Xuất hiện máy bay quân sự Trung Quốc tại đá Chữ Thập ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hải quân Trung Quốc đang điều máy bay quân sự từ Hạm đội Biển Nam đến đá Chữ Thập thường xuyên hơn.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy máy bay quân sự Trung Quốc một lần nữa xuất hiện tại căn cứ lớn nhất ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Thông tin này cho thấy lực lượng không quân của Hải quân Trung Quốc có thể bắt đầu sử dụng nơi đây làm căn cứ hoạt động, theo đài RFA.

Sự hiện diện của máy bay quân sự Trung Quốc tại đá Chữ Thập là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang muốn tăng kiểm soát Biển Đông từ các căn cứ mà họ xây dựng trên các rặng san hô và đá từ năm 2016.

Đá Chữ Thập nằm trong số 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.

Gần đây, Trung Quốc đã có một loạt các động thái trên biển và cả biện pháp hành chính nhằm củng cố các tham vọng lãnh hải của Bắc Kinh.

Xuất hiện máy bay quân sự trên đá Chữ Thập

Trang mạng Jane, chuyên về các vấn đề quốc phòng và tình báo, cung cấp hình ảnh vệ tinh chụp hôm 11/5. Hình ảnh cho thấy hai loại máy bay giám sát cùng với một máy bay trực thăng quân sự xuất hiện tại đá Chữ Thập, cũng là trụ sở của 'quận Nam Sa' mới của Trung Quốc, thuộc quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc đã đưa máy bay đến các đảo và căn cứ nhân tạo ở Biển Đông trước đó, sau khi máy bay ném bom H-6K đầu tiên hạ cánh trên đảo Woody vào năm 2018 (phía bắc quần đảo Hoàng Sa).

Tuy nhiên, lần triển khai này đến từ lực lượng không quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF). Chiếc máy bay được trang Jane phát hiện thuộc về PLANAF, lực lượng đang phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc.

Sean O'Connor, nhà phân tích của trang Jane, cho biết: "Máy bay giám sát Trung Quốc đã xuất hiện 2 lần trong vòng một tháng qua. Điều đó cho thấy PLANAF đang bắt đầu đưa máy bay định kỳ đến căn cứ trên đá Chữ Thập. Máy bay có thể được điều đến căn cứ này thường xuyên từ các đơn vị khác của PLANAF trong Hạm đội Biển Nam."

Ông Sean nói rằng nhà chứa trên đảo đủ chỗ cho ít nhất 3 máy bay giám sát. Ngoài ra, những máy bay khác có thể đỗ ngoài trời.

Theo trang Jane, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một tàu vận tải đổ bộ Type 071 cập cảng đá Chữ Thập. Đây có thể là một màn trình diễn khác của hải quân Trung Quốc khi Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các vùng biển khác.

Máy bay vận chuyển quân sự Y-8 hoặc máy bay tuần tra biển KJ-200 xuất hiện ở đá Chữ Thập, ngày 3/5/2020. (Ảnh: RFA)
Máy bay vận tải quân sự Y-8 hoặc máy bay tuần tra biển KJ-200 xuất hiện ở đá Chữ Thập, ngày 3/5/2020. (Ảnh: RFA)

Trước đó, máy bay vận tải quân sự Y-8 và máy bay tuần tra hàng hải KJ-200 cũng xuất hiện trên đá Chữ Thập vào ngày 3/5. Cả hai loại máy bay này có liên quan chặt chẽ với nhau và trông giống nhau khi nhìn từ trên cao.

Không quân sự hóa Biển Đông?

Trung Quốc trong quá khứ đã cam kết không sử dụng các đảo nhân tạo ở Trường Sa làm căn cứ quân sự. Phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng 9/2015 sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói trong cuộc họp báo rằng: "Không có ý định quân sự hóa" Biển Đông.

Nhưng sau đó, Trung Quốc dường như đã "quay ngoắt" lại với cam kết đó. Đá Chữ Thập đã có nhà chứa máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay vận tải quân sự, và có một bến cảng sâu để chứa tàu chiến và tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm trên đá Chữ Thập, đe dọa bất kỳ lực lượng hải quân và không quân các nước gần đó.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4/2020 cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay tuần tra KQ-200 tại bãi Đá Chữ Thập (Ảnh: ISI).
Ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4/2020 cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay tuần tra KQ-200 tại bãi Đá Chữ Thập (Ảnh: ISI).

