào ngày 30/3;
  • Đợt 4: từ ngày 4 đến 9/4.

Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, trước mắt, UBND huyện Bá Thước quyết định hỗ trợ người dân 20.000 đồng/1 kg cá chết. Huyện cũng đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho người dân để người dân bớt thiệt hại. Ngày 9-4, UBND huyện Bá Thước cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành rà soát tất cả các cơ sở sản xuất có thải nước thải ra sông Mã để xác định các doanh nghiệp có xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã gây ô nhiễm nguồn nước hay không.

Trao đổi với báo chí, ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch huyện Bá Thước cho biết, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác liên ngành cùng chính quyền địa phương, trong ngày 11/4 sẽ kiểm tra toàn bộ các cơ sở chế biến lâm sản nằm dọc sông Mã trên địa bàn huyện gồm: quy trình xử lý nước thải, hệ thống xả nước thải của các cơ sở chế biến lâm sản để xác minh, phát hiện có cơ sở nào xả trộm nước thải khi sản xuất xuống sông Mã gây ra tình trạng cá chết hàng loạt hay không.

"Nếu phát cơ sở nào gây ô nhiễm, sẽ đề nghị tỉnh dừng hoạt động vĩnh viễn. Trước mắt, huyện đã quyết định hỗ trợ 20.000 đồng/1 kg cá chết cho người dân và đang tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm”, ông Khoa nói.

Đến ngày 10/4, nước trên sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước vẫn có màu đen và mùi hôi tanh.


Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã ở Thanh Hóa