Mô hình ‘3 tại chỗ' không bền vững: Hơn 10.000 doanh nghiệp ĐBSCL rời khỏi thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Doanh nghiệp tổ chức mô hình "3 tại chỗ" phải tốn rất nhiều nguồn lực, chi phí trong khi không được nhận hỗ trợ tương xứng.

Các khu chế xuất - khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP) hiện đang có gần 700 nhà máy/doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến". Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, nhằm giữ chân trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM (HBA), cho hay: "Đặc biệt, từ ngày 23/8 đến nay, doanh nghiệp không được phép áp dụng phương án thay thế cho 3 tại chỗ, cũng không được thay đổi tăng hoặc giảm số lao động vừa cách ly, vừa sản xuất và thực hiện nghiêm quy định ai ở đâu ở yên đó" .

Theo bà Lê Bích Loan - Phó Ban Quản lý SHTP, những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" bị đình trệ hoạt động kết nối với bên ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu do thành phố siết chặt quy định về các trường hợp được di chuyển. Rất nhiều doanh nghiệp đến nay chưa được cấp giấy đi đường và mã QR cho xe vận chuyển hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe giao nhận hàng hóa, xe cung cấp suất ăn công nghiệp, xe đưa rước công nhân không qua được các chốt kiểm soát vì không có thẻ đi đường (dù quy định mới nhất là chỉ cần xe có mã QR do Sở Giao thông Vận tải cấp). Dù đã nhiều lần liên hệ với đầu mối cấp giấy đi đường là Công an TP. HCM và Công an địa phương nhưng doan nghiệp chỉ nhận được phản hồi là "chưa có".

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả đủ lương theo đúng thời hạn cho người lao động và nhân viên cùng với các quyền lợi liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ phúc lợi khác.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) và Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) cùng với một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam cùng kiến nghị cho rằng, phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường - 2 điểm đến" như một cơ chế tạm thời nhưng không bền vững từ quan điểm sức khỏe, an toàn và chi phí.

Hơn 10.000 doanh nghiệp vùng ĐBSCL rời khỏi thị trường trong 3 tháng

Số liệu trên được ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho hay tại chương trình đối thoại trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn COVID-19” diễn ra sáng 31/8.

Tình hình dịch bệnh trên cả nước nói chung cũng như tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng diễn biến khá phức tạp khiến cho nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và cả 16+, dẫn đến tình trạng “đóng băng” trong sản xuất kinh doanh.

Cụ thể:

Trong 3 tháng (6, 7, 8) vừa qua, vùng ĐBSCL có trên 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trong khi con số này của 6 tháng đầu năm là trên 6.000 doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là gần 90%; doanh thu quý II giảm còn 40 - 50%...

Theo ông Lam, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng, chính sách, rào cản chồng chéo. 13 tỉnh/thành thì có tới 13 chỉ đạo khác nhau, trong khi quá trình sản xuất đến tiêu thụ cần phải lưu thông.

Đối với mô hình “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp đánh giá không khả thi, kéo dài sẽ gây hao tổn, không an toàn, trong khi chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa kịp thời. Doanh nghiệp đang rất băn khoăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhưng lo lắng, nếu không có khoản hỗ trợ nào thì khả năng phá sản là 'trong tầm tay'.

Tại ĐBSCL, tình trạng dừng hoạt động của ngành vận tải khiến hàng triệu tấn lúa bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài vẫn đợi ở phao số 0 chờ “ăn hàng”. Nhiều sản phẩm nông, thủy sản khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, sản xuất với 20 - 30% công suất. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, một số khác đành bỏ cuộc…

Ông Trần Khắc Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng nhiều doanh nghiệp đang “chết lâm sàng”.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều văn bản và có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chính sách chưa đủ ‘mạnh’ để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. “Chúng tôi chấp nhận sẽ làm lại từ đầu, ông bà ta có câu ‘Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây’”, ông Tâm nói.

Theo khảo sát doanh nghiệp quý III/2021 của VCCI Cần Thơ, có 40% doanh nghiệp tiếp tục bi quan về tình hình việc làm cho người lao động; 40% doanh nghiệp cho rằng doanh thu suy giảm; cũng có 40% doanh nghiệp tin rằng tình hình tiếp cận nguồn nguyên liệu sẽ kém đi…

Khảo sát cũng cho thấy ngành chế biến nông, thủy sản bị đổ vỡ trong chuỗi giá trị khi thực hiện “3 tại chỗ”, chưa thể thống kê thiệt hại vì chính sách địa phương ban hành quá nhiều và trong thời gian ngắn gây biến động quá lớn…

Thành Trung

Việt Nam Xã hội

Mô hình ‘3 tại chỗ' không bền vững: Hơn 10.000 doanh nghiệp ĐBSCL rời khỏi thị trường