Đá Chữ Thập đã trở thành một trung tâm hoạt động cho chiến dịch Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thiết lập một trạm quan trắc sinh thái trên đảo vào tháng 1 vừa qua, một trạm nghiên cứu dưới biển sâu vào tháng 3 và đã đồn trú vĩnh viễn cho Lực lượng Cứu hộ Trung Quốc trên đá Chữ Thập từ tháng 2.

Đến ngày 19/4, Trung Quốc đã công bố hai khu hành chính mới để quản lý Biển Đông, đó là quận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Thông báo ngay lập tức bị Việt Nam lên án mạnh mẽ.

Phản ứng của Hải quân Mỹ

Gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông dường như để kiềm chế kế hoạch của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc cử một tàu khảo sát và một đoàn tàu hộ tống vào vùng biển Malaysia nơi một tàu khoan dầu đang hoạt động, các tàu chiến của Mỹ và Úc cũng đã di chuyển đến đó. Ngoài ra, tàu chiến USS Gabrielle Giffords cũng triển khai hai lần trong hai tuần. Gần đây nhất, tàu chiến USS Montgomery lần lượt tuần tra khu vực này vào ngày 7/5.

Tàu tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (trước) và tàu chiến USS Barry (DDG-52) có mặt ở Biển Đông vào tháng 4/2020. (Ảnh: US Navy)
Tàu tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (trước) và tàu chiến USS Barry (DDG-52) có mặt ở Biển Đông vào tháng 4/2020. (Ảnh: US Navy)

Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, hôm 8/5 đã chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi hành động của Bắc Kinh thời gian qua là "bắt nạt" các nước láng giềng Đông Nam Á, theo USNI.

"Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt hành động bắt nạt các nước Đông Nam Á để độc chiếm dầu mỏ, khí đốt và đánh cá ở ngoài khơi. Chúng tôi cam kết một trật tự dựa trên luật lệ ở Đông Nam Á, và sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do trên biển và nguyên tắc pháp luật", Đô đốc Aquilino nêu rõ.

Đá Chữ Thập là gì?

Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía tây nam của bãi san hô Tizard (Tizard Bank) thuộc cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa.

  • Trung Quốc kiểm soát đá này từ năm 1988 đến nay.
  • Tên gọi: đá Chữ Thập, tiếng Anh: Fiery Cross Reef
  • Đặc điểm: có chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là 14 hải lý (25,93 km) và chiều rộng là 4 hải lý (7,4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên.

Lịch sử xây dựng đá Chữ Thập

Theo nguồn tin của Trung Quốc, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ thuộc UNESCO ủng hộ về mặt ngoại giao và giao phó cho Trung Quốc xây dựng trạm quan sát trên biển tại quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1987.

Nắm lấy thời cơ này, Trung Quốc bắt đầu khảo sát quần đảo Trường Sa ngay trong tháng 4/1987 và quyết định chọn đá Chữ Thập làm nơi đóng quân vì đá này không những đủ lớn mà còn nằm xa các căn cứ đồn trú của các nước khác. Trong thời gian sau đó, Trung Quốc còn liên tục viếng thăm và tiến hành khảo sát nhiều thực thể địa lý hoang vu khác.

Ngày 31/1/1988, hải quân Việt Nam cử hai tàu chở vật liệu từ đá Tây đến xây dựng công trình tại đá Chữ Thập nhưng bị hải quân Trung Quốc chặn lại. Từ cuối tháng 2, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ tại đây và hoàn tất việc tạo lập căn cứ vào tháng 7 cùng năm.

Cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập

Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60 m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăng-ten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar. Ngày 26/5/2010, Trung Quốc phủ sóng mạng điện thoại trên đá này.

Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích 2,74 km² (tính đến tháng 7/2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD).

Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125 m và rộng 60 m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ của Mỹ) đến Ấn Độ Dương.

Nguồn: Wikipedia



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

Xuất hiện máy bay quân sự Trung Quốc tại đá Chữ Thập ở Biển Đông