Ngay sau bão số 9 mạnh nhất từ đầu năm, khả năng xuất hiện cơn bão số 10 trên Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, ngay sau bão số 9 (tên quốc tế Molave), khả năng sẽ xuất hiện cơn bão số 10 và trong nửa đầu tháng 11, dự báo sẽ có thêm 1 đến 2 cơn bão nữa xuất hiện trên Biển Đông.

Chiều 26/10, tại cuộc họp thông tin về cơn bão số 9 của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, ngay sau cơn bão số 9, khả năng lại xuất hiện cơn bão số 10.

Và tới đây, trong nửa đầu tháng 11, dự báo sẽ có thêm 1 đến 2 cơn bão nữa xuất hiện trên Biển Đông. Tuy nhiên theo ông Lâm, vì bão số 9 là cơn bão rất mạnh khi vào bờ nên phải tập trung ứng phó.

Bão Goni trở thành siêu bão, dự kiến là cơn bão số 10

Siêu bão Goni trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2020 chỉ sau một ngày, dự kiến đi vào biển Đông vào ngày 2/11.

Tính đến 1h sáng ngày 31/10, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão Goni gần 290 km/h. Goni mạnh lên và trở thành siêu bão mạnh nhất thế giới chỉ sau một ngày nhờ nền nhiệt ấm trên vùng biển ở phía đông Philippines.

Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng tại bang Hawaii, Mỹ, mô tả Goni là "một cơn rất mạnh". Ảnh vệ tinh cho thấy Goni có hình dạng đối xứng "gần như hoàn hảo" với tâm rõ ràng, đặc trưng của những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất.

Goni được dự báo sẽ suy yếu khi quét qua đảo Luzon của Philippines, có thể mạnh trở lại khi vào Biển Đông. Bão Goni có thể đổ bộ vào Việt Nam ngày 4/11.

Như vậy, bão Goni dự kiến sẽ trở thành cơn bão số 10 vào Việt Nam với diễn biến rất phức tạp.

Dự báo hướng đi của siêu bão Goni. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Dự báo hướng đi của siêu bão Goni. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Bão số 10 đang dần hình thành trên biển Đông

Hiện tại, một vùng áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở tọa độ khoảng 16,2 độ vĩ bắc, 140,5 độ kinh đông trên Thái Bình Dương và đang mạnh dần lên, phía Philippines đã đưa ra cảnh báo về vùng áp thấp nhiệt đới này. Dự kiến vùng áp thấp này sẽ mạnh dần lên thành cơn bão số 10.

Về đường đi cơn bão số 10, các chuyên gia thời tiết cho rằng nó có hướng di chuyển khá giống bão số 9 (Molave). Vùng đổ bộ có khả năng lệch xuống phía nam so với cơn bão số 9.

Thời gian bão số 10 vào Biển Đông nếu nhanh sẽ rơi vào ngày 1/11, chậm hơn là ngày 2 và cũng có cường độ khá mạnh.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới mới, dự kiến hình thành cơn bão số 10. (Ảnh: Mô hình dự báo của Nhật Bản)
Đường đi của áp thấp nhiệt đới mới, dự kiến hình thành cơn bão số 10. (Ảnh: Mô hình dự báo của Nhật Bản)

Thời điểm hiện tại đang có không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc, do đó thời điểm bão số 10 vào Biển Đông sẽ bị đẩy lệch xuống phía Nam hơn so với bão số 9.

Bão Goni có diễn biến phức tạp

Sáng 29/10, Đài khí tượng Nhật Bản đã phát tin bão Goni ở ngoài khơi Philippines, cơn bão có khả năng vào Biển Đông thành bão số 10 và ảnh hưởng tới miền Trung.

Dự báo xa cho thấy bão Goni có khả năng ảnh hưởng Trung Bộ vào tuần sau với diễn biến tương đối phức tạp do khi vào gần biển Đông, bão Goni sẽ có tương tác với không khí lạnh.

Các dự báo cho thấy, cơn bão số 10 có xu hướng di chuyển hướng lên phía Bắc, gần khối không khí lạnh.

Theo mô hình dự báo của Nhật Bản, đường đi của bão Goni có sự "đánh võng" theo hướng tây nam từ vị trí cơn bão hình thành, sau đó đổi hướng tây bắc khi vào Biển Đông và hướng vào các tỉnh miền Trung.

Đối phó với cơn bão số 9

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đối với các cơn bão khi vào Việt Nam sẽ kèm theo khối mây đối lưu trước bão gây dông, gió giật mạnh và cơn số 9 cũng không ngoại lệ.

Do vậy, dự báo đến ngày 28 bão mới đổ bộ đất liền nhưng ảnh hưởng, tác động của bão sẽ đến từ đêm 27/10. Ông Lâm lưu ý, mọi công việc chuẩn bị, ứng phó với bão cần hoàn tất trong ngày 27/10.

Hồi 19h ngày 26/10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 430 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 19h ngày 27/10, vị trí tâm bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 200 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19h ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Nam Lào với sức gió mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Từ sáng sớm đến chiều ngày 28/10

  • Vùng ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; trong đất liền cấp 9-10, giật cấp 12.
  • Vùng ven biển các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; trong đất liền gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
  • Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
  • Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200 mm/đợt.

Từ 28-31/10 vùng mưa lớn dịch ra phía Bắc, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.


Ngay sau bão số 9 mạnh nhất từ đầu năm, khả năng xuất hiện cơn bão số 10 trên Biển Đông