Năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan.

Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn trên Chuyên Trang Điện Tử Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết nhiều chuyên gia trong ngành điện từng nói để làm 1 đơn vị điện nhiều nước chỉ cần 2,5 lao động, còn Việt Nam là 20 – 55 lao động.

Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam thấp vẫn được nhắc tới trong nhiều năm qua.

Hôm 31/3, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo đánh giá thường niên nền kinh tế Việt Nam, ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu và tham khảo từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng 5,4% trong năm 2020 và ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2019 là 6,2%). Cụ thể, năng suất lao động bình quân là 117,94 triệu đồng, tương đương khoảng 5.081 USD/lao động.

Trong giai đoạn 10 năm từ năm 2011 đến 2020, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 5,1% (cao hơn mức trung bình của ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan và 2 lần so với Philippines.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng dẫn chứng thông tin từ báo cáo trong năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang tụt hậu 10 năm so với Thái Lan, 40 năm so với Malaysia và 60 năm so với Nhật Bản.

Theo khảo sát của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện với 380 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động làm gia tăng số lao động bị thiếu việc làm.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), tỉ lệ thiếu việc làm của Việt Nam năm 2020 là 2,51% (so với 1,5% năm 2019) - mức cao nhất trong 5 năm qua.

Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam thấp và tụt hậu hàng thập kỷ so với các nước trong khu vực đã được nhắc tới nhiều nhưng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.

Nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình là 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha).

Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp. Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần; 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Nông nghiệp Phan Tấn (Đồng Tháp), ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam đã quá lạc hậu và sắp đi vào ngõ cụt so với tốc độ phát triển của các nước trong khu vực. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước hầu như ngày càng vắng bóng trên thị trường và dần tự đánh mất vị thế.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do Việt Nam chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng, dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành. Nguồn lực đầu tư cho ngành luyện kim, cơ khí còn thấp so với những ngành kinh tế, công nghiệp khác khiến phần lớn máy móc lạc hậu, các thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu...

Nhìn rộng hơn ở ngành công nghiệp và tiến trình hiện đại hoá, mục tiêu hiện đại hoá Việt Nam vào năm 2020 đã thất bại và Việt Nam lại lùi thời hạn thêm 10 năm nữa - sẽ tiếp tục phát triển trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Tuy nhiên, những bất cập từ cả chính sách vĩ mô và vi mô liệu có được điều chỉnh kịp thời để tạo ra sự thay đổi bứt phá trong 10 năm tới hay không?

Trong một buổi toạ đàm về chính sách công nghiệp hoá cho Việt Nam vào năm 2016, Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno đã đưa ra nhận xét rằng, chính sách công nghiệp của Việt Nam không tốt, xếp hạng ở nhóm cuối của 20 quốc gia mà ông từng làm việc, thậm chí một số quốc gia châu Phi còn có chính sách công nghiệp tốt hơn Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam viết các bản chiến lược phát triển ngành công nghiệp theo kiểu chương, hồi như các cuốn sách cổ. Việt Nam chọn tới 19 ngành công nghiệp làm mũi nhọn là quá nhiều và chỉ nên giới hạn ưu tiên cho 5 ngành mà thôi.

Theo phân tích của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế đều không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Kết quả và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng tương tự như Việt Nam.

Theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tư duy kinh tế giản đơn cùng với tâm lý chạy theo tăng trưởng về số lượng (bệnh thành tích), đưa đến tình trạng chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, các giải pháp bị lãng phí, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Sự lạc hậu tư duy này dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương, trong định hướng về chính sách tái cơ cấu tăng trưởng, chính sách đầu tư phát triển các yếu tố nguồn lực, các ngành mũi nhọn của địa phương và quốc gia.

Một nguyên nhân khác là do tư duy cục bộ, lợi ích nhóm, cá nhân, chạy theo lợi ích ngắn hạn, mang tính nhiệm kỳ chi phối làm méo mó quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế, chính sách phân bổ ngân sách, làm mất đi tính khách quan thực tế.

Những hạn chế trong tư duy “thành tích” và cục bộ này cũng dẫn tới những thiếu sót trong chiến lược dài hạn phát triển con người. Việc cải thiện chất lượng nguồn lao động để tăng năng suất lao động cũng là một "bài toán" không dễ giải quyết.

Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động Việt Nam qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 chỉ chiếm 24,1% tổng lực lượng lao động. Tỉ lệ này ở khu vực thành thị là 39,9% và ở nông thôn là 16,3%.

Trong số 75,9% số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ vẫn có những lao động lành nghề, có kinh nghiệm thực tế nhưng chưa qua trường lớp như: thợ mộc, thợ xây... Nhiều ngành nghề trong số này vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá và công nhận trình độ của người lao động. Với việc hoàn thiện hơn nữa phương diện này, năng suất lao động của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng lên, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù vậy, chất lượng của lực lượng lao động còn liên quan chặt chẽ đến các chính sách đào tạo – giáo dục trong dài hạn.

Cùng nhìn lại một vài chỉ số về xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2019, trong tổng số 32 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỉ USD, hàng công nghiệp chiếm 29/32 mặt hàng và 5/5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD (là các ngành: điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc - thiết bị). Trong đó, hàng điện tử đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, riêng mặt hàng điện thoại di động đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu.

Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào ngành hàng sản xuất điện thoại di động, doanh nghiệp Việt Nam gần như chỉ thu được phí gia công, lắp ráp cho nước ngoài.

Tính từ năm 2009 đến 2018, người lao động Việt Nam đã sản xuất tổng cộng hơn 1 tỉ thiết bị di động cho Samsung.

Năm 2017, chỉ riêng Tập đoàn này đã đóng góp 25,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với 54,4 tỉ USD. 50% thiết bị di động của Samsung cung cấp ra thị trường toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, công việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam chủ yếu là lắp ráp, vì thế chủ yếu yêu cầu lao động trình độ phổ thông.

Cùng với ngành hàng điện thoại di động, thiết bị điện tử, các ngành dệt may, giày dép cũng tương tự. Chưa kể đến nguồn lao động Việt Nam bị “chảy” ra nước ngoài qua xuất khẩu lao động hàng năm cũng liên quan đến các việc làm phổ thông, giản đơn. Sau khi hết hợp đồng lao động nhiều năm tại nước ngoài, lực lượng này trở về nước và lại cần thêm thời gian để đào tạo ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, độ tuổi tốt nhất để tiếp nhận tri thức và công nghệ trong công việc đã qua đi rồi.

Như vậy, việc chuyển đổi để nâng cấp lực lượng lao động từ công việc lắp rắp, làm việc phổ thông sang các công việc có chất xám và sáng tạo – một trong những yếu tố then chốt để nâng cao năng suất lao động - là một con đường dài ở phía trước.

Lê Minh

Việt Nam Xã hội

Năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia