Người tâm thần phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai vụ việc gây rúng động dư luận mới đây là "động bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và vụ nữ công nhân bị sát hại khi đang làm việc trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý người tâm thần. Một câu hỏi đặt ra là người bị tâm thần phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình hình sự?

Theo các chuyên gia tội phạm học, tội phạm hình sự thường dùng hồ sơ tâm thần để làm “kim bài” thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự. Do đó, việc giám định pháp y tâm thần cực kỳ quan trọng, phải được thực hiện cẩn trọng, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm.

Trên VGP, ông Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP. Hà Nội) cho biết, các loại tội phạm trong đó có tội phạm ma túy thường “dựng” hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, tội phạm do sử dụng các loại ma túy tổng hợp có thể xuất hiện ảo giác, loạn thần, có biểu hiện giống tâm thần. Trong khi việc giám định hiện nay, nếu kết luận đối tượng bị tâm thần thì cơ quan công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

“Tuy nhiên, lại không có quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc, khi khỏi bệnh mới chấm dứt được. Nếu như có sự tiếp tay của các bác sĩ thì bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài, ngoài điều trị nội trú thì bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, càng khó kiểm soát”, ông Hiền nói.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong vụ "động bay lắc" tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, đối tượng đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng lại có những thủ đoạn rất tinh vi, có dấu hiệu của các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, thì đây là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Tuy nhiên, không phải cứ là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ liệu đây có phải là đường dây mua bán ma túy lớn với thủ đoạn tinh vi và lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đối phó hay không? Không thể có một bệnh nhân tâm thần mà tổ chức mua bán, sử dụng ma túy tinh vi như thế được. Cơ quan chức năng cần xác định khi thực hiện hành vi phạm tội, Quý ở trong trạng thái ra sao? Việc có chịu trách nhiệm hình sự hay không đối với Quý và các đồng phạm phụ thuộc rất nhiều vào kết luận giám định này.

Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Quý và đồng phạm được xác định là vẫn bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không nhận thức được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp, người mắc bệnh đang điều trị bệnh tâm thần nhưng khi thực hiện hành vi, họ lại không phát bệnh, tức là làm chủ được hành vi của mình, kết luận giám định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội họ có khả năng nhận thức thì phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường.

Về vụ án xảy ra tại quận Cầu Giấy, cái chết của nhân viên môi trường đô thị, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người bệnh không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng.

Quy định hiện hành về trách nhiệm hình sự của người mắc bệnh tâm thần khi phạm tội

Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định, người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đã phạm.

Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (tại khoản 1 Điều 206). Nếu kết quả giám định cho thấy người này thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả giám định để đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất.

Theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự hiện hành, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh. Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015.

Lưu ý: Mặc dù có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.

Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011 quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là, khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Sau khi đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định, nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ được trở về gia đình.

Việt Nam Xã hội

Người tâm thần phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự?