Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Trong đời sống phải hướng tới Chân Thiện Nhẫn'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói, viết văn là quá trình "đi tìm bản thân tôi, đi tìm đạo". Ông quan niệm đạo trong văn chương thường phải hướng tới chân, thiện, mỹ còn trong đời sống phải hướng tới Chân Thiện Nhẫn.

Nguyễn Huy Thiệp, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam sau 1975, đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội. Con trai cả của nhà văn cho biết, ông mất lúc 16h45 chiều 20/3, thọ 71 tuổi, theo truyền thông trong nước đưa tin.

Tin tác giả Tướng về hưu qua đời vẫn khiến bạn bè và nhiều người mến yêu tài năng của ông thương tiếc. Hàng loạt văn nghệ sĩ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bảo Sinh, Lê Thiết Cương… đăng những dòng từ biệt. Nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam đặt bản tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lên trang nhất.

Tờ Tuổi Trẻ đăng tin ông mất với dòng tiêu đề: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, văn đàn Việt Nam ‘lòng buồn không tả nổi". Bản tin cho hay, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra cùng gia đình tổ chức tang lễ cho nhà văn, dự kiến tại Nhà tang lễ quốc gia.

Nhà văn của những cách tân

Sinh năm 1950, ông Nguyễn Huy Thiệp quê quán Thanh Trì, Hà Nội, tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970. Ông được đánh giá là nhà văn có nhiều cách tân trong văn học Việt Nam.

Chùm ba truyện ngắn Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết đăng trên báo Văn nghệ năm 1988, gây ra tranh cãi lớn vì tác giả đưa ra cái nhìn khác hẳn về các nhân vật lịch sử như Vua Gia Long và Vua Quang Trung.

Trong văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có số lượng tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác vào hàng bậc nhất. Bắt đầu viết từ năm 36 tuổi, ngưng ở tuổi 50, ông có 21 đầu sách in tại Pháp và nhiều sách ở các ngôn ngữ khác: Đức, Ý, Anh, Nhật, Hàn,...

Tháng 10 năm 1998, Nguyễn Huy Thiệp đến Đại học U.C. Berkeley nói chuyện và tham dự hội luận về văn học Việt Nam thời đổi mới.

Một người đặt câu hỏi: "Ông nói nước Việt Nam đi sau thế giới 50 năm. Vậy Việt Nam cần làm gì và cộng đồng thế giới cần làm gì?"

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trầm ngâm rồi trả lời: "Có lẽ phải là văn hoá. Không phải là kinh tế. Việt Nam cần cả một cộng đồng nhân hậu, lương thiện. Nhưng đấy là một mơ mộng ảo tưởng".

Một trong các bài thơ cuối cùng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi lại cuộc đời có đoạn:

"Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…".

Nguyễn Huy Thiệp: 'Văn học như là sự tu thân'

Năm 2008, trả lời phỏng vấn của BBC News tại London, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói khi ông viết các tác phẩm trong giai đoạn 1987-1992, chúng "mang tính bản năng, điều gì trào ra từ trong lòng thì viết".

"Từ 1992 trở đi, sự xuất xử của tôi có khác. Có lúc tôi im, có lúc tôi đưa tác phẩm ra".

Ông giải thích rằng: "Trong quá trình tìm chính mình này, văn học là công việc như là sự tu thân, một phương tiện để khám phá bản thân, và khám phá xã hội".

Nhà văn cho biết: "Từ 1992, sau khi tôi gặp gỡ đạo Phật, cách viết của tôi có khác. Có lúc như bông đùa, có lúc nghiêm nghị".

Trước câu hỏi có phải một số truyện ngắn của ông cay nghiệt với con người, và nói về chính trị xấu quá, nhà văn trả lời: "Một số truyện của tôi không cay nghiệt. Điều cốt yếu chính là lòng nhân ái".

Giai đoạn đầu ông chịu ảnh hưởng của dòng văn học trước đó, hơi hướng ra bên ngoài. Còn giai đoạn sau là hướng vào bên trong, "quán âm hơn", để lắng nghe tiếng nói trong lòng mình, và để sau đó là "những tiếng cười".

Khủng hoảng tinh thần

Bài viết trên báo Tiền Phong cho biết, năm 2015, Nguyễn Huy Thiệp từng kinh qua một đoạn khủng hoảng tinh thần, đến mức ông nghĩ đến việc dọn dẹp cuộc đời, chuẩn bị đi đến một nơi không ai biết, chết một cái chết không phiền lụy ai.

Trong lúc đang gói ghém đồ đạc thì có hai vị khách nữ đến thăm. Ông bảo, chả có lòng dạ nào tiếp khách nhưng lúc ấy trời đột nhiên mưa, thế là đành giữ họ lại. Một trong hai người phụ nữ ấy tặng ông một cuốn sách và bảo ông nhất định phải đọc.

Bài báo cho biết:

Tiễn khách về, Nguyễn Huy Thiệp bảo, chỉ là tiện tay ngồi lật, thì đọc một mạch hơn ba tiếng. Đọc chưa hết bài giảng thứ nhất, ông đã cảm thấy đó là một cuốn sách kỳ lạ. Nó giải thích được những câu hỏi mà ông trên con đường tìm đạo vẫn băn khoăn, những vấn đề mà ông vẫn ngờ ngờ không hiểu. Tại sao lại thế, tại sao mình sống trong đời này, tại sao vợ như thế, con như thế?

Sau đó ông bỏ vé và dùng khoảng hai tuần đọc hết chín bài giảng, cảm thấy trước nay mình sai bét rồi, mình bị mê mà không biết.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Vô đạo thì giời cũng bỏ"

Trong một bài phỏng vấn trên báo Vnexpress năm 2016, Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận sự phũ trong văn của ông là cách để phản ứng tức thì với đời sống. "Tuy nhiên, cao hơn chữ 'phũ' phải là chữ 'chân'. Phải chân thực", ông chia sẻ.

Ông nói một xã hội sụp đổ, hỗn loạn không phải vì kinh tế hay vấn đề gì khác mà bởi vô đạo. Trong gia đình, nếu vợ chồng, con cái không giữ đạo thì sẽ đổ vỡ. Nguyễn Huy Thiệp thú nhận ông cũng là người có nhiều thói xấu. "Tôi cũng mê tiền, cũng thích phụ nữ...

Ông cho rằng một người viết sẽ không còn hay nếu như đánh mất đạo viết. "Vô đạo thì giời cũng bỏ", Nguyễn Huy Thiệp khẳng định.

Phát biểu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Phát biểu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Với tác giả, viết văn là quá trình "đi tìm bản thân tôi, đi tìm đạo". Ông quan niệm đạo trong văn chương thường phải hướng tới chân, thiện, mỹ còn trong đời sống phải hướng tới Chân, Thiện, Nhẫn.

Ông cho rằng, nhà văn là những người thường đau đáu về đạo, nhưng "họ cũng có lúc nhầm lẫn, sơ suất, lung tung, có người nói hay, nói dở, nói ngọng nhưng thức tỉnh người ta hướng về đạo. Không phải vào chùa, xây tượng Phật mà phải tìm thấy Đạo ở chính nội tâm của mình".

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Trong đời sống phải hướng tới Chân Thiện Nhẫn'