Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có phạm pháp?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán, không dùng tiền mặt được pháp luật công nhận nên không hợp pháp.

Khoản 6,7 điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt như sau:

6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.

Theo tư vấn của luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội), Bitcoin (cũng như một số loại tiền ảo khác) không phải là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được pháp luật công nhận. Do đó, việc giao dịch đồng Bitcoin tại Việt Nam là không hợp pháp và tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 1 điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng.

Theo đó, người nào phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại khoản 6 điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Wikipedia, Bitcoin là một loại tiền mã hóa, được phát minh bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.

Năm 2008 tiền ảo ra đời dựa trên nền tảng công nghệ khối chuỗi blockchain, còn gọi là đồng tiền mã hóa. Sở dĩ gọi như vậy vì khi mã hóa được một “khối” (block) thì người mã hóa (hay còn gọi người đào tiền – Mine) sẽ được thưởng một lượng tiền theo đơn vị nhất định, người đào tiền được xác định quyền sở hữu của mình với lượng tiền ảo đó. Với mỗi loại tiền ảo sẽ cố định một số lượng nhất định, ví dụ như đồng Bitcoin bị giới hạn bởi 21 triệu bitcoin. Giới hạn số lượng này do thuật toán lập trình tạo ra.

Ai tạo ra tiền ảo và mục đích cuối cùng của tiền ảo? Rõ ràng sở hữu tiền ảo chỉ là sở hữu một mã hóa trên không gian mạng, mã hóa đó vốn không có chút giá trị gia tăng, giá trị sử dụng nào, không mang lại lợi ích kinh tế, xã hội. Nhưng tại sao con người lại có thể mang xác nhận sở hữu mã hóa của mình (là tiền ảo) để chuyển thành tiền thật? Có phải mục đích chỉ để thanh toán và để chuyển tiền?

Trong một nền kinh tế chính thường, giao dịch thanh toán, chuyển tiền phải thông qua các trung gian tài chính (ví dụ như ngân hàng), mục đích thanh toán, nguồn tiền thanh toán, loại tiền thanh toán đều được ghi nhận. Có như vậy, các Chính phủ mới bảo vệ được quyền lợi của người giao dịch, ngăn chặn các giao dịch chuyển tiền phi pháp từ tài trợ khủng bố, buôn bán vũ khí, ma túy, rửa tiền tham nhũng…

Khi tiền ảo được giao dịch, có thể quy đổi bằng tiền thật, khi đó tiền ảo trở thành phương tiện hoàn hảo các các tổ chức tội phạm quốc tế, cho các chính phủ tham nhũng trong việc rửa tiền bẩn. Chỉ cần đầu tư vào tiền ảo, thậm chí đăng ký đào tiền ảo, mua đi bán lại trong các tài khoản (được gọi là ví), tiền bẩn từ tham nhũng, buôn bán vũ khí, ma túy, tiền ăn cắp từ tài khoản tín dụng, nghiễm nhiên trở thành tiền sạch, nguồn thu nhập chính đáng.

Việt Nam Xã hội

Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có phạm pháp?