Ngày 27/7: Hà Nội phạt hơn 800 trường hợp vi phạm, người Bình Dương không được ra đường sau 18h

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công an TP. Hà Nội cho biết, trong ngày 27/7, Thành phố đã xử phạt hành chính 804 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Các trường hợp vi phạm bị xử phạt gồm:

  • 252 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt 430 triệu đồng;
  • 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động bị xử phạt 207,5 triệu đồng;
  • 537 trường hợp bị xử phạt hơn 896 triệu đồng về các hành vi vi phạm khác như: không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...

Như vậy, trong 4 ngày đầu tiên áp dụng việc phòng dịch theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 24/7, Hà Nội đã xử phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 24/7, Sở Tư pháp Hà Nội công bố mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 mà thành phố đang áp dụng; trong đó, mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tới 20 năm.

Người dân Bình Dương không ra đường sau 18h hằng ngày

Chiều 27/7, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch về việc áp dụng biện pháp người dân không ra khỏi nhà vào buổi tối, từ 18h đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu từ 18h ngày 28/7. Động thái này được đưa ra nhằm kiểm soát tốt, ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh trong bối cảnh Bình Dương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới trong những ngày qua.

Các trường hợp được đi lại trong khung giờ trên, gồm: Cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; Các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện ít nhất đến hết ngày giãn cách xã hội.

Trước đó, từ 0h ngày 19/7, Bình Dương đã áp dụng giãn cách toàn xã hội 14 ngày với quyết tâm nhanh chóng khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sau hơn một tuần giãn cách xã hội, Bình Dương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới, trong đó phát hiện nhiều trường hợp thông qua xét nghiệm diện rộng.

Đến nay, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 8.830 ca mắc COVID-19; có 822 bệnh nhân khỏi bệnh; 38 bệnh nhân tử vong. Hiện tại, toàn tỉnh này có 732 khu vực đang phong tỏa với 86.987 người; 119 điểm cách ly tập trung với 19.317 người đang cách ly và 7.790 trường hợp F1 cách ly tại nhà.


Ngày 27/7: Hà Nội phạt hơn 800 trường hợp vi phạm, người Bình Dương không được ra đường sau 18h